Giải pháp đảm bảo TTATGT nông thôn – khu vực Đồng bằng sông Hồng

Ý kiến phản biện 20/04/2015 06:59

Những phân tích, đánh giá tính đặc thù của các vùng nông thôn với những giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo TTATGT đã được nêu ra 1 cách sâu sắc trong cuộc tọa đàm về công tác đảm bảo TTATGT khu vực đồng bằng sông Hồng sáng ngày 19/4.


Tọa đàm công tác đảm bảo TTATGT nông thôn – khu vực Đồng bằng sông Hồng

Tọa đàm công tác đảm bảo TTATGT nông thôn – khu vực Đồng bằng sông Hồng

Tình hình TTATGT phức tạp

Khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 10 tỉnh, thành phố, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là đầu mối giao thông đặc biệt quan trọng các tỉnh phía Bắc, với đủ các loại hình giao thông. Hệ thống đường sắt có 5 tuyến chạy qua, hệ thống đường sông với 2 sông lớn là sông Hồng, sông Thái Bình, cùng với hệ thống cảng biển và cảng hàng không. Hệ thống đường bộ gồm nhiều quốc lộ, đường cao tốc và đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) khu vực này có sự phát triển nahnh chóng cả về chất và lượng. Vì vậy, tình hình TTATGT khu vực này rất phức tạp, mật độ phương tiện tham gia giao thông cao nhất, TNGT trên địa bàn nông thôn có chiều hướng gia tăng và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT ở cả hạ tầng giao thông, phương tiện và người tham gia giao thông.

Theo báo cáo từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2014, 10 tỉnh khu vực ĐBSH đã xảy ra 3.360 vụ TNGT, làm chết 1.443 người, bị thương 2.737 người. So sánh với cả nước, khu vực ĐBSH chiếm 11,24% về số vụ, 16% số người chết, 11,51% số người bị thương.

Báo cáo cũng nêu rõ nguyên nhân của TNGT nông thôn còn ở mức cao là do hiểu pháp luật về TTATGT của người dân khu vực nông thôn hạn chế, tỷ lệ vi phạm cao, nhất là người điều khiển mô tô xe máy, tập trung chủ yếu vào các lỗi vi phạm là uống rượu bia điều khiển phương, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm.

Giải pháp cho công tác tuyên truyền “mạnh”

Ông Lê Nguyên Khính, Giám đốc Sở GTVT Nam Định, Phó ban ATGT tỉnh cho biết, 3 tháng đầu năm là dịp lễ tết, lễ hội dẫn tới tình trạng lưu lượng giao thông tăng cao kèm với việc sử dụng rượu bia như 1 phong tục tập quán là nguyên nhân chính dẫn tới số vụ TNGT tăng vọt.

Trong khi đó bản thân lực lượng chức năng địa phương cũng chính là thành phần nằm trong những phong tục tập quán này, dẫn tới việc không thể không làm ngơ trước những vi phạm giao thông của “hàng xóm”, “bạn bè” họ.

Ông Khính cho biết thêm, sự phát triển tốt của hạ tầng giao thông nông thôn cũng chính là 1 nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới tình trạng TNGT tăng cao. Đường xá thôn xóm được làm bê tông, trải nhựa, mặt đường rất tốt dẫn tới việc người tham gia giao thông thoải mái “mát ga”, chủ quan coi thường và đặc biệt là ý thức chấp hành Luật Giao thông kém dẫn tới nguy cơ tai nạn cao.

Vì vậy, việc vận động tuyên truyền ATGT có hiệu quả thì cần thiết phải từ các phong trào gắn liền với phong tục tập quán từng vùng, từng khu dân cư. Cụ thể, tại Nam Định đã triển khai nhiều phong trào như “Toàn dân tham gia bảo đảm ATGT” do MTTQ phát động vào từng đường làng ngõ xóm; mô hình “Khu dân cư đảm bảo ATGT”, “Đoạn đường tự quản”, “Xứ, họ tiên tiến” là những giải pháp tiêu biểu mà Nam Định đã thực hiện và có hiệu quả trong công tác giảm thiểu TNGT.

Cùng giải pháp với tỉnh Nam Định, tỉnh Ninh Bình cũng đã tuyên truyền gắn liền với từng vùng, từng khu dân cư và đã cho thấy được hiệu quả đáng kể trong việc giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Các đội xung kích ATGT đã được thành lập, tuyên truyền ngay trong từng gia đình, họ hàng, thôn xóm tập trung vào nhóm lứa tuổi thanh thiếu niên đặc biệt trong thời điểm diễn ra các Lễ, hội. Bởi đối tượng này chiếm tỷ lệ TNGT cao nhất cả nước.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Phước Thắng, Chánh văn phòng Cục HKVN nhấn mạnh vấn nạn sử dụng phổ biến rượu bia vùng nông thôn là 1 hiểm họa khôn lường. Vì chỉ cần 1 chai rượu với 1 đĩa lạc, sẽ có ít nhất 2 người say xỉn tham gia giao thông tiềm ẩn đầy nguy hiểm không chỉ đối với họ mà còn với những người xung quanh. Do vậy, bức thiết phải thực hiện giải pháp tuyên truyền thực chất, tuyên truyền từ những hành động nhỏ nhất mới có hiệu quả thực tế.

Các ý kiến tại buổi tọa đàm được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn, việc cần thiết phải làm trước mắt là xóa bỏ tư duy “đường làng ngõ xóm” vẫn tồn tại khá “vững vàng” trong tư tưởng của người dân. Các địa phương cần phải coi đây là “tiêu chí bắt buộc” để phấn đấu. Thêm vào đó là phải có những giải pháp phù hợp với đặc thù từng vùng miền, thuận lòng dân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Cần phải gắn trách nhiệm cấp Trưởng với các tiêu chí về ATGT.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Cần phải gắn trách nhiệm cấp Trưởng với các tiêu chí về ATGT.

Bộ trưởng Bộ GTVT – Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng nhấn mạnh, để các giải pháp có tác dụng hiệu quả thì cần phải gắn trách nhiệm cấp Trưởng với các tiêu chí về ATGT. Bởi trên thực tế, khi các Bí thư, Chủ tịch vào cuộc quyết liệt, các vấn đề “nóng” đều được giải quyết. Bộ trưởng cho rằng, con số về TNGT tăng hay giảm chính là minh chứng rõ ràng thể hiện trách nhiệm quản lý của các cán bộ từ Tỉnh đến Xã và là nền tảng để đánh giá thực chất của các giải pháp.

 V.T Vũ

Ý kiến của bạn

Bình luận