Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2020

14/02/2016 15:32

Hà Nội tập trung nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học ra lớp; điều chỉnh, nâng định mức chi thường xuyên cho bậc mầm non.

Với mục tiêu thực hiện có chất lượng chương trình giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội phấn đấu tiếp tục duy trì 100% trẻ 5 tuổi đi học, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 3% và đảm bảo tất cả các xã, phường có từ 1 đến 2 trường mầm non công lập.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, việc phổ cập giáo dục mầm non vẫn còn là thách thức không nhỏ đối với ngành giáo dục thủ đô.

gvmn2
Ảnh minh họa.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để đạt được mục tiêu đưa 98% trẻ mẫu giáo đến trường và duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, thành phố dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng thêm 350 trường đạt chuẩn quốc gia.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quán triệt tới các đơn vị giáo dục quan tâm tới công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu các nhiệm vụ của ngành đề ra năm 2016.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các trường, khi triển khai thực hiện xây dựng thường gặp khó khăn về quỹ đất và định mức học sinh trên lớp cao hơn quy định, nhất là ở các quận nội thành. Số phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp ở các huyện, thị xã còn nhiều khoảng 2.200 phòng...

Để khắc phục những khó khăn này, Hà Nội sẽ tập trung vào một số mục tiêu cơ bản như nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học ra lớp; điều chỉnh, nâng định mức chi thường xuyên cho bậc mầm non…

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã trình với UBND thành phố cho những huyện như Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì cơ chế đặc thù hỗ trợ về kinh phí xây dựng trường chuẩn quốc gia, để tạo điều kiện tốt nhất cho con em nhân dân lao động có trường chuẩn quốc gia công lập để học. Ở các quận nội thành, chúng tôi đề nghị thành phố tiếp tục dành mọi quỹ đất cho việc xây dựng trường học, đặc biệt là di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường, miễn thuế 5 năm đầu cho vay vốn ưu đãi”.

Với mục tiêu thực hiện có chất lượng chương trình giáo dục mầm non, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng tỷ đồng vào cơ sở vật chất, trang thiết bị... nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đạt chuẩn phổ cập mầm non. Từ năm 2013, tất cả các quận, huyện, thị xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Hà Nội là một trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đạt Cờ phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, về đích trước 1 năm so với kế hoạch của thành phố, trước 2 năm so với toàn quốc. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện đại trà Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, hiện giáo dục mầm non của Hà Nội đã có những bước phát triển toàn diện ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học của thành phố quá nhanh nên dù quy mô giáo dục mầm non đã tăng nhiều song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Để đạt được mục tiêu phấn đấu đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị thành phố tiếp tục củng cố, quy hoạch đầu tư, xây dựng mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Để 2020 đạt được các chỉ tiêu này, thành phố cần đào tạo bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng đạt chuẩn về chất lượng. Ngoài chuẩn theo nghề nghiệp, phải bám sát chuẩn chức danh nghề nghiệp. 

Thành phố cần có chính sách đặc thù của địa phương để động viên đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên mầm non ở vùng khó khăn mà thu nhập còn thấp; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ, giãn chỉ số trẻ trên lớp ở khu vực nội thành, để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; đổi mới phương pháp giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Hiện toàn thành phố Hà Nội có trên 1.000 trường mầm non, với tổng số trẻ ra lớp trên 515.000 trẻ, số trẻ học tại trường mầm non công lập trên 400.000 trẻ (chiếm tỷ lệ 78%).

Ý kiến của bạn

Bình luận