Giá trị trường tồn của bản Tuyên ngôn độc lập

Tác giả: Trung Dũng

saosaosaosaosao
Chính trị 21/09/2015 07:02

Thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo bản Tuyên ngôn độc lập là những giây phút sung sướng nhất của Người. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Bác nói: “...Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.

Chu tich Ho Chi Minh doc ban Tuyen ngon doc lap ng

Hơn một năm kể từ ngày bản Tuyên ngôn độc lập ra đời, dưới sựchỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá I đã thảo luận dân chủ và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đầu tiên ở Đông Nam Á, làm nền tảng pháp lý vững chắc, luật cơ bản của Nhà nước dân chủ nhân dân. Đây là đạo luật đầu tiên khẳng định “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể chia cắt” (Điều 2, Hiến pháp năm 1946). “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam...” (Điều 1, Hiến pháp năm 1946).

Tuyên ngôn độc lập đã hun đúc toàn bộ trí lực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trải nghiệm từ sự tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam và các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại. Bản Tuyên ngôn chỉ vỏn vẹn khoảng 1.013 từ nhưng đã kết tinh khát vọng của dân tộc Việt Nam và hợp với thời đại. Tuyên ngôn độc lập đã khái quát cao về tầm lý luận, tương xứng với tên gọi Tuyên ngôn độc lập của một quốc gia, tuyên ngôn thành lập thể chế chính trị Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố quyền tự do của dân tộc, khẳng định thắng lợi của cách mạng nước ta. Bản tuyên ngôn đó không còn chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc nhược tiểu. Như vậy có thể khẳng định, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính thời đại. Tính thời đại ấy được thể hiện rất rõ ràng và súc tích trong tư tưởng chủ đạo xuyên suốt của Tuyên ngôn, đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.

Điều đặc sắc trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp. Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ do Thomas Jefferson - một luật sư nổi tiếng ở Mỹ soạn thảo. Ông viết theo một cách diễn đạt thật đơn giản nhưng kiên quyết, để kêu gọi mọi người đồng tâm nhất trí và thấy được việc đứng lên giành độc lập là điều bắt buộc và hoàn toàn đúng đắn… Bác Hồ đã trích dẫn một đoạn ngắn trong phần dưới của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ để đưa vào bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ: “Chúng tôi tin tưởng ở những chân lý tự nhiên, rằng tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo những quyền ấy, chính quyền phải do nhân dân lập ra, quyền lực của chính quyền ấy phải được nhân dân chấp nhận và khi bất kỳ một hình thức chính quyền nào đã trở nên gây tác hại cho các mục tiêu ấy, thì khi đó, chính nhân dân sẽ thay đổi hay xóa bỏ nó và sẽ thành lập một chính quyền mới trên cơ sở các nguyên tắc nào, tổ chức quyền lực cho nó theo những hình thức nào, để có thể có tác dụng tốt nhất cho sự an toàn và hạnh phúc của họ”.

Việc trích dẫn hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng này có dụng ý của Bác. Thứ nhất, Bác đã mượn hai bản Tuyên ngôn kia để xây dựng nguyên tắc lý luận, đặt cơ sở pháp lý khách quan cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Thứ hai, đây là cách đặt ba cuộc cách mạng, ba nền độc lập, ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau, thể hiện một niềm tự hào, tự tôn dân tộc… Thứ ba, Bác đã thể hiện một nguyên tắc chính trị khéo léo bằng phương pháp “gậy ông đập lưng ông”, dùng ngay lý lẽ của đối thủ để đẩy chúng vào thế “tự vạch mặt”. Một tài tình nữa của Bác nằm trong ba chữ “suy rộng ra”, từ quyền lợi con người nói chung, Bác đã phát triển thành quyền lợi dân tộc cụ thể. Đây là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với dân tộc Việt Nam, nhất là khi độc lập dân tộc đang bị các lực lượng thù địch bao vây tứ phía. Đây cũng là mối bận tâm lớn nhất trong cuộc đời của Bác: “Ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nâng quyền lợi con người thành quyền lợi dân tộc là một sáng tạo đáng quý của Bác, thể hiện tâm huyết lớn của Bác dành cho dân tộc mình. Ý kiến “suy rộng ra” ấy còn là một đóng góp rất lớn và đầy ý nghĩa của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Một nhà văn hóa nước ngoài đã viết: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”.

Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh dân tộc. Nó được xem như là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba của lịch sử Việt Nam, sau bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ X và Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Tuyên ngôn độc lập như một bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, là biểu tượng cho chiến thắng của một dân tộc ngoan cường chống thực dân và phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới tươi sáng hơn cho đất nước ta. Tuyên ngôn độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước mới - nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập của một chế độ xã hội mới - chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á. Từ đây, với tư cách người chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản đã kiên cường đấu tranh chống mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ và xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Khi nói về bản Tuyên ngôn độc lập, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã dùng những câu chữ rất sâu sắc: Khung cảnh lịch sử hoành tráng của mùa thu 1945 đã “hóa hồn” vào Tuyên ngôn và Tuyên ngôn tạc cái hồn ấy vào bia đá, trường tồn cùng năm tháng. Đây là tuyên ngôn độc lập của một nước trước đó là thuộc địa, một nước nông nghiệp nghèo. Ý nghĩa dân tộc bật nổi trong ý nghĩa quốc tế, khẳng định những gì mà lịch sử cả hành tinh đã khẳng định.

Lớp bụi thời gian đang xóa nhòa bao điều trong cuộc sống. Nhưng dù thời gian có trôi, cuộc sống có đổi thay thì những lời Tuyên ngôn bất hủ của Người vẫn còn vẫn vang vọng sông núi, in đậm trong trái tim mỗi người con Việt Nam, thúc giục mọi thế hệ vững bước tin theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn, bảo vệ thành quả cách mạng của cha ông.

70 năm trôi qua kể từ khi bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 ra đời, Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố trên con đường bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngày nay, được sống trong không khí hòa bình, chúng ta luôn tự hào và trân trọng gìn giữ những giá trị nhân văn của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Đó mãi mãi là một áng hùng văn lập quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, là điểm khởi nguồn để đưa dân tộc ta vươn tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận