Mỗi ngày VN có 24 người ra khỏi nhà và không bao giờ trở về

Ý kiến phản biện 07/01/2016 09:35

Phó Chủ tịch UB ATGTQG Khuất Việt Hùng đã có cuộc trao đổi với phóng viên dịp đầu năm 2016

tacduong1

- Chào ông, nhìn lại năm 2015, ông đánh giá thế nào về tình hình trật tự ATGT và công tác ngăn chặn đẩy lùi TNGT?

Có thể nói, hiện nay vẫn còn một số kết quả chưa thực sự được như mong muốn như công tác chỉ đạo hay tuyên truyền, GD pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển KT-XH, công tác tổ chức GT trên một số tuyến đường, địa phương còn nhiều bất cập, tình trạng tắc đường diễn biến phức tạp...

Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2015 và đặc biệt năm 2015, tình hình TTATGT nước ta đã có chuyển biến rõ nét, TNGT được kéo giảm cả 3 tiêu chí. So sánh giai đoạn 2011-2015, số vụ TNGT giảm 32.307 vụ, số người thương giảm 44.586 người và số người chết giảm 12.546 người.

Năm 2015 trên toàn quốc xảy ra 22.404 vụ TNGT làm 8.671 người chết và 20.556 người bị thương, giảm 2.918 vụ (-11,52%), giảm 325 người chết (-3,61%), giảm 3.861 người bị thương (-15,81%)so với cùng kỳ năm 2014.

-Cả năm 2014 và 2015 chủ đề Năm ATGT đều được Uỷ ban ATGT chọn là Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải (KDVT) và kiểm soát tải trọng phương tiện trong khi TNGT liên quan đến mô tô xe máy là chủ yếu. Xin ông cho biết lý do tại sao và kết quả thế nào?

Chủ đề năm ATGT phải là một giải pháp có hiệu ứng thúc đẩy mỗi cán bộ phải có hành động cụ thể và tạo sức lan toả đến mọi người dân cùng thực hiện mà cụ thể là tạo ra điểm đột phá về niềm tin vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu đảm bảo trật tự ATGT.

 

tacduong2
Phó Chủ tịch UB ATGTQG Khuất Việt Hùng trao đổi về vấn đề ATGT năm 2016

Vào cuối năm 2013, cả nước chỉ có khoảng 250.000 xe KDVT, rất ít so với hơn 40 triệu môtô, xe máy và khoảng 1,5 triệu xe ôtô cá nhân. Trong khi đó, số lượng vụ TNGT xe khách, xe tải, xe công ten nơ khá lớn, tình trạng xe chở quá tải 2 đến 3 lần ngang nhiên đi lại trên đường gây nên sự bức xúc và lo ngại trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. 

Sau hai năm liên tục, việc siết chặt quản lý KDVT, kiểm soát tải trọng xe được thực hiện quyết liệt và toàn diện. Số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách, xe tải vẫn còn nhưng giảm nhiều so với trước đây, xe quá tải giảm đến trên 85%.

Khi nhà nước làm được việc này thì dân mới yên tâm, mới tin, mới ủng hộ và tự giác thực hiện các quy định pháp luật khác như đội mũ bảo hiểm, đã uống rượu bia thì không lái xe,... từ đó giúp liên tục kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí trong khi nhu cầu vận tải và phương tiện vẫn tăng nhanh.

Người Thái tìm hiểu gì về ATGT ở Việt Nam?

- Với những kết quả đạt được, Việt Nam đang đứng ở đâu trong khu vực về vấn đề ATGT?

Mặc dù chúng ta không bao giờ cho phép mình chủ quan, thoả mãn và phải nhớ rằng còn đó mỗi ngày 24 người Việt Nam ra khỏi nhà và không bao giờ trở về nữa nhưng việc so sánh, đánh giá để biết ta đang ở đâu trong khu vực cũng rất quan trọng.

Theo số liệu thống kê TNGT năm 2013 do Chính phủ các nước cung cấp cho Tổ chức Y tế thế giới  thì số người chết trên 100.000 dân ở Việt Nam là 10,74; số liệu của Indonesia là 10,54; Thái Lan là 20,37; Campuchia là 12,88, đặc biệt là Singapore chỉ là 2,94; Myanmar là 6,78. 

- Hồi đầu năm 2015 có một đoàn công tác từ Uỷ ban ATGT Thái Lan sang Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm. Xin ông cho biết nước bạn học những kinh nghiệm nào từ Việt Nam về bảo đảm TTATGT?

Gần đây khi UB ATGT Quốc gia có tiếp đoàn công tác của UB ATGT Thái Lan và Quỹ bảo vệ sức khoẻ Thái Lan sang Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo đảm TTATGT. Phía bạn rất quan tâm muốn tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam về 3 nội dung. Thứ nhất đó là quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy. Dù cùng thực hiện nhưng hiện tại tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của Thái Lan hiện chỉ đạt khoảng 40%, ở ta thì tỷ lệ đạt bình quân khoảng trên 85% người lớn và khoảng trên 60% trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Thứ hai là quy định gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải và tích hợp dữ liệu để quản lý tập trung.  Thứ ba là việc thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng.

Cuối cùng là mô hình hoạt động của UB ATGT QG và Ban ATGT các địa phương. Theo như các bạn cho biết  thì Thái Lan cũng có UB ATGT QG do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch nhưng hiệu quả phối hợp liên ngành cũng như giữa trung ương với địa phương còn hạn chế. 

- Phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, xin ông cho biết mục tiêu của công tác bảo đảm TTATGT năm 2016 và của giai đoạn 2016-2020?

Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục kéo giảm TNGT 5% - 10%/năm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, phấn đấu đến năm 2020 đưa số người chết vì TNGT xuống con số 5.000; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng, kéo giảm ùn tắc GT tại các thành phố lớn, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30'.

- Còn các giải pháp để thực hiện mục tiêu?

Để thực hiện những mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc thực hiện quyết liệt và đồng bộ những giải pháp sau.

Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư TƯ Đảng về công tác bảo đảm trật tự, ATGT và Nghị quyết số 88 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT, khắc phục ùn tắc GT.

Hai là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT và chú trọng các khâu quản lý vận tải; đào tạo sát hạch lái xe; đăng kiểm phương tiện; tuần tra, kiểm soát.

Ba là tổ chức GT khoa học; lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; hoàn thiện hệ thống biển báo GT; rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen mất ATGT.

Bốn là tiếp tục tái cơ cấu vận tải; đẩy nhanh tiến độ phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân... 

Năm là đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT, tập trung xử lý dứt điểm vi phạm về KDVT, tải trọng phương tiện...

Sáu là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, GD pháp luật về trật tự, ATGT tới người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tôi tin rằng công tác bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2016 và các năm tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần đem lại cuộc sống an toàn, vui vẻ cho người dân.

Ý kiến của bạn

Bình luận