Gây ra tai nạn, khi nào tài xế được rời khỏi hiện trường?

Hỏi đáp 02/11/2015 09:37

Lái xe chỉ được rời khỏi hiện trường khi có lý do tính mạng bị đe dọa. Nhưng ngay sau đó, người này phải trình diện với cơ quan công an.

gây tai nạn bỏ chạy
Ảnh minh hoạ

Sự thờ ơ, vô cảm của nhiều tài xế đang là nỗi lo sợ của người đi đường khi mà bất cứ lúc nào họ cũng có thể là nạn nhân của tình huống “đâm người” rồi bỏ chạy. Một phần của sự thơ ơ đó có thể bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết pháp luật mà bấy lâu nay một số lái xe vẫn đồn đoán nhau rằng: Pháp luật cho phép bỏ trốn khỏi hiện trường khi gây tai nạn?

Chia sẻ với PV báo Người đưa tin, luật sư Trần Trung Thuận, Đoàn luật sưTP Hồ Chí Minh khẳng định: “Luật giao thông đường bộ nêu rõ về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn. Trong đó có việc phải ở lại hiện trường đến khi người của cơ quan công an đến.

Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn chỉ được rời khỏi hiện trường khi người này bị thương phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc có lý do đe dọa đến tính mạng.

Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn rời khỏi hiện trường trong các trường hợp trên phải trình báo cơ quan chức năng ngay sau đó. Luật nghiêm cấm việc rời bỏ hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm”.

Rõ ràng, việc lái xe rời bỏ hiện trường với lý do hoảng loạn, thấy người bị nạn nằm bất tỉnh hay sợ phải bồi thường…đều là trái pháp luật. Những người này thậm chí còn có thể bị xem xét khởi tố về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 102 Bộ luật hình sự.

Hơn bao giờ hết, những người lái xe cần phải ý thức hơn nữa về trách nhiệm, vai trò của chính mình. Ý thức về cách hành xử về văn hóa giao thông như là một trách nhiệm với cộng đồng. Đạo đức của người lái xe cần được phát huy ngay cả khi người đó đã gây ra tai nạn.

Điều 102 luật hình sự năm 1999 quy định:

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ý kiến của bạn

Bình luận