Kỳ tích đường Trường Sơn

Bạn đọc 16/05/2014 10:53

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh lịch sử đã trở thành mốc son chói lọi, biểu tượng của ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; mãi mãi là một thiên anh hùng ca tô thắm truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam.


Cách đây 55 năm, để thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức tuyến giao liên, vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn. Thực hiện quyết định lịch sử đó, đúng vào ngày sinh nhật Bác, ngày 19-5-1959, tuyến vận tải quân sự chiếc lược Trường Sơn chi viện cho các chiến trường miền Nam đánh Mỹ được phát lệnh mở đường.

Dân công hỏa tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường. Ảnh: Văn Sắc – TTXVN

Và trọng trách lịch sử này được giao cho Đoàn công tác quân sự đặc biệt – Đoàn 559. Khu rừng Khe Hó – một thung lũng phía tây nam Vĩnh Linh (Quảng Trị) được chọn làm điểm xuất phát đầu tiên của con đường lịch sử. Quyết định mở đường Trường Sơn là một quyết định chiến lược tài tình, sáng suốt, một sáng tạo độc đáo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cầu nối

Trải qua 16 năm (từ 1959 đến 1975) chiến đấu ác liệt, gian khổ, bộ đội Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại – con đường đi tới độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ những con đường mòn men theo dải Trường Sơn hùng vĩ, từ những đội quân “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, tuyến đường Trường Sơn không ngừng được mở rộng, vươn xa, với hệ thống 5 tuyến đường dọc và 21 hệ trục đường ngang, tạo thành mạng lưới vận tải cơ giới đường bộ, đường sông hoàn chỉnh. Đường Trường Sơn, mặt trận Trường Sơn thật sự trở thành cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam, trở thành biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Trên tuyến chi viện chiến lược này, hàng triệu tấn hàng hóa, lương thực, vũ khí, hàng vạn cán bộ, bộ đội từ hậu phương lớn miền Bắc đã đến với các chiến trường tiền tuyến lớn miền Nam, đến với các nước bạn Lào, Campuchia, bổ sung kịp thời lực lượng và vật chất để đánh bại các bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Do vị trí chiến lược hết sức quan trọng của đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; thực hiện “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh bóp nghẹt”, chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học, với các loại vũ khí, thiết bị tối tân hiện đại nhất của nền khoa học-công nghệ quân sự Mỹ để hòng đánh phá, hòng hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường Trường Sơn. Trên không, hàng vạn lượt chiếc máy bay đủ loại, ném xuống tuyến đường hàng triệu tấn bom đạn. Dưới đất, dọc các tuyến đường là hàng rào điện tử, là bom từ trường, mìn vướng nổ, bom “tinh khôn”, bom bi, bom lá, chất độc hóa học dày đặc của kẻ thù.

Sự đánh phá ác liệt của địch cùng với khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn trở thành nơi thử thách, tôi luyện ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh, sức sáng tạo và khả năng chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của bộ đội Trường Sơn. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã bất chấp hiểm nguy, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đoàn kết, thương yêu đùm bọc, sống chết có nhau, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, thực hiện “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Cả tuyến đường Trường Sơn là một chiến trường rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bừng bừng khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”; lực lượng nào, đơn vị nào cũng có sự tích anh hùng; con đường nào, địa danh nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa chiến công, làm nên huyền thoại đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc Việt Nam, nỗi ám ảnh và khiếp sợ của kẻ thù.

Với quyết tâm “sống bám xe, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, bộ đội Trường Sơn đã đánh trả 110.000 trận oanh tạc ngăn chặn khốc liệt bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 2.455 máy bay các loại; đập tan các chiến dịch lớn như Đường 9-Khe Sanh, Chen-la 1, Chen-la 2 ở vùng ngã ba Đông Dương, cuộc hành quân Lam Sơn 719 và chiến dịch Đường 9-Nam Lào, tiêu diệt và bắt sống gần 20.000 tên địch.

Sứ mệnh mới

Nhờ tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh lịch sử mà quân đội ta đã thực hiện được những cuộc hành quân lớn, cùng xe tăng, pháo hạng nặng vào tận Tây Nguyên, bất ngờ tiến công mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột, lần lượt đập tan các quân khu, quân đoàn Ngụy, thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, kết thúc 30 năm chiến tranh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến công này đã khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh cách mạng, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tài năng lao động sáng tạo và quyết tâm không gì lay chuyển nổi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời cũng khẳng định thắng lợi của hệ thống Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh lịch sử là một kỳ tích của nước ta.

39 năm sau ngày đất nước thống nhất, con đường huyền thoại Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đang mang trên mình sứ mệnh lịch sử mới, trở thành một tuyến quốc lộ Bắc – Nam hiện đại, phục vụ cho khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Và con đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh vẫn mãi là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; một thiên anh hùng ca bất tử trong trường ca chống Mỹ của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.

 Theo TTXVN

Ý kiến của bạn

Bình luận