Nhiều quy định mới về đăng kiểm đầu máy, toa xe đường sắt

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 20/02/2024 06:36

Từ ngày 15/3/2024, quy định về đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt có nhiều điểm mới, như không còn loại hình kiểm tra bất thường, bổ sung chu kỳ kiểm định đối với phương tiện hết niên hạn nhưng tiếp tục được sử dụng…


Nhiều quy định mới về đăng kiểm đầu máy, toa xe đường sắt- Ảnh 1.

Đầu máy, toa xe đường sắt thuộc diện hết niên hạn nhưng tiếp tục được phép sử dụng (theo quy định tại Nghị định số 91/2023 của Chính phủ) đến hết năm 2030 có chu kỳ kiểm định 9 tháng/lần - Ảnh minh họa

Cục Đăng kiểm VN cho biết, Thông tư số 01/2024/TT-BGTVT của Bộ GTVT "quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt" bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024.

Thông tư này thay thế các thông tư trước đây (Thông tư số 29/2018, Thông tư số 10/2022), với nhiều nội dung mới đáng chú ý như: không còn quy định loại hình kiểm tra (kiểm định) bất thường, cụ thể hơn các phương thức kiểm tra, sửa đổi chu kỳ kiểm định đối với phương tiện đường sắt đô thị, bổ sung chu kỳ kiểm định đối với phương tiện đường sắt hết niên hạn nhưng tiếp tục được phép sử dụng đến hết năm 2030…

Cụ thể, từ thời điểm trên, cơ quan kiểm tra (Cục Đăng kiểm VN) thực hiện 4 loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đầu máy, toa xe đường sắt: kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu, kiểm tra hoán cải và kiểm tra định kỳ. So với trước đây, không còn loại hình: kiểm tra bất thường.

Mỗi loại hình kiểm tra được quy định rõ ràng, trong đó loại hình kiểm tra định kỳ được áp dụng đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, chạy trên đường sắt chuyên dùng, trên đường sắt đô thị; thiết bị tín hiệu đuôi tàu. Việc kiểm tra được thực hiện đối với từng thiết bị, phương tiện; riêng với toa xe đường sắt đô thị kiểm tra cả ở trạng thái tĩnh và kiểm tra vận hành trên đường khi ghép thành đoàn tàu.

Trong quá trình khai thác, phương tiện phải được kiểm tra định kỳ để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm; việc kiểm tra đối với đầu máy, toa xe đường sắt quốc gia được thực hiện cùng với thời điểm sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ phương tiện.

Về thời hạn chu kỳ kiểm định, chu kỳ đối với đầu máy, toa xe đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng, thiết bị tín hiệu đuôi tàu áp dụng như hiện nay; song bổ sung chu kỳ kiểm định đối với đầu máy, toa xe hết niên hạn sử dụng nhưng được phép sử dụng đến hết ngày 31/12/2030 (theo quy định tại Nghị định số 91/2023 của Chính phủ).

Cụ thể, đầu máy khai thác trên 40 năm; toa xe khách, toa xe đường sắt đô thị khai thác trên 40 năm; toa xe hàng khai thác trên 45 năm (đều tính từ năm sản xuất) cùng có chu kỳ kiểm định là 9 tháng/lần.

Đối với phương tiện đường sắt đô thị, thông tư phân loại chu kỳ kiểm định định kỳ với thời hạn sử dụng từ 30 năm trở xuống và từ trên 30 năm (thay cho mốc 15 năm trở xuống và trên 15 năm như trước), đồng thời chia thành các loại: phương tiện chuyên dùng tự hành, không tự hành và toa xe. Tùy theo mốc thời gian và phân loại, phương tiện đường sắt đô thị có chu kỳ kiểm định 12 – 20 tháng/lần.

Cũng đáng lưu ý, dù thông tư không còn quy định loại hình kiểm tra bất thường phương tiện giao thông đường sắt nhưng bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Cục Đăng kiểm VN về kiểm tra đột xuất phương tiện. Cụ thể, Cục Đăng kiểm VN tổ chức thực hiện kiểm tra đột xuất khi: cơ quan có thẩm quyền phát hiện phương tiện có dấu hiệu không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện vi phạm, Cục Đăng kiểm VN lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Ý kiến của bạn

Bình luận