Hòa Bình còn nhiều bất cập trong kiểm soát tải trọng xe

Tác giả: KHÁNH HÀ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 23/10/2015 11:18

Vừa bảo vệ hành lang ATGT vừa kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc dẫn đến hiệu quả chưa cao.

kiem soat xe qua tai
TTGT kiểm soát tải trọng xe

Đường dây nóng “nóng ran”

Là địa bàn có QL6 đi qua và là nơi trung chuyển hàng hóa, nông sản của bà con nông dân từ các tỉnh Tây Bắc về, Hòa Bình là cửa ngõ, địa bàn giáp ranh với Hà Nội và cũng là địa bàn nóng về KSTTX. Tiếp chúng tôi, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình Ngô Văn Điềm cho biết, do nhận quá nhiều thông tin, điện thoại “nóng” quá dẫn đến máy “đơ” luôn, nên nhiều cuộc điện thoại gọi đến thì lại “ò e í”. Chúng tôi đang giải quyết một số trường hợp vi phạm hành lang ATGT trên QL6 theo thẩm quyền, tuy nhiên mới dừng lại ở việc tuyên truyền nhắc nhở. QL6 có đặc thù chợ họp ven đường từ Xuân Mai lên đến Cao Phong với 5 chợ cóc tồn tại từ rất lâu, họp theo phiên nhưng tại khu vực Xuân Mai, Kỳ Sơn hoạt động liên tục, chủ yếu là hàng nông sản. Đây cũng là điểm đen về ATGT. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vào cuộc cùng TTGT, nhưng một thực tế là khi lực lượng chức năng đến thì người dân di rời nhưng khi đi thì đâu lại vào đấy. Chính quyền địa phương một số nơi đã xây dựng chợ, nhưng người dân không vào mà cứ bám chợ dọc QL để buôn bán, đây cũng là một khó khăn tồn tại từ lâu nay.

Là địa bàn trung chuyển hàng hóa từ miền xuôi lên Tây Bắc cũng như hàng hóa nông sản từ Tây Bắc về, Hòa Bình được coi là điểm nóng về KSTTX. Ông Điềm cho biết thêm, thông qua đường dây nóng, chúng tôi nắm được nhiều thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp cũng như từ lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo về công tác KSTTX, ví dụ như gần đây chúng tôi nắm được thông tin 1 đoàn xe chở bột đá từ nhà máy tại huyện Bá Thước - Thanh Hóa đi Lạng Sơn, khi qua địa bàn chúng tôi tổ chức đón lõng và kiểm tra phát hiện 3/4 xe vi phạm tải trọng trên 100%. Hoặc qua phản ánh của nhân dân trên địa bàn huyện Mai Sơn có nhiều xe tải mang biển số các tỉnh khác hoạt động chở đá quá tải, chúng tôi sử dụng cân xách tay mật phục thì phát hiện nhiều xe mang biển số 90 chở đá, qua kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp vi phạm tải trọng. Qua 9 tháng đầu năm, chúng tôi đã xử lý và phạt tiền gần 1 tỷ đồng với các lỗi chở hàng quá tải, phạt cả lái xe lẫn chủ doanh nghiệp.

Vướng khi thực hiện

Ông Điềm cho rằng, nhiều thông tin thông qua đường dây nóng không chính xác, nhận được tin báo không đi kiểm tra không được. Như trường hợp vừa qua, theo phản ánh có xe chở hàng quá tải đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Lạc Thủy, lực lượng chốt chặn, tuần lưu trên đường cả mấy ngày liền nhưng không hề có chiếc xe nào cùng loại và mang biển kiểm soát như tin báo. Chưa hết, nhiều đêm chúng tôi đang làm cao điểm KSTTX tại thị trấn Mường Khến trên QL6, nhận được tin báo có xe quá tải trên đường Hồ Chí Minh, cả đoàn lại tức tốc lên đường chạy gần 100km triển khai đội hình đón lõng, tuy nhiên không hề có xe như tin báo. Sự việc này không phải lần đầu mà đã xảy ra nhiều lần, anh em đi làm rất mệt mỏi, chưa kể đến sự chống đối, bất hợp tác của lái xe đã gây không ít khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ.

Ông Lê Ngọc Quản - Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết, tỉnh vừa đầu tư thêm 7 cân xách tay cho lực lượng TTGT và công an nhằm cơ động trong KSTTX, đồng thời phòng khi Trạm KSTTX lưu động trên QL6 bị hỏng. Qua hơn 1 năm hoạt động, nhiều chi tiết, bộ phận của chiếc cân này đã bị xuống cấp, hỏng hóc nhiều lần dẫn đến trạm ngưng hoạt động (theo quy định thì Trạm phải hoạt động 24/24h). Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến Trạm hoạt động không thường xuyên trong thời gian qua.

Trong quá trình hoạt động có nhiều vướng mắc trong quy chế phối hợp hoạt động của trạm cân. Theo Công văn 4616/BGTVT-KCHH về điểu chỉnh Quy chế phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại trạm KSTTX lưu động, thì sửa đổi, bổ sung tại Điều 14, 16 nhưng không sửa đổi, bổ sung Điều 13 đã dẫn đến việc phân công nhiệm vụ giữa lực lượng TTGT và lực lượng trực tiếp điều hành Trạm KSTTX bị chồng chéo, không phân công hết nhiệm vụ.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn này cũng như nâng cao hiệu quả KSTTX, ông Quản kiến nghị sửa Điều 13 là giao cho lực lượng trực tiếp điều hành trạm chuẩn bị cân, phương tiện, thiết bị và các điều kiện cần thiết khác về cơ sở, vật chất bảo đảm cho cán bộ, chiến sỹ trong Tổ công tác thực hiện; trực tiếp vận hành cân tải trọng kiểm tra tải trọng xe; chủ trì phối hợp với CSGT tổng hợp kết quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hàng quá trọng tải và báo cáo theo quy định. “Với Điều 14 nên giao nhiệm vụ cho TTGT dẫn xe vào vị trí cân và bãi hạ tải; xác định tình trạng và mức độ quá tải, thông báo cho lực lượng CSGT xử lý vi phạm hành chính theo quy định; liên hệ với cơ quan, tổ chức để sử dụng các trạm cân điện tử. Có như vậy mới tháo gỡ được khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ tại cơ sở”, ông Quân nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận