Nhiều phụ huynh còn thờ ơ việc đội mũ bảo hiểm cho con em

Hoạt động Ban ATGT 27/09/2015 06:41

“Quên” là câu khá phổ biến của các bậc phụ huynh khi bào chữa cho hành vi không đội mũ bảo hiểm (MBH) cho con em mình khi tham gia giao thông.

_DSC4915_Snapseed

Cố tình không đội MBH

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 60% trẻ em Việt Nam đối mặt với nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông do không đội MBH và mỗi năm có khoảng 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT, trong đó có trên 50% trường hợp các em tử vong do chấn thương vùng đầu.

Nhằm giảm thiểu con số đáng lo ngại trên, công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về đội MBH cho trẻ em và người đi xe đạp điện đã được các cơ quan chức năng triển khai sâu rộng trên toàn quốc. Đồng thời, tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, đại diện cơ quan Nhà nước và các chuyên gia cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm “siết chặt” tình trạng trên. Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra chưa thực sự là “liều thuốc” đặc trị được “căn bệnh” cố hữu vốn ăn sâu vào nhận thức của không chỉ học sinh mà còn cả phụ huynh.

Ghi nhận thực tế của Tạp chí GTVTvề tình trạng vi phạm của phụ huynh học sinh trong khoảng thời gian bước vào năm học mới, đa phần phụ huynh đều “quên” đội MBH cho trẻ khi đưa đón con em mình đi học, thậm chí bản thân các bậc làm cha, làm mẹ cũng không đội MBH. Cùng với đó, số lượng xe đạp điện do người điều khiển mặc đồng phục học sinh không đội MBH cũng diễn ra tương đối phổ biến.

Theo quan sát của phóng viên tại Hà Nội, vào giờ tan học buổi trưa của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hại Bà Trưng), tình trạng nhiều phụ huynh và các em học sinh không đội MBH khi tham gia giao thông diễn ra một cách “vô tư”. Khi hỏi đến việc đội mũ cho trẻ, nhiều phụ huynh tỏ vẻ “khó chịu” và viện cớ nói “nhà gần, đi một đoạn là tới, nên không mang mũ”.

Trái ngược với các phụ huynh ngụy biện cho hành vi vi phạm của mình, bà Hạnh - một người dân sống gần khu vực trường học Lê Ngọc Hân lắc đầu nói: “Những ngày lực lượng CSGT ra quân tăng cường xử phạt thì chấp hành rất văn minh nhưng sau đâu lại vào đấy. Tôi thấy nhiều ông bố, bà mẹ còn không đội MBH cho bản thân chứ nói gì đến việc đội mũ cho con mình. Không phải họ quên mà họ cố tình không đội đấy.

Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến tại một số trường học khác như: Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình), Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy), Trường THCS Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm)… Lý giải vì sao không đội MBH cho con, chị Kim Xuân ở phố Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy) cho hay: “Ngày trước tôi cũng đội MBH cho con, nhưng cháu kêu bị đau đầu nên tôi sợ không dám cho đội nữa”.

Tương tự, bạn Hứa Văn N., học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Quý Đôn “đầu trần” đi xe máy điện biện minh: “Em đi học vội nên quên không mang theo MBH, mà nhiều bạn không đội cũng đâu có bị xử phạt”. Nói rồi N. chỉ tay sang bạn bên cạnh và nhấn ga đi tiếp.

Nỗ lực đáng ghi nhận của cơ quan chuyên trách

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, tình trạng các bậc phu huynh coi thường việc bảo vệ con em mình khi tham gia giao thông là điều rất đáng quan ngại, thậm chí có thể coi là một sai lầm rất nghiêm trọng. Mặc dù các vị phụ huynh luôn bảo vệ con em mình bằng mọi cách từ sự trang bị khi đi trời mưa, trời nắng, bảo vệ con không bị điện giật…, nhưng việc ngăn ngừa cho con khỏi nguy cơ bị chấn thương vùng đầu với tỉ lệ tử vong rất cao khi tham gia giao thông thì chưa thực sự được chú ý.

"Vì bất kì lý do gì mà ai đó bỏ qua rủi ro về sinh mạng của con em mình thì người đó phải xem xét lại tình cảm của bản thân dành cho con cái, xem lại mình có thực sự yêu con mình hay không", ông Hùng nhấn mạnh.

mu bao hiem
CSGT ra quân tăng cường xử phạt các em học sinh không đội MBH khi tham gia giao thông

Trước thực trạng trên, việc tuyên truyền đội MBH là hành động thiết thực, cụ thể nhất và có tác dụng hiệu quả khi tạo cho người dân thói quen chấp hành pháp luật từ một hành vi, từ đó sẽ tạo thành thói quen thực hiện những hành vi đúng quy định pháp luật khác. Ngoài ra, việc lấy MBH để giáo dục ATGT từ nhà trường là hạt nhân đột phá trong giáo dục pháp luật nói chung và tạo sự lan tỏa từ trẻ em đến người lớn. Vì vậy, tháng 9 năm nay là tháng cao điểm được Ủy ban ATGT Quốc gia đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động tại tất cả các trường học trên toàn quốc.

Trong năm 2015, Ủy ban ATGT Quốc gia đã huy động và phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân để tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Ủy ban cũng đã trao tặng gần 20.000 MBH đạt chuẩn thông qua nhiều hành động cụ thể như các lễ phát động ATGT tại trường học, Ngày hội ATGT, Làng chài ATGT, Thanh niên với văn hóa giao thông… trên địa bàn cả nước. Dự kiến, trong những tháng cuối năm, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực với số lượng MBH được trao lên tới trên 50.000 mũ.

Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho biết, hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo đều có kế hoạch phối hợp với Ban ATGT, CSGT các địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT cho học sinh, như tổ chức các lớp học và hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật TTATGT cho các em.

Tuy nhiên, hiện nay trên các con đường đến trường, tình trạng học sinh không đội MBH, thậm chí là cả phụ huynh vẫn diễn ra với nhiều lý do bao biện cho hành vi vi phạm. Thực trạng này phản ánh rõ ràng nhất về ý thức của phụ huynh học sinh là chưa cao và còn tồn tại tư duy đội MBH để đối phó với lực lượng chức năng.

"Lực lượng CSGT phải cùng lúc triển khai xử lý rất nhiều hành vi vi phạm TTATGT và không thể tập trung xử lý chỉ một vấn đề. Đây cũng chính là kẽ hở để tái diễn tình trạng vi phạm của cha mẹ học sinh sau những ngày tăng cường xử lý", Thiếu tá Minh nhấn mạnh.

Trước hiệu quả đáng ghi nhận từ những nỗ lực của các cơ quan chuyên trách về TTATGT thì thực tế đáng buồn về ý thức chấp hành kém cũng như nhận thức thiếu đầy đủ của người dân đã tiếp tục đặt ra những bài toán cần lời giải triệt để.

Ý kiến của bạn

Bình luận