Hàng hải Việt Nam: Tai nạn giảm, nguy cơ cướp biển cao

Tác giả: Xuân Trường

saosaosaosaosao
03/05/2017 16:41

Trong thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực, nỗ lực của Cục Hàng hải Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc và toàn hệ thống chính trị, tai nạn hàng hải liên tục được kéo giảm. Tuy nhiên, hiện nay một vấn nạn, “điểm nóng” trong ngành Hàng hải chính là nạn cướp biển.

csbdientap11_DHWX

 

Kịp thời tìm kiếm, cứu nạn

Trong năm 2016, cả nước đã xảy ra 21 vụ tai nạn hàng hải; so với  năm 2015 giảm 02 vụ; số người chết và mất tích tăng 11 người, trong đó có 15 ngư dân Indonesia (4 người bị chết và 11 người hiện vẫn đang mất tích) là nạn nhân vụ tai nạn hàng hải giữa tàu Tây Sơn 4 và tàu cá xảy ra ngày 19/11/2016 tại Surabaya, Indonesia; số người bị thương giảm 3 người. Trong 21 vụ tai nạn hàng hải, có 4 vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng, còn lại là tai nạn ít nghiêm trọng; trong năm không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông hàng hải trên tất cả các tuyến luồng hàng hải.

3 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT hàng hải tiếp tục được kéo giảm. Theo đó, toàn quốc có 02 vụ tai nạn hàng hải; so với cùng kỳ năm 2016, số vụ tai nạn hàng hải trong 3 tháng đầu năm 2017 giảm 02 vụ; số người chết và mất tích giảm 01 người; số người bị thương không đổi. Tuy nhiên, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 đã xảy ra vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 thuyền viên thiệt mạng. Cụ thể vào 28/3, tàu Hải Thành 26-BLC chở clinker từ Hải Phòng đi Cần Thơ đã va chạm với tàu Petrolimex 14 và chìm chỉ trong 3 phút tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngay khi nhận được tín hiệu báo nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã điều động tàu gần nhất tới vị trí báo nạn, đồng thời huy động 2 tàu tìm kiếm cứu nạn đến hiện trường. Sau đó, Trung tâm còn huy động nhiều tàu cá tìm kiếm người mất tích. Chỉ trong 4 ngày, 9 thi thể đã được tìm thấy và đưa về gia đình mai táng. Trước sự vào cuộc kịp thời của đội ngũ tìm kiếm cứu nạn, sự chỉ đạo quyết liệt từ các bộ, ngành, hoạt động tìm kiếm cứu nạn thuyền viên tàu Hải Thành 26-BLC được thực hiện nhanh chóng, quyết liệt và hiệu quả, đã cứu sống được 02 thuyền viên và tìm kiếm được toàn bộ 9 thi thể thuyền viên và được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa gửi thư khen ngợi.

Ngoài ra, trước đó vào ngày 26/3, Trung tâm đã cứu hộ thành công 8 ngư dân Bình Định gặp nạn trên biển khi tàu cá chết máy, bị trôi. Trung tâm đã liên lạc với tàu bị nạn, hướng dẫn các thuyền viên tự khắc phục sự cố, các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho các thuyền viên trên tàu, đồng thời tiến hành rà soát, thông báo tới các tàu, phương tiện hoạt có hành trình qua khu vực tàu bị nạn để tổ chức hỗ trợ. Tuy nhiên tàu cá không tự khắc phục được, tiếp tục bị trôi dạt. Tàu cứu hộ đã có mặt kịp thời và đưa tàu cá vào đất liền an toàn.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị hành hải như: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam… đã phối hợp nhịp nhàng, đồng nhất trong công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Có thể thấy rằng, trong điều kiện trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn hàng hải chưa được trang bị hiện đại, các đơn vị đã hết sức chủ động, nhanh nhạy để sẵn sàng ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố tàu thuyền gặp nạn trên biển.

Báo động tình trạng cuớp biển

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tình hình an ninh hàng hải nói chung và cướp biển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, nạn cướp biển có xu hướng gia tăng mạnh tại khu vực biển Sulu - Celebes phía nam Philippines và khu vực biển phía Đông Sabah của Malaysia, với những phương thức tấn công tàu hết sức manh động và tàn bạo, nhất là các hành động uy hiếp sinh mạng, đánh đập, bắt cóc và sát hại thuyền viên. Đây là những khu vực rất nguy hiểm mà các cơ quan chức năng trong nước cũng như quốc tế thường xuyên cảnh báo đối với các công ty quản lý tàu và sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu.

Chỉ tính riêng đội tàu biển Việt Nam, từ tháng 11/2016 - 3/2017 đã xảy ra hai vụ cướp biển tại khu vực nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng (làm 01 thuyền viên bị sát hại, 01 thuyền viên mất tích, 11 thuyền viên bị bắt cóc, một số thuyền viên bị đánh đập gây thương tích, nhiều tài sản bị cướp hoặc phá hủy). Gần đây nhất, ngày 5/3/2017, tàu Phú An 268 khi đang hành trình qua quần đảo Turtlle của Philippines đã bị tàu cướp biển truy đuổi, nhưng do tàu đã thực hiện tốt các biện pháp cảnh giới, ngăn chặn và thông báo cho lực lượng chức năng của Malaysia hỗ trợ kịp thời nên cướp biển không thể tiếp cận được tàu và đã phải rút lui.

Trước thực trạng báo động này, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam đã họp bàn với các hiệp hội vận tải biển và chủ tàu chạy tuyến quốc tế tại miền Trung và miền Nam để phổ biến nâng cao nhận thức, cảnh giác, sẵn sàng các biện pháp phòng ngừa khi đến các vùng biển có rủi ro cướp biển. Đồng thời, hai Cục đang khẩn trương chỉ đạo các cảng vụ hàng hải và các chi cục đăng kiểm tàu biển thực hiện kiểm tra tăng cường về an ninh hàng hải, đặc biệt là nội dung phòng ngừa cướp biển đối với tất cả các tàu hoạt động tuyến quốc tế; tăng cường thực hiện an ninh tàu khi hành trình qua các khu vực có nguy cơ cướp biển.

Hai Cục khuyến cáo các công ty quản lý tàu và thuyền trưởng, sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế: Liên tục cập nhật thông tin về cướp biển và các hướng dẫn/khuyến cáo phòng chống cướp biển trong thông báo của các cơ quan chức năng; bổ sung kế hoạch an ninh tàu gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định trước khi điều động tàu vào khu vực nguy hiểm; duy trì liên lạc thường xuyên 24/7 thông suốt giữa công ty với tàu. Đặc biệt. vấn đề quan trọng nhất là khi tàu đi qua khu vực nguy hiểm cần hành trình theo “đoàn” (nếu có thể) và cố gắng hành trình ban ngày, tránh xa các đảo (có thể là nơi trú ẩn của cướp biển, vì cướp biển không thể đi cách xa nơi trú ẩn). Ngoài ra, khi nhận diện được khả năng bị tấn công rõ ràng phải kích hoạt SSAS, kích hoạt báo động vô tuyến khẩn cấp và thông báo cho các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải (MRCC) hoặc địa chỉ liên lạc khẩn cấp gần nhất, đồng thời tăng tốc độ chạy thẳng của tàu (nếu có thể) để tăng khoảng cách và tránh xa tàu, thuyền cướp biển…

Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cảng vụ hàng hải thông tin về cướp biển và cướp có vũ trang khu vực biển Sulu - Celebes và tình hình cướp biển tại nhiều vùng biển khác trên thế giới. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các cảng vụ hàng hải cập nhật, phổ biến tới tất cả các thuyền trưởng, thuyên viên, chủ tàu, công ty quản lý và khai thác tàu Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế về tình hình cướp biển, cướp có vũ trang và trộm cắp xảy ra đối với tàu thuyền trên toàn thế giới, đồng thời yêu cầu triển khai nghiêm túc Kế họoạch An ninh tàu biển đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt, đặc biệt trú trọng đến các khuyến cáo của IMB, RECAAP nhằm bảo đảm không để xảy ra các sự cố an ninh đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế.

Ý kiến của bạn

Bình luận