Kon Tum: Nhiều tuyến đường huyện biên giới Đăk Glei hư hỏng

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 30/08/2021 06:02

Hiện nay, nhiều tuyến đường đi các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum đã và đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, cẩn trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ TNGT.


Ghi nhận tại huyện biên giới Đăk Glei, chỉ với chiều dài gần 14km tuyến đường DH83 nối từ thị trấn Đăk Glei đến xã Đăk Nhoong đang được người dân nơi đây ví von “tuyến đường ao chuôm” bởi tình trạng mặt đường đang bị biến dạng, hư hỏng trầm trọng. Dọc tuyến đường này, hàng trăm ổ trâu, ổ voi nằm chằng chịt trên mặt đường, có nhiều hố sâu đến cả hơn nửa mét nước, như những “cái bẫy” giữa đường, khiến việc đi lại của người dân và phương tiện giao thông hết sức khó khăn và nguy hiểm.

ảnh 2- Tuyến đường dài gần 14km nhưng trên tuyến c
Tuyến đường DH83 nối từ thị trấn Đăk Glei đến xã Đăk Nhoong chỉ dài gần 14km nhưng trên tuyến xuất hiện hàng trăm ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại trên đoạn tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro

Đặc biệt, trên tuyến đường qua nhiều năm mưa lũ đã xuất hiện 3 điểm sạt lở phía taly âm vào nền đường và nếu tiếp tục kéo dài, không được sửa chữa sẽ dẫn đến nguy cơ đứt đường vào thời điểm mùa mưa bão. Trong khi đó, đây là tuyến đường huyết mạch, độc đạo phục vụ cho việc đi lại của hàng trăm hộ dân tại xã biên giới Đăk Nhoong nối với trung tâm huyện Đăk Glei.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, hiện nay, ngoài một số xã như Đăk Kroong, thị trấn Đăk Glei, Đăk Pét, Đăk Man- nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh thì việc đi có phần thuận lợi. Tuy nhiên, các xã còn lại, đặc biệt là các xã biên giới như xã Đăk Plô, Đăk Nhoong, Đăk Long thì việc đi lại gặp nhiều khó khăn bởi các tuyến đường này đã và đang tiếp tục bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.  

ảnh 4- Trên mặt đường xuất hiện nhiều hố sâu đến c
Trên mặt đường xuất hiện nhiều hố sâu đến cả mét nước

Cụ thể; toàn huyện hiện có hơn 400 km tuyến đường liên xã, liên thôn thì đa số đã và đang xuống cấp, hư hỏng, đặc biệt là các con đường lên các xã vùng biên giới. Nặng nhất phải kể đến tuyến đường DH81 từ ngã ba Măng Khênh đi xã Đăk Blô, có tổng chiều dài hơn 21 km. Tuyến đường này đã bị hư hỏng nặng, mùa mưa các phương tiện không thể lưu thông, còn về mùa khô việc đi lại cũng vô cùng gian nan, khó khăn. Chính vì thế, vào mùa mưa, muốn đi đến xã Đăk Plô, thì hầu hết người dân và phương tiện phải đi qua đường DH83 qua xã Đăk Nhoong rồi đi qua đường tuần tra biên giới. Tuy nhiên, tuyến đường DH83 này cũng không mấy khá hơn.

Ông A Tiểu-thôn Pêng Sal Pêng (thị trấn Đăk Glei) cho biết: Nhà mình có rẫy ở xã Đăk Nhoong nên ngày nào mình cũng đi trên đường này vài lần, đường hư hỏng nhiều quá, trên mặt đường chằng chịt ổ trâu, ổ voi nên đi lại rất vất vả, nhất là vào mùa mưa, nhiều hố to tạo thành những chiếc ao lớn giữa đường, chỉ cần thiếu chú ý quan sát hoặc không quen đường là đã bị sụp hố ngay. Chúng tôi mong nhà nước quan tâm sớm đầu tư, sửa con đường để đi lại thuận lợi hơn.

Ông A Nang-Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Đăk Nhoong cho biết: Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, huyện, cử tri trong xã đã phản ánh và đề nghị quan tâm sớm sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này để tạo điều kiện cho người dân trong việc đi lại, đồng thời để hàng hóa nông sản của người dân làm ra không bị tư thương ép giá vì đường xấu. Hơn nữa, để  phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân thì đầu tiên đường giao thông phải thuận lợi...

ảnh 9- Theo người dân, không chỉ mùa mưa mà cả mùa
Theo người dân, việc dẫn đến tình trạng nhiều tuyến đường trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng có tình trạng xe tải trọng hoạt động trong việc vận chuyển nông sản, vật liệu...

Trao đổi thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Tứ- Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đăk Glei cho biết: Hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị hư hỏng, xuống cấp nặng một phần là do đường đã được đầu tư lâu, các phương tiện đi lại nhiều. Hơn nữa, kinh phí của huyện phục vụ cho sửa chữa rất ít, một năm chỉ có 50 triệu đồng để làm công tác khắc phục, sửa chữa hơn 100km đường trên địa bàn toàn huyện. Vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc khắc phục cũng chỉ mang tính “tạm thời”.

“Mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp và sự tàn phá của thiên tai khiến các tuyến đường trên địa bàn ngày càng xuống cấp nhanh. Trong khi đó, nguồn kinh phí của huyện có hạn nên rất khó khăn trong công tác duy tu, bảo dưỡng và khắc phục những tuyến đường hư hỏng nặng…”- ông Tứ cho hay.  

Theo người dân, nguyên nhân tuyến đường xuống cấp ngày càng nhanh một phần do tuyến đường này có nhiều xe tải nặng hàng ngày vận chuyển nông sản và xe chở vật liệu xây dựng các công trình xây dựng của thủy điện, thi công các công trình trên địa bàn…

Ý kiến của bạn

Bình luận