“Kèn cựa” thuế, phí nhưng nhiều hãng taxi đóng thuế thấp hơn Uber, Grab?

Bạn đọc 20/07/2017 16:22

Taxi truyền thống nhiều lần “đăng đàn” tố chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh Uber, Grab chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống…

 

“Kèn cựa” thuế, phí nhưng nhiều hãng taxi đóng thu
Ảnh minh họa.

Liên tục “kèn cựa” thuế, phí cao-thấp

Cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab được dự báo ngày càng khốc liệt hơn. Lãnh đạo của một số hãng taxi truyền thống, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, TP.HCM nhiều lần ý kiến về chính sách thuế đang áp cho Uber, Grab và cho các hãng taxi truyền thống.

Cụ thể, lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội từng cho biết, chính sách thuế cho Uber, Grab ưu đãi, bản thân các xe chạy Uber chỉ nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) trên doanh thu được hưởng 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng là 2%, đối với Grab các khoản thuế phải đóng từ 6-7%.

Trong khi, các doanh nghiệp taxi truyền thống phải nộp thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, việc chịu thuế suất cao hơn Uber, Grab cũng được chỉ ra khiến chi phí tăng cao, mất đi lợi thế của các doanh nghiệp taxi truyền thống đang hoạt động.

Theo đó, vị này cho biết các doanh nghiệp taxi truyền thống đã đề xuất về việc Uber, Grab đóng thuế như những doanh nghiệp taxi truyền thống để đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Trong khi, Hiệp hội taxi TP.HCM lại đề xuất việc nộp thuế như Grab, Uber. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã thẳng thắn khẳng định điều này là “không có cơ sở”.

Dù nhiều lần những kiến nghị của các Hiệp hội đại diện taxi truyền thống đã bị từ chối bởi cơ quan quản lý nhà nước nhưng tiếp tục vẫn có những thông tin cho rằng, chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống.

Nhiều hãng taxi truyền thống nộp thuế thấp hơn Uber, Grab

Trước nhiều thông tin cho rằng chính sách thuế hiện đang không bình đẳng và có sự “chênh lệch khá xa” giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, đại diện Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, taxi truyền thống đang phải chịu khá nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất chênh lệch khá xa so với Grab, Uber là không đúng.

Theo Vụ chính sách thuế, Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan không đáp ứng điều kiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, không đáp ứng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế.

Do đó căn cứ vào các quy định hiện tại, Bộ Tài chính có hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế của Uber là tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng là 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng là 2%.

Theo Vụ chính sách thuế, đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được thành lập theo quy định của pháp luật ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng (không bao gồm phần doanh thu của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan).

Đối với các cá nhân ký kết hợp đồng với Uber cũng phải nộp thuế giá trị gia tăng trên doanh thu là 3%, Thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu là 1,5%.

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải Grab, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 384/TCT-TNCN gửi Cục thuế một số tỉnh, thành phố đang triển khai mô hình này hướng dẫn về chính sách thuế thực hiện thống nhất theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber.

Về phía các taxi truyền thống, một số doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống đề nghị được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn đối với Uber, Grab hoặc cho taxi truyền thống nộp thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay; đồng thời kiến nghị doanh thu tính thuế đối với Uber, Grab phải trên cơ sở 100% doanh thu.

"Nếu xác định doanh thu tính thuế của Uber, Grab là 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng sẽ dẫn đến việc đánh thuế trùng và không hợp lý, vì trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức, cá nhân này phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng", Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay.

Dẫn số liệu của ngành thuế tại TP.HCM, Vụ chính sách thuế cho biết, trong số 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn thì 2 doanh nghiệp phát sinh số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ, không phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải nộp (Công ty TNHH du lịch Mai Linh; Công ty TNHH du lịch Thành Bưởi), một số doanh nghiệp khác mức tỷ lệ nộp thuế giá trị gia tăng/doanh thu dưới 3% (CTCP Gia Định, Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist, hợp tác xã vận tải số 10).

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều có mức tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp/doanh thu thấp hoặc không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, mức tỷ lệ nộp khoảng 0,01% đến 0,06%. Riêng Công ty TNHH Ánh Dương mức tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 1,97%/doanh thu (tương đương mức khoán của Uber).

Ý kiến của bạn

Bình luận