Hàn Quốc bứt phá thần tốc nhờ chính sách thu hút vốn linh hoạt

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 03/06/2017 18:03

Từ một quốc gia nghèo nhất thế giới sau chiến tranh (1950 - 1953), Hàn Quốc đã bứt phá thần tốc và trở thành một cường quốc kinh tế châu Á v

 

Anh 1 (1)
 


Chính sách thu hút vốn giai đoạn 1960 - 1990

Chính sách thu hút và quản lý vốn đầu tư của Hàn Quốc có thể được chia làm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1960 - 1990 và giai đoạn 1991 đến nay. Trong giai đoạn 1960 - 1990, Chính phủ Hàn Quốc tập trung thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhằm phát triển sản xuất trong nước, khởi đầu bằng việc ban hành Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào một số ngành công nghiệp như: Đóng tàu, hóa dầu, ô tô... dưới dạng góp vốn dưới 50% trong các công ty liên doanh. Nhóm ngành dịch vụ như viễn thông, ngân hàng, công nghệ thông tin... vẫn chưa được quan tâm.

Đầu những năm 1970, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc có những thay đổi, trong đó có sự xuất hiện của các tập đoàn lớn (Chaebol). Các Chaebol được kỳ vọng sẽ là những “át chủ bài” của nền kinh tế Hàn Quốc nên được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ. Các Chaebol chi phối rất lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc, khi top 30 Chaebol đứng đầu Hàn Quốc đã chiếm đến 90% tổng GDP, trong đó 4 tập đoàn Hyundai, Samsung, LG và Daiwoo chiếm đến 84% tổng GDP và 60% tổng giá trị xuất khẩu. Đầu những năm 80, FDI vào Hàn Quốc tăng chóng mặt nhờ một số điểm mới trong Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài nhằm phục vụ quá trình công nghiệp hóa. Trong bối cảnh, giá nhân công thế giới tăng vọt cuối những năm 80 thì giá nhân công Hàn Quốc vẫn giữ nguyên, thậm chí giảm ở một số ngành công nghiệp có vốn nước ngoài. Để duy trì giá nhân công thấp, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách ổn định giá lương thực, điện, nước, hàng tiêu dùng… Bên cạnh đó, Chính phủ còn áp dụng miễn giảm thuế nhập khẩu đầu vào cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là những công ty công nghệ cao.

Từ năm 1981 đến năm 1990, FDI vào Hàn Quốc có dấu hiệu chững lại buộc Chính phủ phải tăng cường tự do hóa đầu tư nước ngoài. Năm 1982, Hàn Quốc hủy bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được góp vốn dưới 50% trong các công ty liên doanh, đồng thời mở rộng lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn. Nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư chuyển đổi tiền tệ, thanh toán hợp đồng dễ dàng, Hàn Quốc ban hành các biện pháp đơn giản hóa thị trường tài chính, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua thị trường chứng khoán. Để tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn lâu dài, Hàn Quốc đầu tư xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp cho các công ty có vốn nước ngoài; điều chỉnh hệ thống luật pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ cấp giấy phép nhanh cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ mất 45 ngày để nhận được giấy phép thành lập xí nghiệp trong khi thời gian tối thiểu trước kia là 200 ngày. Kết thúc giai đoạn 1960 - 1990, Hàn Quốc đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của giai đoạn tiếp theo.

 Chính sách thu hút vốn giai đoạn 1991 đến nay

Giai đoạn từ 1991 đến nay, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục tăng cường thu hút FDI, khởi đầu bằng kế hoạch tăng cường đầu tư nước ngoài và du nhập công nghệ mới được công bố vào tháng 5/1992. Chính phủ tiếp tục mở rộng các nguồn trợ giúp tài chính, giảm thuế, mở rộng lĩnh vực cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lên 54 lĩnh vực, đặc biệt khuyến khích vào giáo dục đào tạo...

Ngày 15/2/1995, đạo luật mang tính bước ngoặt được ban hành khi Hàn Quốc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần báo cáo hoạt động đầu tư cho cơ quan quản lý địa phương, không cần phải nộp đơn xin phê duyệt từ Chính phủ như trước.

Sau khủng hoảng kinh tế năm 1997, Hàn Quốc ban hành đạo luật thúc đẩy đầu tư nước ngoài mới vào năm 1998. Tính đến tháng 5/2000, có đến 1.140/1.148 lĩnh vực ở Hàn Quốc được phép thu hút FDI.

Ngoài những chính sách cắt giảm thủ tục hành chính, Hàn Quốc còn miễn thuế cho các hoạt động nghiên cứu, giảm tối đa 18% thuế thu nhập cho nhân sự của các công ty nước ngoài và không ngừng cải thiện môi trường sống cho các lao động nước ngoài.

Nhờ những chính sách thích hợp, linh hoạt để phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và thế giới, nguồn vốn FDI vào Hàn Quốc không ngừng được tăng lên.

 

Tư liệu quý giá cho các nước đang phát triển

Chính sách thu hút vốn đầu tư vào Hàn Quốc có thể trở thành những tư liệu quý giá cho các nước khác, trong đó có Việt Nam. Có thể nhận thấy, sự can thiệp của Chính phủ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế Hàn Quốc. Hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế có được nhờ:

Sự duy trì mạnh mẽ và định hướng dứt khoát các mục tiêu ngay từ đầu, nhờ đó Chính phủ có thể hoạch định chính sách, các doanh nghiệp có thể dự tính kế hoạch đầu tư dài hạn.

Sự linh hoạt trong hoạch định chính sách, sẵn sàng nhìn nhận sai lầm để đưa ra các chính sách sửa sai.

Chính phủ xây dựng được mối quan hệ mật thiết giữa Chính phủ và giới kinh doanh, luôn tham khảo ý kiến của giới kinh doanh về tất cả những chính sách quan trọng của nước nhà.

Một nhân tố quan trọng khác quyết định sự thành công trong việc thu hút vốn đầu tư của Hàn Quốc đó là nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào. Đó là kết quả của một nền giáo dục được coi trọng. Không chỉ mở rộng đầu tư với nước ngoài trên các lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc còn mở rộng hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo; khuyến khích sinh viên, cán bộ đi học tập ở nước ngoài; không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trong nước. Nhìn lại Việt Nam, có thể thấy đầu tư cho giáo dục đào tạo hiện nay còn thiếu hiệu quả. Do đó, chúng ta cần quan tâm hơn đến nền giáo dục nước nhà, tăng cường hợp tác đào tạo quốc tế nhưng đồng thời phải có những biện pháp hạn chế chảy máu chất xám.

Bên cạnh những ưu điểm, chính sách đầu tư của Hàn Quốc vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất nằm ở sự thống trị của các Chaebol. Các Chaebol không chỉ chi phối nền kinh tế trong nước mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu bởi hệ thống chi nhánh nước ngoài rộng lớn. Chaebol vừa là động lực phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng gây áp lực đến môi trường kinh tế - xã hội Hàn Quốc, bởi mối quan hệ kinh tế trong thế giới Chaebol hầu như đã vượt ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ. Ngay từ ban đầu, Chính phủ đã dồn một lượng vốn và công nghệ cực lớn vào các công ty lớn, dẫn đến sự mất cân bằng trong môi trường kinh doanh khi hàng loạt các công ty vừa và nhỏ bị phá sản vì thiếu vốn và nguồn lực. Việc quá ưu đãi các nguồn tín dụng cho Chaebol còn tạo ra những khoản nợ khổng lồ. Mặt khác, do phương thức sản xuất của các Chaebol là kết hợp công nghệ nước ngoài với lao động rẻ trong nước, mức độ chuyên môn hóa không cao, thiếu công nghệ cao để cạnh tranh với các cường quốc, lại không có hệ thống các công ty vệ tinh nên khi ra thị trường quốc tế, các Chaebol thường dễ bị tấn công. Hậu quả là năm 1997 - 1998, Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, hàng loạt Chaebol bị phá sản.

Không chỉ ảnh hưởng về mặt kinh tế, sự thống trị của các Chaebol còn gây lũng loạn xã hội. Do cơ cấu kinh doanh đa dạng và mang đặc thù gia đình nên các Chaebol thường chỉ mưu cầu lợi ích kinh tế mà bỏ qua trách nhiệm xã hội; chỉ quan tâm đến các ngành công nghiệp nặng mà bỏ rơi các ngành công nghiệp nhẹ; là nguyên nhân khiến lạm phát tăng vọt, độc quyền giá cả, buôn lậu, trốn thuế... Điều này khiến Chính phủ Hàn Quốc phải đau đầu tìm kiếm những biện pháp điều tiết Chaebol. 

Để không dẫm vào vết xe đổ của Hàn Quốc, Việt Nam cần cân bằng giữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp lớn và hạn chế mặt trái của nó. Các chính sách hỗ trợ cần phát huy được những thế mạnh của doanh nghiệp, đưa các doanh nghiệp này trở thành trụ cột của nền kinh tế với sự phát triển đa ngành nghề, cả về công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Bên cạnh đó, phải chú trọng phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp nền kinh tế phát triển cân đối, đồng đều

Ý kiến của bạn

Bình luận