Từ 20/3, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/02/2024 08:04

Từ ngày 20/3/2024, người giữ chức danh lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy, đăng kiểm viên hạng III phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn so với trước.

Từ 20/3, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn- Ảnh 1.

Đăng kiểm viên kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy gồm các hạng III, II, I (hạng I cao nhất) và được kiểm tra, xác nhận tình trạng kỹ thuật phương tiện tương ứng với giấy chứng nhận hạng đăng kiểm viên

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2024. Nội dung chính của thông tư là sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn trình độ, nhiệm vụ và quyền hạn đối với lãnh đạo đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên (ĐKV) phương tiện thủy.

Theo đó, lãnh đạo đơn vị phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hạng I, hạng II phải có trình độ đại học trở lên; là đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa hoặc đăng kiểm viên tàu biển. Còn với lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hạng III, phải có trình độ cao đẳng trở lên; là đăng kiểm viên phương tiện thuỷ nội địa hoặc đăng kiểm viên tàu biển (quy định trước đây không yêu cầu tốt nghiệp đại học, cao đẳng).

Yêu cầu đối với ĐKV kiểm tra kỹ thuật hạng III cũng được nâng lên, với tiêu chuẩn tốt nghiệp cao đẳng trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm (còn quy định trước đây chỉ cần tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên). Đối với ĐKV thẩm định thiết kế, tiêu chuẩn là tốt nghiệp đại học như ĐKV kiểm tra kỹ thuật hạng I, II nhưng giảm bớt thời gian thực tập tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 6 tháng.

Thông tư mới cũng sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về khoảng thời gian thực tập tối thiểu để công nhận ĐKV đối với 5 trường hợp đặc biệt (là đăng kiểm viên của tổ chức đăng kiểm nước ngoài, kỹ sư chuyên ngành tàu thủy, cơ khí…).

Về trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm tổ chức phân công nhiệm vụ cho ĐKV phù hợp với năng lực được công nhận tại giấy chứng nhận ĐKV và phù hợp với thẩm quyền, nhiệm vụ của đơn vị.

Điểm mới khác là thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về thu hồi giấy chứng nhận ĐKV phương tiện thủy, gồm 4 trường hợp: Làm sai lệch kết quả đăng kiểm phương tiện hoặc không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn… gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến an toàn phương tiện; Làm giả các hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận ĐKV; Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thẩm quyền công nhận đăng kiểm viên, thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên

Theo quy định, ĐKV kiểm tra kỹ thuật gồm 3 hạng III, II, I (hạng I cao nhất, được kiểm tra chứng nhận kỹ thuật đối với tất cả các loại phương tiện) và ĐKV thẩm định thiết kế.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN quyết định công nhận đăng kiểm viên và thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên theo quy định tại Thông tư này. Việc đánh giá để công nhận ĐKV thông qua Hội đồng công nhận, do lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN làm Chủ tịch.

Về chức danh lãnh đạo, Thông tư số 02/2024/TT-BGTVT quy định, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hạng III, ĐKV thực hiện công tác kiểm tra hạng III theo quy định trước đây phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại thông tư trên.

Ý kiến của bạn

Bình luận