Giải pháp tăng cường hoạt động của các bến xe ở Hà Nội

14/02/2016 06:35

Kính chắn gió là một linh kiện quan trọng trong hoạt động vận tải đường bộ ở các tỉnh, thành phố.

ThS. Lưu Thị Huyền Trang

ThS. Nguyễn Thị Cẩm Vân

Trường Cán bộ quản lý Giao thông vận tải

Người phản biện:

TS. Lý Huy Tuấn

Tóm tắt: Bến xe khách liên tỉnh có vai trò quan trọng trong hoạt động vận tải đường bộ ở các tỉnh, thành phố. Hiện nay, tại TP. Hà Nội, các bến xe phát triển chưa đều, chất lượng phục vụ chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nguyên nhân chính là tổ chức hoạt động của các bến xe chưa khoa học, vị trí bến chưa phù hợp, thiếu tính kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại và công tác quản lý bến xe chưa tốt. Bài báo đánh giá hiện trạng hoạt động tại các bến xe khách liên tỉnh ở TP. Hà Nội và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Từ khóa: Hoạt động vận tải, bến xe Hà Nội.

Abstract: Interprovincial bus stations play a major role in the transportation system. Currently in Hanoi, interprovincial bus stations are insufficient in quantity and poor quality of passenger services. Thus, they do not meet the interprovincial travel demand which is increasing due to unappropriate location of the bus stations, lack of connection with external transport systems, unscientific organization, and operation of bus station and ineffective management. This paper studies evaluating the operational status of interprovincial bus stations in Hanoi and proposes solutions to overcome the current limitations.

Keywords: Transport activities, Hanoi bus station.

1. Đặt vấn đề

Với vai trò là thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước nên Hà Nội là đầu mối vận tải hành khách lớn nhất khu vực phía Bắc, là điểm đi đến tập trung của rất nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh. Theo số liệu thống kê thì tổng khối lượng vận chuyển hành khách liên tỉnh bằng đường bộ ước đạt 61 triệu lượt HK/năm, bình quân tăng 8,25%/năm.

Bến xe khách liên tỉnh có vai trò quan trọng trong hoạt động vận tải đường bộ, thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô khách đón, trả khách và các dịch vụ hỗ trợ; là đầu mối chuyển tiếp giữa vận tải đối ngoại và nội đô, đồng thời cũng là nơi để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải khách nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại, đảm bảo trật tự ATGT.

Mặc dù Hà Nội đã được mở rộng với diện tích 3.348,5km2 nhưng hiện chỉ có 9 bến xe liên tỉnh. Với mật độ dân số và nhu cầu đi lại tăng cao như hiện nay thì số lượng bến xe khách còn thiếu. Bên cạnh đó, vị trí, sự phân bố của các bến xe lại chưa hợp lý. Một số bến xe có vị trí nằm ở các khu vực nhu cầu đi lại thấp, quá gần các bến xe khác nên không thu hút được xe vào bến, dẫn đến dư thừa công suất (Bến xe Yên Nghĩa, Bến xe Nước Ngầm) trong khi các bến khác, do nằm tại các vị trí thuận lợi trong vành đai 3 nên các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình luôn có xe ra vào tấp nập. Hàng ngày, mỗi bến này có hàng nghìn lượt xe khách từ khắp các tỉnh, thành đi về; Bến xe Mỹ Đình quá tải với hơn 1.200 lượt xe ra, vào.

Bên cạnh đó, chất lượng phương tiện chưa cao nên chất lượng phục vụ hành khách còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

2. Thực trạng các bến xe liên tỉnh trên địa bàn TP. Hà Nội

Hiện tại, tổng diện tích của 9 bến xe khách liên tỉnh là 196.612m2. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 29 bến xe nội tỉnh tại các huyện với tổng diện tích khoảng 36.000m2. Tổng hợp các bến xe khách, diện tích bến trên địa bàn TP. Hà Nội được nêu tại Bảng 2.1.

Bảng 2.1. Tổng hợp danh sách các bến xe khách trên địa bàn TP. Hà Nội

hinh21

Trong một thời gian dài, việc thực hiện quy hoạch bến xe chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các khu vực có nhu cầu đi lại cao như khu vực phía tây thành phố rất thiếu bến. Một số bến xe do vị trí nằm ở các khu vực nhu cầu đi lại thấp hay quá gần các bến xe khác nên không thu hút được xe vào bến, dẫn đến dư thừa công suất (Bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm). Trong số các bến, Bến xe Mỹ Đình có tổng số chuyến xe xuất bến lớn nhất (với 1.629 lượt xe xuất bến/ngày). Ngược lại, Bến xe Nước Ngầm là bến có lưu lượng xe thấp nhất (với 224 lượt xe xuất bến/ngày). Khả năng đáp ứng của các bến xe được nêu tại Bảng 2.2.

Bảng 2.2. Công suất và khả năng tiếp nhận của một số bến xe

hinh22

Bên cạnh đó, một số bến xe như Lương Yên, Nước Ngầm có số lượng tuyến buýt kết nối vào bến thấp (Lương Yên: 3 tuyến, Nước Ngầm: 3 tuyến). Diện tích đón, trả khách dành cho taxi còn hạn chế nên tính kết nối với các phương tiện vận tải công cộng chưa cao.

Một số bến xe còn bố trí đường ra, vào của xe khách liên tỉnh chung với xe buýt, gây hạn chế về công suất bến, đồng thời ảnh hưởng đến yêu cầu về ATGT, an toàn cho hành khách. Các công trình phục vụ trong bến xe vừa thiếu vừa được bố trí chưa khoa học, chưa phù hợp với quy trình công nghệ khai thác của bến xe khách nên ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của bến xe. Chất lượng dịch vụ tại một số bến xe còn chưa được tốt, dẫn đến tính hấp dẫn đối với hành khách chưa cao.

3. Đề xuất giải pháp tăng cường hoạt động tại các bến xe khách liên tỉnh TP. Hà Nội

Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, nhu cầu về vận tải hành khách liên tỉnh cũng như tận dụng được tối đa công suất của các bến xe, cần có sự điều chỉnh về vị trí, diện tích, bố trí tổng mặt bằng các khu chức năng trong bến xe cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển GTVT của TP. Hà Nội.

3.1. Điều chỉnh vị trí, diện tích các bến xe khách liên tỉnh

Vị trí của bến xe khách có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình giao thông của thành phố cũng như việc quy hoạch các trục đường vận tải chính. Do vậy, việc lựa chọn địa điểm xây dựng bến xe khách phụ thuộc vào định hướng phát triển chung của hệ thống GTVT và khối lượng hành khách dự báo.

Việc lựa chọn vị trí để xây dựng các bến xe khách cần thỏa mãn các yêu cầu như: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất của thành phố; thuận lợi kết nối, trung chuyển giữa giao thông đối ngoại và giao thông đối nội; tận dụng được các công trình hạ tầng giao thông hiện có và giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội; đảm bảo quỹ đất cho bến xe và giảm chi phí xây dựng.

Với bến xe có quy mô lớn nên bố trí tại các trục cửa ngõ ra - vào thành phố để tránh ảnh hưởng đến tình hình giao thông chung và đời sống của người dân. Hiện quỹ đất tại khu vực trung tâm hầu như đã được sử dụng hết nên việc mở rộng diện tích cho các bến xe rất khó khăn, trong khi đó, tại các quận ngoại thành việc này dễ được giải quyết hơn.

Các bến xe khách liên tỉnh phù hợp với quy hoạch của thành phố được tiếp tục khai thác, có thể mở rộng hoặc nâng công suất bằng các giải pháp công nghệ, xây dựng mới 2 bến xe khách liên tỉnh trên nút giao cao tốc xuyên Á và QL3, nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường vành đai 3 Hà Nội. Đây là điểm đầu mối kết nối các tuyến đường bộ huyết mạch từ TP. Hà Nội đi các tỉnh và đường trục chính của thành phố. Vị trí dự kiến bố trí bến xe phía tây mới cũng nằm trên ranh giới giữa khu vực nội đô và ngoại thành, vừa giảm thiểu tác động đến giao thông khu vực trung tâm, vừa thuận lợi cho hành khách.

Chuyển đổi bến xe Lương Yên, bến xe Gia Lâm thành bãi đỗ xe cao tầng. Giai đoạn sau 2020, xem xét chuyển đổi bến xe Giáp Bát thành bãi đỗ xe cao tầng, xây dựng mới bến xe khách liên tỉnh ở khu vực Depo Ngọc Hồi - Thanh Trì.

3.2. Chuẩn hóa công tác quy hoạch tổng mặt bằng bến xe

Công tác quy hoạch tổng thể mặt bằng bến xe cần phù hợp với quy trình khai thác để xác định các khu chức năng cần thiết và bố trí các khu chức năng thành một hệ thống thống nhất, gắn kết với quy trình khai thác nhằm thực hiện nhiệm vụ chính của bến xe là phục vụ tốt hành khách, phương tiện ra, vào và trong thời gian lưu lại bến. Để phù hợp với quy trình khai thác của bến xe, cơ sở vật chất kỹ thuật của bến không thể thiếu các hạng mục công trình sau:

- Nhà điều hành để quản lý hoạt động của toàn bộ bến xe;

- Quảng trường và khu vực tiếp cận bến xe: Bao gồm cả lối dành cho xe buýt nội đô ra, vào bến, diện tích dành cho xe con, taxi chờ, đón trả khách;

- Phòng chờ: Phục vụ hành khách tra cứu thông tin, mua vé, chờ đợi xe xuất bến;

- Ke hành khách và vị trí đón trả khách;

- Đường nội bộ, bãi đỗ xe qua đêm và chờ vào vị trí đón, trả khách;

- Khu hậu cần kỹ thuật: Bố trí thiết bị kiểm tra xe, rửa xe và tiếp nhiên liệu;

- Công trình hạ tầng tương ứng với hệ thống công trình và thiết bị của bến xe.

Cần lưu ý đến các yêu cầu nêu tại Quy chuẩn quốc gia về bến xe khách liên tỉnh năm 2012 khi thiết kế xây dựng tổng mặt bằng bến xe và đảm bảo các điều kiện sau: Tách biệt hoàn toàn khu vực giao thông nội bộ của bến và giao thông đối ngoại; loại trừ các giao cắt giữa người đi bộ và phương tiện giao thông; tách dòng hành khách đi và đến.

3.3. Xây dựng bến xe theo mô hình bến xe kiểu mẫu

Tại các thành phố lớn, để tăng hiệu quả và chất lượng hoạt động cho các bến xe khách liên tỉnh, các bến xe nên được xây dựng và khai thác như một khu phức hợp dịch vụ - thương mại - vận tải nhằm tăng tính hấp dẫn và tiện nghi cho bến xe. Đồng thời, các khu thương mại dịch vụ là bộ phận kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận bù đắp chi phí đầu tư và khai thác cho bến xe. Khu thương mại dịch vụ bao gồm các trung tâm thương mại, phòng dịch vụ cho thuê, các khu vui chơi, giải trí và tầng hầm trông giữ xe. Để tăng tính hấp dẫn thương mại, cần trang bị thiết bị hiện đại (thang máy, thang cuốn, hệ thống nâng xe tự động…), nội thất trang nhã, lịch sự và hệ thống điều khiển tín hiệu tự động, giao thông thông minh trong quản lý và điều hành hoạt động của bến xe.

Một xu hướng cũng cần được xem xét khi phát triển các bến xe khách liên tỉnh trong tương lai là hình thành các khu liên hợp giữa bến xe ô tô khách với ga tàu hỏa và cảng hàng không, khu phức hợp cho phép kết nối các phương thức vận tải với nhau, đảm bảo tiện nghi tối đa cho hành khách.

Bến xe được xây dựng không chỉ cần về cơ sở vật chất khang trang, hiện đại mà cần cả một đội ngũ cán bộ, công nhân viên điều hành nhiệt tình, phục vụ chu đáo theo đúng tiêu chí “Bến xe kiểu mẫu”.

3.4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các bến xe

Để các bến xe đi vào hoạt động theo những mục tiêu phát triển ngành GTVT đã đặt ra, cần những nỗ lực lớn từ phía trung ương và thành phố, phát huy các nguồn lực trong nhân dân và tranh thủ sự hỗ trợ từ trung ương, trong đó việc xây dựng cơ chế chính sách mới, sự quản lý Nhà nước có vai trò rất quan trọng.

- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển theo hướng bến xe văn minh, hiện đại: Cổ phần hóa, huy động vốn để phát triển hạ tầng tại các bến xe;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh, đảm bảo quá trình vận tải hành khách đúng thời gian, hành trình, lịch trình, thu hút khách vào bến xếp xe, chấm dứt hiện tượng vòng vo đón trả khách ngoài bến.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý xe ra, vào bến. Chỉ những xe có chấp thuận của cơ quan quản lý mới được vào bến đón khách và khi vào cổng, hệ thống phần mềm sẽ nhận dạng và tự động mở barie cho xe vào đón, trả khách.

3.5. Cải tạo, nâng cấp các bến xe khách hiện hữu để cải thiện điều kiện phục vụ của bến xe

Hiện tại, cơ sở vật chất của một số bến xe chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Việc cải tạo, nâng cấp các bến xe hiện hữu là cần thiết và được thực hiện trên cơ sở bố trí khoa học các khu chức năng trong bến; nâng cao hệ số sử dụng đất bằng cách sử dụng tầng hầm hoặc bãi đậu xe cao tầng; tổ chức lại giao thông trong bến cũng như kết nối với hệ thống đường phố một cách hợp lý, tránh gây UTGT nội bộ cũng như các khu vực lân cận.

Ví dụ cụ thể: Đối với trường hợp Bến xe Gia Lâm những năm gần đây luôn trong tình trạng UTGT, có hiện tượng quá tải và chèo kéo khách trước cổng bến ngày càng gia tăng, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Tác giả đề xuất mở rộng nâng cấp bến xe hiện có để tập trung các khu dịch vụ nhỏ lẻ nằm rải rác trong bến xe về một khu vực; bố trí thêm bến bãi, có khu vực riêng cho từng loại xe để giảm tải trong bến, tại cổng ra. Sau khi bố trí lại, mặt bằng bến xe trở nên thông thoáng, diện tích đỗ xe tăng lên, khu vực phục vụ hành khách khang trang, tiện lợi hơn cho hành khách.

4. Kết luận

Dựa trên cơ sở phân tích hiện trạng các bến xe liên tỉnh của Thủ đô Hà Nội cho thấy những hạn chế, tồn tại trong tổ chức hoạt động tại các bến xe. Để nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cần kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ GTVT (2012), Thông tư số 49/2012/TT-BGTVT ngày 12/12/2012 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách.

[2]. Bộ GTVT (2013), Đề án Đổi mới công tác quản lý vận tải theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu TNGT (Quyết định số 860/QĐ-BGTVT ngày 4/4/2013 của Bộ GTVT).

 

Ý kiến của bạn

Bình luận