Đường thủy nội địa Trung Quốc phát triển nhờ cơ chế thông thoáng

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 03/09/2017 06:39

Chính quyền Trung Quốc cho rằng, so với vận tải đường bộ và đường sắt, đường thủy nội địa (ĐTNĐ) có nhiều lợi thế hơn như: Tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng đất và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Do đó, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách và chương trình phát triển vận tải ĐTNĐ.


 

Anh minh hoa 1
 

 Chương trình phát triển hạ tầng ĐTNĐ

Năm 1999, Bộ GTVT Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu Chiến lược phát triển ngành ĐTNĐ, trong đó xem xét quá trình phát triển của ĐTNĐ nước nhà từ năm 1949, phân tích điều kiện của các dòng sông, thực trạng hiện tại của ĐTNĐ và đặt ra các mục tiêu trong tương lai dựa trên cơ sở kinh nghiệm của các nước khác.

Trong nghiên cứu năm 2002 của Bộ GTVT về Chiến lược phát triển đường bộ và ĐTNĐ, một chiến lược tận dụng lợi thế của ĐTNĐ đã được đề xuất nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ sự phát triển bền vững của ĐTNĐ. 

Năm 2005, Bộ GTVT cùng với 7 tỉnh thành và 2 khu tự trị dọc sông Dương Tử (hay còn gọi là Trường Giang) đã xây dựng một “đường thủy vàng” nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên lưu vực con sông này. Ban Hợp tác và Điều phối ĐTNĐ sông Dương Tử được thành lập. Sau đó, một kế hoạch xúc tiến chung cho việc xây dựng đường thủy sông Dương Tử trong giai đoạn 2006 - 2010 được xây dựng. Kế hoạch này bao gồm 6 dự án trọng điểm: Điều tiết đường thủy; xây dựng cảng, bến; xây dựng tiêu chuẩn thiết kế tàu; tận dụng lợi thế đập Tam Điệp; bảo vệ và kết nối các tuyến ĐTNĐ. 

Năm 2007, Bộ GTVT Trung Quốc tiếp tục đề xuất một kế hoạch dài hạn phát triển ĐTNĐ và các cảng nội địa đến năm 2020. Mục tiêu chiến lược của kế hoạch này là phát huy tối đa năng lực của đội tàu sông hiện có, tăng số kilomet các đoạn sông đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III lên 65% (đạt 14.300km) và các đoạn sông đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp V lên 50% (đạt 36.000km). Kế hoạch tập trung cải tiến hạ tầng các hệ thống ĐTNĐ chính trên toàn quốc, đặc biệt là trên sông Dương Tử, bao gồm: Cải tạo thông luồng và nạo vét luồng tuyến, nâng cấp và trang bị mới các âu tàu, sàn nâng tàu, thiết bị đầu cuối cho các phương tiện bốc dỡ hàng hóa và container…

Điểm quan trọng của kế hoạch này là các chính sách hỗ trợ: Tìm kiếm mô hình tài chính dài hạn ổn định; tìm kiếm nguồn tài chính bên ngoài thông qua việc đưa ra các chính sách khuyến khích, ưu đãi như giảm các loại phí trước và sau vận tải đường dài, hỗ trợ mở mới các tuyến vận tải thủy; tăng cường hợp tác với các phòng, ban liên quan khác trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, cung cấp năng lượng, phòng chống lụt bão, thủy lợi và cấp nước; tăng cường quy hoạch cảng, bến; tăng cường các biện pháp chuẩn hóa và hiện đại hóa đội tàu; phát triển nền tảng vận tải thông minh (IT) nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khai thác cảng, bến thủy…

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Hà Lan, Khối Cộng đồng chung châu Âu; xây dựng và thực hiện các dự án được tài trợ vốn từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á…

Chương trình hiện đại hóa đội tàu

Năm 2004, Bộ GTVT đã tiến hành các nghiên cứu liên quan đến “Tiêu chuẩn hóa thiết kế tàu thủy nội địa". Bộ GTVT cho rằng, việc có quá nhiều tàu, thuyền trọng tải trung bình - thấp đã gây nên tình trạng tắc nghẽn ĐTNĐ, ô nhiễm nguồn nước, làm giảm sức cạnh tranh của ĐTNĐ trên khu vực kênh Đại Vận Hà và đồng bằng sông Dương Tử. Từ năm 2004, việc chuẩn hóa các tàu thuyền đã được thí điểm. Theo đó, từ ngày 7/01/2004, các tàu bê tông bị cấm không được vào kênh Đại Vận Hà. Các tàu cũ, công suất thấp được khuyến khích và hỗ trợ tài chính để nâng cấp lên các loại tàu phù hợp tiêu chuẩn. Năm 2006, Đề cương tiêu chuẩn hóa phương tiện vận tải ĐTNĐ được ban hành và dần được áp dụng trên nhiều tuyến sông. Chính quyền tỉnh có trách nhiệm vận động, hỗ trợ tài chính để người dân loại bỏ các tàu lỗi thời và sử dụng các tàu công suất đạt chuẩn.

Chính sách thu hồi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng

Nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ vốn từ ngân sách Trung ương để đầu tư hạ tầng ĐTNĐ giảm dần, tỷ lệ vốn từ các nguồn ngoài ngân sách như: Quỹ của tỉnh, doanh thu từ các khoản phí mà doanh nghiệp ĐTNĐ đóng, các khoản thu nhập phụ trợ như bán thủy điện và các nguồn quỹ đặc biệt khác… tăng dần.

Trước năm 1995, kinh phí xây dựng, bảo trì và quản lý ĐTNĐ chủ yếu dựa vào sự trợ giá của Chính phủ, chi phí lưu thông và sử dụng âu tàu. Năm 1995, Chính phủ thành lập Quỹ xây dựng ĐTNĐ với nguồn thu từ các khoản phí vận hành khác nhau như: Phụ thu mua sắm phương tiện, lệ phí xây dựng cảng, phụ phí vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường thủy… Quỹ xây dựng ĐTNĐ được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở lưu vực sông Trường Giang, Châu Giang, kênh Đại Vận Hà. Đồng thời, các địa phương được khuyến khích tự xây dựng quỹ phát triển ĐTNĐ riêng bằng các loại phí thu từ chủ tàu, doanh thu phát điện từ đập, trợ giá chéo từ doanh thu đường bộ.

Sau này, Chính phủ Trung Quốc chuyển sang kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào ĐTNĐ. Mô hình phối hợp “Phát điện và ĐTNĐ” được khuyến khích. Các doanh nghiệp lớn (như các doanh nghiệp sản xuất điện) được khuyến khích đầu tư xây dựng ĐTNĐ theo nguyên tắc “Nhà đầu tư ra quyết định đầu tư, thu lợi nhuận và chịu rủi ro”. Từ năm 1991, đầu tư vào ĐTNĐ tăng nhanh. Đến năm 2006, tổng mức đầu tư xây dựng ĐTNĐ là 9,1 tỷ NDT, gấp khoảng 30 lần năm 1991. Trước năm 2001, Chính phủ, các quỹ quốc gia và tỉnh là nguồn đầu tư quan trọng nhất, chiếm khoảng 80%. Sau năm 2002, tỷ lệ này bắt đầu giảm và chỉ còn 54% năm 2006.

Năm 2009, Trung Quốc chính thức bắt đầu thực hiện thu thuế nhiên liệu và ngừng thu phí bảo trì đường thủy, phụ phí vận tải hàng hóa và hành khách, lệ phí hành chính đường thủy. Việc chuyển đổi hệ thống thuế đánh vào phương tiện thủy sang nhiên liệu đã tạo sự công bằng cho các nhà khai tác vận tải thủy nội địa, trong khi vẫn bảo đảm được nguồn kinh phí duy tu, bảo trì.

Dịch vụ thông tin đường thủy

Trước năm 2007, hệ thống thông tin đường thủy ở Trung Quốc còn nhiều hạn chế do không có sự thống nhất phương thức thông tin liên lạc giữa các địa phương, không có tiêu chuẩn cơ bản cho các ứng dụng công nghệ thông tin vào ĐTNĐ. Việc hỗ trợ điều hướng tàu, thuyền chủ yếu dựa vào các biển báo, phao báo hiệu. Các cơ quan quản lý sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng như báo giấy, truyền hình và phát thanh để thông báo về điều kiện lưu thông trên sông, hiện đại hơn thì qua website của cơ quan quản lý hoặc tin nhắn điện thoại. 

Để nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin vào ĐTNĐ, một dự án dịch vụ thông tin đường sông (RIS) đã được khởi động năm 2007. Bước đầu tiên của dự án là xây dựng khung phát triển cho RIS ở Trung Quốc. Bước thứ 2 là xây dựng một hệ thống thử nghiệm ở thượng nguồn sông Dương Tử. Bước 3 là mở rộng hệ thống thử nghiệm thành công cho toàn bộ hệ thống sông Dương Tử. Giai đoạn cuối cùng là mở rộng hệ thống cho tất cả các tuyến ĐTNĐ Trung Quốc, ưu tiên phát triển các công nghệ thông tin điều hướng; công nghệ giám sát theo dõi tràn dầu/hóa chất và ứng phó khẩn cấp; công nghệ thiết kế và đóng tàu; xây dựng chứng chỉ an toàn/chứng chỉ xanh tầm cỡ quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường phát triển, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực vận tải hàng hóa độc hại, nguy hiểm, quản lý chất thải vận tải ĐTNĐ…

Theo Bộ GTVT Trung Quốc, tính đến năm 2016, Trung Quốc có tổng cộng hơn 113.000km ĐTNĐ. Khối lượng hàng hóa vận tải thủy nội địa tăng bình quân hàng năm là 9,1%. Lượng hàng hóa lưu thông ước tính sẽ tăng từ 1,16 tỉ tấn (năm 2006) lên 2,35 tỉ tấn (năm 2020). Những thành tựu mà ngành ĐTNĐ Trung Quốc đạt được là nhờ việc thực hiện hiệu quả các quy hoạch quốc gia và tận dụng được kinh nghiệm của các đối tác trong các chương trình hợp tác phát triển ĐTNĐ. Những kinh nghiệm của Trung Quốc có thể xem là bài học tốt cho các nước đang phát triển trong khu vực

Ý kiến của bạn

Bình luận