Hà Nội: Hàng chục cột điện 'án ngữ' giữa đường tỉnh lộ gây hiểm họa TNGT

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 28/11/2021 15:40

Trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng TL428, chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công không thực hiện việc giải phóng mặt bằng, di dời cột điện dẫn đến việc hàng chục cột điện "mọc" giữa đường trở thành "cái bẫy" đối với người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông.


20211124_092930

Chủ đầu tư dự án cho thảm nhựa mở rộng đường nhưng không di dời cột điện 

Theo phản ánh của người dân xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) gần 1 năm nay, tuyến đường tỉnh lộ 428 trên địa bàn xã được đầu tư mở rộng, tạo điều thuận lợi cho việc đi lại của người dân và các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, mở rộng đường, chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công không tiến hành việc di dời các cột điện ven đường mà để nguyên và cho thảm phần mặt đường rộng ra dẫn đến việc những chiếc cột điện này nằm ngay giữa đường. Vô tình đã trở thành những cái "bẫy" đối với người và các phương tiện khi tham gia giao thông.

Chỉ tính riêng khu vực thôn Cống Thần (xã Minh Đức), cứ cách 30m lại xuất hiện 1 cột điện nằm trên mặt đường. Đoạn đường kéo dài chừng 3km, nhưng có đến hàng chục trụ điện nằm mặt đường.

20211124_092957

Các phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.

20211124_092852
 

Tương tự, đoạn qua thôn Cầu, hiện có khoảng 10 cột điện lớn nhỏ, nằm xiêu vẹo giữa lòng đường. Trong số này có những cột điện đã xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc bê tông để lộ phần lõi sắt hoen gỉ, yếu ớt, có nguy cơ đổ gục.

Ông Hiền – một người dân thường xuyên qua lại ở tuyến đường này - cho biết, mỗi lần đi qua đoạn đường này ông luôn phải dè chừng, nếu không cẩn thận là dễ húc ngay vào cột điện.

Lo lắng trước hiểm họa TNGT, người dân liên tục kiến nghị chính quyền địa phương có phương án di dời, có biện pháp đảm bảo ATGT. Thế nhưng, đến nay, việc cảnh báo, đảm bảo ATGT chỉ làm theo kiểu "cho có", trên thân trụ điện được dán, buộc các cuộn băng màu trắng, đỏ để cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường.

20211124_093525

Nhiều vụ va chạm tai nạn giao thông đã xảy ra khiến người dân lo lắng.

Theo người dân địa phương, những cột điện này không chỉ cản trở phương tiện lưu thông, gây nguy cơ TNGT, mà còn khiến mặt đường không được lu lèn bằng phẳng, ngay cả khi được thảm nhựa.

Anh Lê Quốc Ngọc (thôn Cống Thần, xã Minh Đức) bức xúc: Khi thi công mở rộng đường, các đơn vị liên quan hứa sẽ chuyển hàng cột điện đi nhưng đến nay đường đã xong mà lưới điện vẫn chưa được di dời. Theo anh, vào ban đêm và những ngày mưa gió, người tham gia giao thông rất dễ gặp nạn ở đoạn đường này.

20211124_093618

Để hạn chế các vụ va chạm giao thông, người dân ở đây đã dùng giấy phản quang để dán vào các cột điện nhằm cảnh báo cho người vào phương tiện tham gia giao thông qua tuyến đường này.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, dự án nâng cấp, mở rộng TL428  dài gần 14km đi qua 5 xã, thị trấn, huyện Ứng Hòa được chia làm 2 gói thầu. Gói thầu số 1 với 6,5km có tổng mức đầu tư 218 tỷ đồng do Công ty CP Xây dựng cầu đường Hà Nội thi công; gói thầu số 2 kéo dài hơn 7km có tổng mức đầu tư 178 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hòa Nam cùng Công ty CP Xây dựng Gia Huy thi công từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 theo hợp đồng ký kết sẽ phải hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án do Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư.

 Liên quan tới nội dung này, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa cho biết, việc giải phóng mặt bằng, trong đó có cả việc di dời các cột điện thuộc dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ứng Hòa đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên đến nay, những cột điện trên vẫn chưa được di dời.

20211125_140912
 
20211125_140858
 
20211125_141000

Nhiều cột điện đã xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc bê tông để lộ phần lõi sắt hoen gỉ, yếu ớt, có nguy cơ đổ gục

Trong khi đó, phía đơn vị GPMB lại cho rằng, thời điểm bắt đầu thi công dự án từ đầu năm 2020 đến nay do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai các bước kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất đai, thống nhất giữa các cơ quan để lập hồ sơ chi trả, bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị gián đoạn. Mặt khác, thời gian gần đây do học sinh phải học trực tuyến nên các đơn vị liên quan không thể ngừng cấp điện di chuyển cột và dây để lắp đặt cột và dây điện sang vị trí mới khiến doanh nghiệp chưa có mặt bằng hoàn thiện các hạng mục công trình.

Theo luật sư, trong thời gian thi công dự án nếu xảy ra nguy hiểm cho người đi đường thì chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến của bạn

Bình luận