Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông

Tác giả: Thanh Bình

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 29/11/2023 06:08

Vào mùa cưới, tình trạng dựng rạp chiếm lòng, lề đường và hành lang đường bộ trên các tuyến đường lại tái diễn. Đã có nhiều cơ quan chức năng khuyến cáo, đây là hành vi vi phạm pháp luật, vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cả khách mời của gia chủ.


Lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang đường bộ để dựng rạp cho việc hiếu, việc hỉ lâu nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Vì ngày vui của ai đó, có thể chúng ta sẽ sẵn sàng bỏ qua những bất tiện khi tham gia giao thông. Nhưng lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang đường bộ để dựng rạp cưới, là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính. Và để ngày vui được an toàn, trọn vẹn nhiều người dân cho rằng việc làm này nên chấm dứt.

Mới đây, một số tài xế lưu thông trên QL 1A đã gửi hình ảnh và phản ánh đến Tạp chí GTVT về việc dựng rạp đám cưới lấn chiếm lòng, lề đường trên Quốc lộ 1A tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam theo hướng từ Huyện Thanh Liêm đi TP Phủ Lý vào ngày 25/11.

Ngoài ra, phóng viên Tạp chí GTVT cũng ghi nhận được tình trạng người dân tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội khu vực gần cầu Ghẽ theo hướng từ cầu Ghẽ đi Hà Nam lấn chiếm hành lang đường bộ để làm nơi dựng rạp cưới vào ngày 26/11.

Không chỉ ngoài quốc lộ, tình trạng lấn chiếm lòng đường để dựng rạp cưới cũng diễn ra ngay trong nội thành Hà Nội. Theo hình ảnh phóng viên ghi nhận được trong chiều 28/11, một gia đình tại ngõ 605 đường Bát Khối đã chiếm trọn lòng đường Bát Khối gần đó để dựng rạp cưới.

Mặc dù rạp cưới được dựng ngay trước cổng của Công an phường Cự Khối, nhưng gia đình này vẫn có thể thuận lợi dựng rạp cưới chắn hết lối đi của người dân mà không có bất kỳ sự ngăn cản nào từ phía Công an phường.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 1.

Theo thông tin bạn đọc chia sẻ, rạp đám cưới được làm ngay trên phần hành lang đường bộ của QL 1A, nằm tại địa bàn xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm đã chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ, đẩy người đi bộ phải đi xuống dưới lòng đường gây nguy hiểm cho người dân.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 2.

Hình ảnh bạn đọc phản ánh, rạp cưới nằm trên QL 1A tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm nói trên không có bất kỳ biện pháp cảnh báo an toàn nào cho người dân cũng như các tài xế khi lưu thông trên tuyến. Xe của khách mời cũng để bừa bãi, chiếm hết phần đường cho người đi bộ.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 3.

Ghi nhận thực tế của phóng viên, rạp cưới tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội chiếm cả chục mét mặt đường, rạp cưới cũng nằm ở vị trí điểm quay đầu xe, gây cản trở nhiều lái xe mỗi khi quay đầu tại đây. (Ảnh chụp ngày 26/11)

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 4.

Một số người dân sống gần khu vực dựng rạp cưới cho biết, rạp cưới của cặp đôi C và H được dựng từ chiều tối ngày 25/11, rạp dựng ra sát mặt đường QL 1A và chỉ có biển cảnh báo tạm, không có đèn cảnh báo khiến cho nhiều tài xế xe buýt, xe tải phải khó khăn hơn khi quay đầu, có nguy cơ gây tai nạn cho người dân.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 5.

Nhiều người đi bộ phải "đánh liều" đi xuống dưới lòng đường QL 1A, vì rạp cưới đã chiếm hết toàn bộ lối đi.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 6.

Theo anh Ngô Minh Tuấn làm việc tại khu vực cầu Ghẽ, nhà ai cũng có lúc có việc, nhưng làm rạp cưới ra sát lòng đường quốc lộ thì không nên, vì như thế vừa gây cản trở cho người dân và gây nguy hiểm cho cả khách mời tới dự đám cưới.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 7.

Một đám cưới tại phường Cự Khối, quận Long Biên dễ dàng chiếm hết lòng đường để dựng rạp cưới ngay trước cửa Công an phường Cự Khối và cách đó không xa là UBND phường Cự Khối.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 8.

Hàng xe của đám cưới đỗ ngay trên lòng đường tại vị trí góc cua của đê Long Biên - Xuân Quan, gây cản trở, khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 9.

Rạp cưới của cặp đôi TQ - HP nằm ngay dưới 2 con dốc, nhưng cả 2 đầu dốc không hề có biện pháp an toàn nào để thông báo cho người dân.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 10.

"Biển báo thì sơ xài cho có, trong khi đó xe thì chắn hết tầm nhìn, tôi đã đi vào dốc rồi phải vất vả lắm tôi mới lùi xe lại được. biết là nhà có việc nhưng dựng rạp kiểu này thì quá nguy hiểm", chị P sống tại huyện Gia Lâm cho biết.

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 11.

Đã có rất nhiều vụ tại nạn liên quan đến việc dựng rạp cưới tràn ra lòng, lề đường, hành lang đường bộ không những gây nguy hiểm cho các tài xế lưu thông trên đường, mà còn gây nguy hiểm cho chính gia chủ và khách mời. (Hình ảnh ghi lại một xe container húc bay một rạp đám cưới, tại đoạn đường qua cầu vượt sông Kinh Môn nối huyện Kinh Môn và huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương trong đêm tối ngày 9/9/2022).

Hiểm họa từ việc dựng rạp cưới trên đường giao thông- Ảnh 12.

Theo quy định của pháp luật, việc sử dụng hè phố để dựng rạp cưới phải đáp ứng được điều kiện là phần hè phố phải rộng đủ 1.5 mét dành cho người đi bộ. (Hình ảnh người dân dựng rạp trái phép dọc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên)

Văn bản hợp nhất số 13 được Bộ Giao thông vận tải ban hành năm 2018 hợp nhất văn bản Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có quy định rõ về vấn đề này.
Theo đó, trong một số trường hợp, người dân được sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông.
Điều 25a. Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông
1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
2. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;
b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;
c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;
d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;
đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;
b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
4. Đối với trường hợp sử dụng hè phố quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, d, đ Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố.
Điều 25b. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông
1. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
2. Lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a) Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;
b) Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Vị trí lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị;
b) Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 02 làn xe cho một chiều đi;
c) Lòng đường có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời lòng đường được quy định tại Điều này.