Điều gì xảy ra nếu “cởi trói” nhập khẩu ô tô nguyên chiếc?

Bạn đọc 04/08/2016 05:49

Cạnh tranh sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ đi kèm bán hàng.

thi-truong-o-to_zjjb
 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Quy định về nhập khẩu ô tôi tại Thông tư 20/2011/TT-BCT, VCCI cho rằng việc bãi bỏ Thông tư 20 có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Tại văn bản gửi Thủ tướng, VCCI đưa ra 4 tác động nếu bãi bỏ Thông tư 20 đối với nhập siêu; đảm bảo an toàn, chất lượng xe, quyền lợi người tiêu dùng; tác động đến mục tiêu phát triển sản xuất trong nước và tác động đối với việc nhập khẩu xe ô tô giá rẻ từ một số nước trong khu vực.

Cụ thể, về tác động đối với nhập siêu, VCCI dẫn báo cáo tình trạng chi tiêu ngoại tệ cho nhập khẩu xe dưới 9 chỗ năm 2011 là 1,02 tỷ USD, sang 2015 đạt 2,98 tỷ USD, tỷ trọng của ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn quốc năm 2011 là 0,94%, nhưng đến năm 2015 là 1,81% (tăng gần gấp đôi). Như vậy, không có căn cứ cho thấy việc duy trì Thông tư 20 có tác dụng hạn chế nhập siêu.

Về tác động đối với đảm bảo an toàn, chất lượng xe và quyền lợi người tiêu dùng, theo VCCI, nhà nước chỉ nên quan tâm đến chất lượng tối thiểu còn chất lượng cao hơn phân biệt giữa nhập khẩu có uỷ quyền hay không có uỷ quyền nên để người tiêu dùng lựa chọn.

“Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu có ủy quyền thường có chế độ chăm sóc khách hàng tốt hơn, các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cũng tốt hơn so với các doanh nghiệp không có ủy quyền. Tuy nhiên, đi kèm với đó thường là giá cả dịch vụ cao hơn. Việc bãi bỏ Thông tư 20 sẽ làm tăng cơ hội lựa chọn của người tiêu dùng”, văn bản của VCCI nêu rõ.

Cũng theo văn bản này, sự ra đời của Thông tư 20 thậm chí đã kéo theo nhiều cách thức để lách luật như cho biếu tặng xe, xe Việt kiều, xe mới làm thủ thuật để thành xe cũ… Những hành vi kinh doanh không lành mạnh này là hệ quả tất yếu khi mà nhu cầu thị trường không được đáp ứng một cách hợp pháp.

Về tác động đến mục tiêu phát triển sản xuất trong nước, theo VCCI, Thông tư 20 có thể tạo ra động lực ngược đối với sản xuất ô tô trong nước.

“Do các nhà sản xuất xe ô tô trong nước chủ yếu là liên doanh với các hãng ô tô lớn của nước ngoài nên các liên doanh này sẽ luôn là đơn vị được ủy quyền. Khi đó, do lợi nhuận từ việc nhập khẩu xe ô tô tăng cao nên có thể sẽ tạo động lực khiến các liên doanh tập trung vào nhập khẩu thay vì nỗ lực sản xuất và nội địa hóa”, văn bản do Chủ tịch VCCI ông Vũ Tiến Lộc ký cho hay.

Về ý kiến cho rằng việc bãi bỏ Thông tư 20 sẽ khiến xe ô tô từ một số nước trong khu vực sẽ tràn vào Việt Nam như xe Trung Quốc hay các nước ASEAN, VCCI cho rằng vấn đề này không đáng lo ngại.

“Theo lộ trình, năm 2018, ô tô nhập khẩu nội khối ASEAN sẽ có thuế suất nhập khẩu 0%, với điều kiện xuất xứ phải đạt 40% giá trị nội khối. Với điều kiện này, chỉ có xe ô tô sản xuất từ Thái Lan mới có cơ hội được hưởng thuế thấp và ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, Thái Lan là nước sản xuất xe tay lái nghịch, nên muốn nhập khẩu xe từ Thái Lan buộc phải đặt hàng nhà máy sản xuất riêng và phải có đơn hàng lớn. Do đó, việc tồn tại hay không tồn tại Thông tư 20 không có tác động lớn đến việc nhập khẩu xe ô tô từ các nước ASEAN sau năm 2018”, VCCI phân tích.

Ý kiến của bạn

Bình luận