Giải pháp chấm dứt xe vòng vo, tranh giành khách trên địa bàn Ninh Bình

25/06/2016 05:22

Bắt nguồn từ thực trạng xe khách chạy “rùa bò”, vòng vo, đón, trả khách tùy tiện, rồi tranh giành khách, Sở GTVT Ninh Bình đã lên kế hoạch lập thời gian biểu đối với xe khách trên toàn địa bàn. Hơn một năm nghiên cứu, rà soát và họp bàn với các doanh nghiệp vận tải, thời gian biểu cho các xe đã được lập, công bố công khai đến các cơ quan chức năng, chủ xe và các phương tiện thông tin đại chúng, đến nay đơn vị đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác quản lý GTVT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

ninh binh

 Yêu cầu bức thiết

Trước đây, khi thời gian biểu chạy xe tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô chưa được công bố, trên các tuyến đường có tuyến vận tải hành khác cố định bằng ô tô chạy qua thường xảy ra tình trạng xe khách sau khi xuất bến, qua các khu đông dân cư thường chạy rất chậm nhằm chờ, đón khách. Với vận tốc thấp (chỉ đạt 5km/h), thậm chí giả vờ dừng, đỗ xe với lý do rửa xe hoặc lái, phụ xe ăn sáng để dừng xe chờ đón khách.

Vì thế, các xe thường chèn nhau, xe đi trước không cho xe đi sau vượt… gây UTGT, mất an ninh trật tự trên địa bàn, bức xúc cho các lái xe xuất phát sau phải đi chậm hoặc phải dừng xe theo. Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian đi lại của hành khách, tạo dư luận không tốt về hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn.

Ngoài ra, sau khi đi qua các khu vực đông dân cư, xe khách lại tăng tốc, thậm chí chạy quá tốc độ quy định nhằm đảm bảo thời gian một hành trình chạy xe mà đơn vị vận tải đã đăng ký trong phương án hoạt động của tuyến, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Các xe tuyến cố định chạy chậm dẫn đến các xe buýt và các phương tiện giao thông khác cũng phải chạy chậm theo, ảnh hưởng đến tần suất chạy xe và đặc biệt là nhu cầu tham gia giao thông nội bộ tỉnh của hành khách.

Để khắc phục tình trạng trên, nhóm nghiên cứu thuộc Sở GTVT Ninh Bình đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp bằng việc: "Xây dựng thời gian biểu chạy xe tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".

Nội dung giải pháp

Trước tiên, nhóm nghiên cứu tập trung vào tuyên truyền, vận động lãnh đạo các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh đồng thuận về nhận thức và giải pháp xây dựng lại phương án hoạt động của từng tuyến, trong đó có nội dung thời gian biểu chạy xe.

Trên cơ sở phương án đề xuất của các đơn vị vận tải, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực tế chuyến xe đi đầu tiên của từng tuyến vận tải hành khách cố định trên địa bàn để bấm thời gian từng chặng trên quãng đường di chuyển của xe (khảo sát nhiều lần xuất phát từ bến xe xa nhất là bến xe Kim Đông, bến xe Thị trấn Bình Minh - Kim Sơn và bến xe Nho Quan…, thời gian bắt đầu từ 4h sáng).

Căn cứ vào Luật Giao thông Đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải, số liệu thu thập được qua nhiều ngày khảo sát và tình hình thực tế từng tuyến vận tải, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các kết luận cơ bản, tham mưu trình lãnh đạo Sở ban hành Quyết định số 1159/QĐ-SGTVT ngày 9/6/2015 về việc công bố thời gian biểu chạy xe các tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2015.

Xác định việc thực hiện hiệu quả Quyết định 1159/QĐ-SGTVT với việc thay đổi thói quen và nhận thức cũ là khó và phức tạp, lãnh đạo Sở GTVT đã tổ chức họp, mời các đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh, các phòng, ban chuyên môn để quán triệt chủ trương và bàn thống nhất cách thức thực hiện.

Theo đó, Sở yêu cầu các bến xe phải niêm yết nội dung Quyết định số 1159/QĐ-SGTVT của Sở tại các bến xe và có trách nhiệm thông báo cho các đơn vị vận tải và lái xe hoạt động vận tải tại bến biết để thực hiện. Đối với Phòng Quản lý Vận tải - Phương tiện - Người lái phải phối hợp với Văn phòng Sở đăng tải nội dung Quyết định 1159 về việc công bố thời gian biểu chạy xe các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tại Sở và trên trang điện tử của Sở; phối hợp chặt chẽ với các bến xe thông báo nội dung các quyết định của Sở GTVT đến các đơn vị vận tải và lái xe hoạt động vận tải tại bến biết để thực hiện. Đối với các đơn vị vận tải phải thực hiện niêm yết thời gian biểu chạy xe trên phương tiện, thông báo và có trách nhiệm chỉ đạo đội ngũ lái xe thực hiện theo đúng thời gian biểu và đơn vị đã đăng ký.

Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo lực lượng thanh tra theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các đơn vị vận tải, lái xe; xử lý các phương tiện và doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Hiệu quả bước đầu

Sau khi triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, đến nay giải pháp xây dựng thời gian biểu chạy xe đã mang lại những hiệu quả to lớn cho công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách trên bị bàn, cụ thể:

Về hiệu quả kinh tế là tiết kiệm nhiên liệu do xe chạy đúng tốc độ quy định, hành khách chủ động được thời gian, tiết kiệm chi phí, thuận tiện cho công việc theo lịch trình, tạo đà thông thoáng cho giao thương, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Về hiệu quả xã hội, các phương tiện hoạt động đúng theo thời gian biểu công bố đã xóa bỏ tình trạng xe “rùa bò” trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực huyện Kim Sơn, huyện Yên Khánh, tạo dư luận tốt trong quần chúng nhân dân. Hành khách đã chủ động được thời gian trong việc tham gia giao thông bằng ô tô khách. Các lái xe không còn ức chế khi phải chạy sau xe “rùa bò”, tình hình trật tự an ninh cũng như ATGT trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể.

Các tuyến xe cố định không chạy “rùa bò” dẫn đến xe buýt cũng chạy đúng tốc độ cho phép, hành khách có thiện cảm hơn và tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng; số lượng khách tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt tăng cao, góp phần lớn vào việc hạn chế phương tiện cá nhân, giảm số lượng xe mô tô tham gia giao thông, đường thông thoáng hơn, hạn chế và giảm thiểu các vụ va chạm, TNGT trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài học kinh nghiệm

Việc xây dựng và thực hiện thời gian biểu chạy xe phù hợp với yêu cầu công tác quản lý và nguyện vọng chính đáng của khách hàng, được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.

Để thực hiện được hiện quả cần có sự đồng thuận của các doanh nghiệp, tự giác xây dựng thời gian biểu phù hợp với điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và nhu cầu thực tế và có cam kết tự giác thực hiện.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện giải pháp cần đồng bộ, kết hợp tuyên truyền vận động; hướng dẫn giám sát và xử lý nghiêm của cơ quan chức năng

Ý kiến của bạn

Bình luận