Nghe điện thoại khi lái ôtô bị phạt: Sao không phạt xe máy, xe đạp?

Ý kiến phản biện 02/06/2016 10:22

Nhiều doanh nghiệp vận tải và lái xe tỏ ra băn khoăn, lo lắng trước quy định nghe điện thoại khi lái xe ôtô bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng.


Sử dụng tai phone, bluetooth kết nối sao lại phạt

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2016.

Theo đó, việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ô tô chạy trên đường bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng (bổ sung vào quy định xử phạt để phù hợp với Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ mà Việt Nam vừa mới gia nhập).

Trước vấn đề trên, trao đổi với báo chí, nhiều doanh nghiệp vận tải tỏ ra lo lắng và đặt ra những tình huống khó trả lời.

Doanh nghiệp vận tải Quang Hưng (Thanh Trì, HN) thừa nhận khi điều khiển ô tô trên đường nếu lái xe cầm điện thoại và nói chuyện trong quá trình di chuyển sẽ dẫn đến nguy hiểm, thiếu tập trung, sao nhãng. Tuy nhiên anh Hưng cho rằng, hiện nay rất nhiều xe lắp các thiết bị hỗ trợ hiện đại để kết nối bluetooth, kết nối với loa trên ô tô, loa ngoài nghe trực tiếp như đài FM. Nếu cứ chiếu theo luật để phạt thì không hợp lý, hợp tình.

“Tôi thấy việc nghe qua bluetooth hay qua loa rất tiện, nó giống như mình nghe nhạc khi đi trên đường vậy. Nhất là lái xe đường dài, việc phải nghe điện thoại từ khách hàng, công ty là điều khó tránh. Vì vậy, sao có thể đánh đồng việc cầm điện thoại nghe trực tiếp với các hình thức khác và cứng nhắc bắt phạt kiểu thế”, anh Hưng đặt vấn đề.

Sao không phạt xe máy, xe đạp
Nghe điện thoại lái ô tô bị phạt từ 6-8 triệu. Ảnh: TTO

Cùng chia sẻ, doanh nghiệp vận tải Nguyễn Thanh Duy (Chương Mỹ, HN) lo lắng: “Đối với các tuyến đường trong nội thành, nội thị, đường nông thôn thì quy định trên còn có tác dụng chứ đối với đường cao tốc, đường quốc lộ, tỉnh lộ thì làm sao lái xe chấp hành được. Tốc độ bao giờ cũng được quy định sẵn từ 80km/h-120 km/h, tùy loại xe.

Nếu khi nào có điện thoại đều giảm tốc, đi sát lề đường hoặc dừng hẳn để nghe thì đâu có được. Không rẽ vào thì bị phạt vì lỗi lái xe nghe điện thoại còn rẽ vào thì chắc chắn sẽ vi phạm lỗi dừng, đỗ trái phép rồi đi sai làn đường. Như vậy tức là gây khó dễ cho lái xe chứ đâu phải vì dân, vì an toàn giao thông đâu”.

Theo anh Duy, hiện nay trên nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ đã có hệ thống camera giám sát, lực lượng CSGT cũng hoạt động liên tục, nếu không quy định rõ ràng thì chắc chắn lỗi trên sẽ trở thành lỗi phổ biến của các lái xe đường dài.

“Đồng tình là luật đưa ra để dăn đe, khiến lái xe có ý thức hơn. Nhưng nếu quy định chung chung, cứng nhắc thế này, chắc doanh nghiệp vận tải sẽ không có lãi. Giờ phí BOT, phí bảo trì đường bộ đã tăng liên tục rồi”, anh Duy nói thêm.

Sao không phạt nặng xe máy, xe đạp?

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Long (Hà Đông, HN) đề nghị luật phải quy định rõ ràng, trường hợp nào sẽ phạt 6 triệu đồng, trường hợp nào phạt 8 triệu đồng.

“Không thể ra các luật chung chung như vậy được. Xe ô tô con khác hẳn với xe tải, xe chở khách, container nếu cứ đánh đồng phạt như vậy cũng không ổn. Mà thực tế hiện nay không chỉ ô tô mới là phương tiện gây nguy hiểm. Người điều khiển xe máy, xe đạp nhiều khi còn tạt đầu, đánh võng trước mũi ô tô.

Vì thế tôi cho rằng, nếu xử phạt lái xe ô tô ở mức 6-8 triệu đồng mà quy định phạt xe máy 70.000 đồng lỗi này là chưa hợp lý. Cần phải nâng cao mức xử phạt, thậm chí có quy định phạt cả xe đạp, người đi bộ nếu họ gây nguy hiểm cho các phương tiện khác trên đường”, ông Long đặt vấn đề.

Chị Đoàn Thu Hoài (Nam Từ Liêm, HN) khi được hỏi về việc này đã tỏ ra hết sức đồng tình. Theo chị, nếu không xử nghiêm thì chắc chắn sẽ có nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường vì sự bất cẩn, thiếu tập trung của các lái xe.

“Tôi đi trên đường nhiều lúc cũng phát hoảng với nhiều lái xe. Giờ cao điểm mà họ đi rất chậm, hoặc thậm chí tạt hẳn vào lề đường để nghe điện thoại, gây cản trở giao thông.

Thậm chí có người còn tạt đầu, đánh võng vô tại vạ mà không để ý đến các phương tiện lưu thông phía sau, ý thức rất kém”, chị Hoài bức xúc.

Tuy nhiên chị Hoài cho rằng, muốn xử phạt hiệu quả thì phải nâng cao vai trò cũng như ý thức trách nhiệm của CSGT, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

“Nhiều lỗi trong luật có quy định nhưng tôi thấy cũng có mấy khi CSGT xử phạt đâu, chẳng hạn như việc dùng còi trong phố, ngõ nhỏ, sử dụng đèn cốt khi chạy xe. Lỗi đó phổ biến và cản trở việc lái xe. Vì thế quy định lần này cũng phải xử nghiêm, trách chỉ là luật trên giấy tờ”, chị Hoài tâm tư.

Ý kiến của bạn

Bình luận