Dứt khoát không lấy vay mới để trả nợ cũ

Chính trị 03/06/2015 06:16

Sáng 2/6, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Đa số ý kiến các ĐBQH đều bày tỏ lo lắng nếu lấy khoản vay mới để chi trả nợ gốc khi đến hạn.

Dong_Huu_Mao__Thua_Thien_Hue
ĐBQH Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế): Lấy nợ vay mới chi trả khoản vay cũ, ngân sách bền vững ở đâu?

Không lấy vay mới để trả nợ cũ

Theo nội dung khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) quy định:“Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triểnvà bảo đảm bố trí ngân sách để trả hết nợ lãi khi đến hạn. Đối với chi trả nợ gốc khi đến hạn thì được bố trí từ các khoản vay mới để thực hiện”.

Không đồng tình với quy định đưa ra, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) thẳng thắn, quy định như vậy là rất nguy hiểm.

Ông lập luận, mục đích vay là đầu tư phát triển, để tạo ra thu nhập tăng thêm. Khi lấy nguồn thu tạo ra từ khoản vay bù đắp bội chi NSNN để trả nợ sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Theo dự thảo Luật thì không chỉ Quốc hội và cả 63 tỉnh, thành sẽ là chủ thể đi vay, nên việc sử dụng khoản vay mới để trả nợ đến hạn sẽ khiến chủ thể ít áp lực đi vay. 

“Lấy nợ vay để trả nợ gốc chỉ là cách giảm bớt lo âu chứ bản chất sẽ dẫn tới sự tùy tiện khi đi vay. Quan ngại hơn, quy định này sẽ tạo ra cơ chế đi vay ồ ạt, mà không quan tâm tới hiệu quả vốn vay. Ngân sách cứ nợ nần triền miên, không bao giờ chúng ta thoát được cảnh nợ đọng” – ĐB Mạo thở dài.

Thừa nhận kỷ luật tài chính trong những năm qua lỏng lẻo, dẫn tới thực tế chi ngân sách thường vượt lớn, như quyết toán NSNN năm 2013 vượt chi hơn 110.000 tỷ đồng, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) chỉ ra nguyên nhân là do vẫn tồn tại quy định cho phép chi chuyển nguồn, ứng trước dù khống chế bởi “trần” không quá 20% số lượng chi xây dựng cơ bản. Đồng thời, chúng ta vẫn cho phép trong trường hợp cần thiết Chính phủ được sử dụng dự trữ tài chính. ĐB Bùi Đức Thụ kiến nghị cần rà soát lại các khoản chi trên, hạn chế diện quy định trần nguồn tăng thêm ngoài dự toán chi. “Để tăng cường kỷ luật tài chính, cần chuyển từ nghị quyết Quốc hội về dự toán phân bổ ngân sách sang quy định rõ trong Luật ngân sách Nhà nước…”- ông nói.Gọi đây là bước “thụt lùi”, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu quan điểm, luật không nên quy định “cứng” chuyện lấy khoản vay mới trả nợ cho khoản cũ. “Cứ trông chờ vay để chi thì nền kinh tế sao có thể gọi là ổn định? Chúng ta phải kiên định, chỉ vay để chi cho đầu tư phát triển, dứt khoát không thể lấy khoản vay mới để trả nợ cũ” – ông quả quyết.

Dẫn những lo lắng của cử tri và cũng là lo lắng của mình về những khoản thu để ngoài ngân sách, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) băn khoăn, “tại sao vẫn còn những khoản thu kỳ cục như thế, để ngoài ngân sách mà không cân đối đưa vào dự toán thu, chi”.

Theo ông, trong điều kiện nguồn lực ngân sách hạn hẹp, nếu vẫn để những khoản thu nằm ngoài NSNN như vậy sẽ làm phân tán nguồn lực của đất nước, kể cả với ngân sách trung ương (NSTƯ) và ngân sách địa phương (NSĐP). ĐB Ngô Văn Minh kiến nghị, phải rà soát lại các luật chuyên ngành liên quan và hạn chế mức thấp nhất việc bỏ ra ngoài những khoản thu như vậy.

Phân cấp thu – chi ngân sách còn … nhập nhằng

Nêu bất cập trong thu – chi NSNN hiện nay, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, lồng ghép là bất cập trong thực thi ngân sách vừa qua nên phải tính toán lại luật để phát triển kinh tế lâu dài.

Giữa luật NSNN và Luật tổ chức chính quyền địa phương cần có mối quan hệ khăng khít. Luật tổ chức chính quyền địa phương có 3 cơ chế phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Chính quyền địa phương có được phân quyền hay chỉ phân cấp, HĐND không biết quyền của mình ở đâu về ngân sách, các khoản nào thuộc cơ chế phân quyền gắn với luật chính quyền địa phương. “Chúng ta vẫn ở trong cơ chế phân cấp nhập nhằng kể cả nhiệm vụ phân chia ngân sách”, ĐB Trần Du Lịch nói.

Ông nhấn mạnh, có thể chấp nhận cho địa phương bội chi, nhưng khi NSĐP và NSTƯ khác nhau, trong bối cảnh lồng ghép thì nên việc định ra tỷ lệ là cần thiết.

Mặt khác, mẫu số bội chi/chi đầu tư, nay thay mẫu số lớn hơn, tỷ lệ 30% đối với các địa phương còn lại có thể quá ít, vì tính trên điều tiết Trung ương so với số địa phương còn lại, nên tỷ lệ này cần xem lại và làm rõ mức này ổn định trong vòng 5 năm như ổn định nguồn thu hay điều tiết hàng năm.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm vẫn nên giữ nguyên quy định Quốc hội quyết định ngân sách trong 1 kỳ họp. Tuy nhiên, theo ý kiến tham gia thảo luận của các ĐBQH thì việc “quyết” ngân sách qua 2 kỳ họp mới đảm bảo thực quyền của Quốc hội.

Bày tỏ quan điểm, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, Quốc hội “quyết” ngân sách qua 2 kỳ họp. Thậm chí, để chặt chẽ hơn, ông Minh còn đề xuất đưa vào luật dự toán NSNN hàng năm phải được thảo luận cho ý kiến tại hội nghị chuyên trách ĐBQH trước kỳ họp Quốc hội. Khi đó, “Quốc hội sẽ xem xét báo cáo thực hiện dự toán NSNN năm trước vào kỳ họp dự toán đầu năm sau để khắc phục tình trạng quyết toán vừa rồi, trót tiêu rồi cuối cùng buộc phải thông qua…”- Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét.

ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, Quốc hội chỉ cần dành 10% quỹ thời gian trong 2 kỳ họp để bàn về NSNN thì mới kiểm soát được tình trạng “tiêu trước, báo cáo sau”, chứ còn chỉ quyết trong 1 kỳ họp như hiện nay thì tính hình thức vẫn còn nặng nề.

Ý kiến của bạn

Bình luận