Huyện Kon Rẫy (Kon Tum): Nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 07/05/2018 10:34

Thời gian qua, với nỗ lực của chính quyền địa phương, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ đang là trở ngại lớn đòi hỏi sớm được hỗ trợ nhằm xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1
Tuyến QL24 cũ bị xuống cấp trầm trọng

Kon Rẫy là một huyện còn gặp nhiều khó khăn về hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Kon Tum với dân số phần đông là đồng bào dân tộc Bah Nar (nhánh Jơ Lâng), Xơ Đăng (nhánh Tơ Đra)... Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 91.134,55 ha, dân số trên 25.000 người, mật độ dân cư 25 người/km2, được phân bổ tại 56 thôn với 62 làng, chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy. Hiện trên địa bàn huyện có rất nhiều khu vực vẫn thường xảy ra chia cắt giao thông khi mùa mưa về, tình trạng sạt lở có chiều hướng gia tăng… Do đó, giao thông trên địa bàn huyện hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Hiền (trú tại làng Kon S Kôi, xã Đắk Ruồng) chia sẻ: Cứ mưa lũ là hầu như một số vị trí cầu tạm lại bị ngập nước hoặc cuốn trôi, việc đi lại của người dân hoàn toàn bị chia cắt, nông sản không vận chuyển ra được, các cháu nhỏ phải nghỉ học dài ngày. Người dân chỉ mong muốn được chính quyền hỗ trợ xây cho một số cầu ở những khu vực thường xảy ra nước lớn để người dân đi lại thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Tại một số khu vực hai bên bờ sông Đắk S Nghé đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Cường ở thôn 1, xã Tân Lập trăn trở: “Gia đình tôi sống gần bờ sông Đắk S Nghé nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng, càng ngày càng lấn sâu vào trong khiến gia đình rất hoang mang. Ngày trước, đất từ mép sông đi vào rộng hằng trăm mét nhưng nay khoảng cách chỉ còn mấy mét. Tình trạng sạt lở nếu cứ tiếp tục diễn ra thì không biết gia đình chúng tôi sẽ phải đi đâu, về đâu nữa”.

Theo ý kiến người dân, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở đất là do sự thay đổi dòng chảy của sông những năm gần đây, mực nước từ thượng nguồn đổ về lớn bởi tình trạng xả tràn của thủy điện. Bên cạnh đó, đất bên bờ sông là đất pha cát nên rất dễ bị ảnh hưởng sạt lở, mà khi đã sạt lở lại rất khó khắc phục. “Đã có gia đình phải di dời, nhiều hộ dân nơi đây vẫn đang nơm nớp lo âu mỗi khi mùa mưa đến”, ông Cường ái ngại nói.

Qua quan sát tại hai vị trí sạt lở tại thôn 10 khu vực làng Kon S Kôi, xã Đắk Ruồng và tại khu vực thôn 1, xã Tân Lập cho thấy, vị trí sạt lở dài hàng trăm mét, chiều sâu sạt lở trên dưới 10m, khoảng cách từ vị trí sạt lở vào tâm đường còn khoảng 10m, hiện tượng xói lở vẫn tiếp diễn với xu hướng ăn sâu vào bờ và có nguy cơ làm sạt lở thêm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân đang sống trong khu vực.

Bên cạnh đó, hiện một số tuyến đường thôn, đường xã, trong đó có cả tuyến quốc lộ qua địa bàn huyện cũng đang bị xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, tại QL24 đoạn đèo Măng Đen cũ từ km118+303 đến km130+323,10 với tổng chiều dài 12km vốn là tuyến đường huyết mạch dẫn lên khu du lịch Măng Đen giờ đây đã bị xuống cấp nặng nề, không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là phát triển du lịch.

Theo lãnh đạo UBND huyện Kon Rẫy, hiện huyện đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét giải quyết hai vấn đề cấp bách, thứ nhất là tiến hành khảo sát và có phương án xử lý cấp bách để ngăn chặn sạt lở đang diễn ra với tốc độ nhanh, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng người sinh sống trong khu vực. Việc xử lý, khắc phục kịp thời sẽ hạn chế thiệt hại đối với sinh hoạt của người dân trong vùng; thứ hai là bố trí nguồn vốn duy tu để khắc phục, sửa chữa QL24 cũ đoạn đèo Măng Đen từ km118+303 đến km130+323,10 để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là du lịch.

Do đặc thù là huyện miền núi, địa hình phức tạp, có nhiều bản, làng cách trung tâm hành chính huyện hàng chục kilomet nên phát triển giao thông tại huyện Kon Rẫy đòi hỏi mức đầu tư rất lớn. Trong khi đó, huyện còn nghèo, khả năng tự lo vốn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông của huyện chủ yếu trông chờ vào tỉnh Kon Tum

Ý kiến của bạn

Bình luận