Dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn hàng không

Tác giả: Nguyễn Minh Trí

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 26/07/2015 07:19

Dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không (TKCN - từ viết tắt trong tiếng Anh là SAR) được thiết lập để tìm kiếm tàu bay hàng không dân dụng lâm nạn và cứu những người bị nạn đi trên tàu bay bất kể tàu bay và những người đi trên tàu bay thuộc quốc tịch nào.

1
 

Khái niệm

Dịch vụ TKCN bao gồm các hoạt động giám sát khẩn nguy, thông tin, hiệp đồng và thực hiện các nhiệm vụ TKCN . Ngoài ra, dịch vụ TKCN còn bao gồm các hoạt động như tư vấn về y tế, sơ cứu hoặc vận chuyển cứu thương bằng việc sử dụng các nguồn lực công và tư, kể cả tàu bay, tàu thuyền và phương tiện của các ngành, nghề khác.

Dịch vụ TKCN được thiết lập là để đáp ứng các yêu cầu về cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, đáp ứng các quy định của pháp luật quốc gia cũng như các yêu cầu của Công ước quốc tế về hàng không dân dụng mà Việt Nam là một quốc gia ký kết.

Hoạt động TKCN thường bắt đầu khi có thông tin tới hệ thống TKCN về nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự cố tàu bay, hoặc tai nạn, sự cố tàu bay đã xảy ra và cần có sự trợ giúp của nhiều nguồn lực.

Phản ứng trước một sự cố hoặc tai nạn tàu bay thường diễn biến qua các giai đoạn chính là:

- Có thông tin: Từ khi hệ thống TKCN nhận được thông tin về sự vụ thực tế hoặc tiềm tàng.

- Triển khai, phát động: Bao gồm các hành động ban đầu nhằm thông tin, báo động cho các cơ sở TKCN và thu thập thêm các thông tin liên quan.

- Lập kế hoạch: Xây dựng các phương án, kế hoạch sát với thực tế bao gồm cả các phương án tìm kiếm, cứu nạn và phương án chuyển giao điều hành cuối cùng.

- Các hoạt động: Các lực lượng TKCN tới khu vực đã xác định, tiến hành tìm kiếm, cứu tàu bay lâm nạn, sơ cứu, cấp cứu và chuyển người bị nạn tới nơi thích hợp.

- Kết thúc: Các lực lượng TKCN rút về vị trí đứng chân, họp rút kinh nghiệm, bổ sung phương tiện, trang bị, đồ tiếp tế hao hụt, thay đổi lực lượng mới để sẵn sàng cho nhiệm vụ tiếp theo và hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu về sự vụ TKCN.

Tại sao phải tìm kiếm, cứu nạn 

Như ta đã biết, mọi tàu bay hàng không dân dụng hoạt động trên bầu trời đều được giám sát bằng ra-đa và thường xuyên liên lạc với các cơ sở dịch vụ không lưu bằng nhiều kênh thông tin liên lạc khác nhau, nhưng khi có sự cố mất liên lạc, phải hạ cánh bắt buộc hoặc bị rơi thì việc xác định vị trí tàu bay là một thách thức không nhỏ đối với nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Các cơ sở cung cấp dịch vụ TKCN được thiết lập để đáp ứng yêu cầu này. Các cơ sở TKCN với đội ngũ cán bộ, nhân viên được đào tạo, huấn luyện, được trang bị những thiết bị, công cụ hiệu quả và những công nghệ tìm kiếm hiện đại có nhiệm vụ và có khả năng xác định nhanh chóng vị trí của tàu bay lâm nạn - Đó là hoạt động “tìm kiếm”.

Khi đã xác định được vị trí tàu bay lâm nạn, cứu nạn là một hoạt động vận động, phối hợp của nhiều lực lượng, phương tiện. Hoạt động này cần đến quá trình lập kế hoạch chi tiết, huấn luyện và thực hiện kế hoạch hoàn hảo. Hoạt động này còn đòi hỏi nỗ lực rất lớn của nhiều cá nhân, tập thể phối hợp trong một hoạt động chung là “cấp cứu người bị nạn”.

Tổ chức dịch vụ TKCN tại Việt Nam

Với tư cách là thành viên của ICAO và để thực hiện cam kết của mình trước cộng đồng HKDD quốc tế, hệ thống dịch vụ TKCN hàng không của Việt Nam đã được thiết lập một cách căn bản gồm một bộ khung pháp lý, một hệ thống cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm, các nguồn lực sẵn có được tổ chức, các cơ sở thông tin liên lạc và một bộ phận nhân lực đã được huấn luyện thuần thục về phối hợp và thực hiện nhiệm vụ TKCN, cụ thể là:

Bộ khung pháp lý gồm: Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi), đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực thực thi từ 01/01/2007; Quy chế về Tổ chức và Hoạt động của Ủy ban Quốc gia TKCN, gồm các quy định thành phần của Ủy ban và phân công trách nhiệm cho các thành viên trong công tác TKCN hàng không; Quy chế TKCN hàng không dân dụng, do Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành năm 2007; Quy chế phối hợp TKCN trên biển, do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2007; Quy chế phối hợp TKCN hàng không, do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2012.

Ngoài ra, nhiều văn bản pháp lý liên quan đến các hoạt động cung ứng dịch vụ TKCN như quản lý, cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc, thông báo báo động của hệ thống đài thông tin duyên hải, phương tiện truyền thông đại chúng, quản lý tài chính cho công tác TKCN... đã được nhiều liên bộ, ngành ký kết và ban hành. Trong phạm vi quốc tế, các thỏa thuận (từ viết tắt trong tiếng Anh là LOA) về trợ giúp TKCN đã được Việt Nam ký kết với các quốc gia liền kề theo khuyến cáo của ICAO về trợ giúp tàu bay quốc tế lâm nạn trong vùng trời, Vùng thông báo bay (từ viết tắt trong tiếng Anh là FIR) Việt Nam cũng như tham gia TKCN tàu bay của Việt Nam lâm nạn ở nước ngoài.

Hệ thống cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm, các nguồn lực sẵn có được tổ chức, bao gồm:

- Ủy ban Quốc gia TKCN. Ủy ban là cơ quan tham mưu, giúp việc của Chính phủ, do một Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và có quyền hạn huy động và chỉ huy lực lượng của các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ TKCN trong các thảm họa quốc gia, trong đó có TKCN tàu bay HKDD.

- Ban chỉ đạo và Ban chỉ huy PCLB và TKCN. Hệ thống Ban chỉ đạo và Ban chỉ huy PCLB và TKCN từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành là các cơ quan quản lý, chỉ đạo cấp cao có thẩm quyền huy động các nguồn lực của các địa phương để tạo ra một nguồn lực tại chỗ dồi dào cùng với nguồn lực từ Trung ương, bộ, ngành với đủ trang, thiết bị chuyên ngành, hiện đại để phục vụ cho các hoạt động TKCN trên mọi vùng, miền của đất nước.

- Lực lượng chuyên nghiệp. Riêng đối với ngành Hàng không dân dụng và Hàng hải Việt Nam là hai ngành có dịch vụ tìm kiếm và cứu nạn chuyên nghiệp, hệ thống lực lượng và phương tiện được tổ chức bao gồm: Các Trung tâm Hiệp đồng TKCN của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đặt tại các Công ty Quản lý bay khu vực và các trung tâm Khẩn nguy Cảng Hàng không đặt tại các cảng hàng không thuộc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam; Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam với các cơ sở cứu hộ, cứu nạn nằm tại nhiều cảng biển theo suốt chiều dài đất nước, với đội tàu chuyên dụng TKCN hiện đại có thể hoạt động trên các vùng biển xa và trong những điều kiện biển phức tạp.

Tổ chức lực lượng, cung cấp dịch vụ TKCN của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam hiện đã thiết lập hệ thống Ban chỉ huy PCLB và TKCN từ Tổng công ty tới các đơn vị thành viên, có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Tổng công ty về công tác TKCN và trực tiếp chỉ huy việc triển khai thực hiện công tác TKCN trong toàn Tổng công ty và các lực lượng trực tiếp tham gia nhiệm vụ TKCN gồm 4 Trung tâm, như sau: 

HINH
 

Các Trung tâm được biên chế nhân lực để thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ. Cán bộ, nhân viên tại các trung tâm trên hầu hết có trình độ chuyên môn về không lưu, lái tàu bay, dẫn đường trên không, một số có trình độ đại học hoặc trung cấp hoặc đã qua lớp huấn luyện cơ bản về TKCN.

Các Trung tâm trên có cơ sở làm việc riêng, được trang bị thiết bị, đồ dùng văn phòng phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, phương tiện vận chuyển, thiết bị thông tin liên lạc, dụng cụ cứu nạn, dụng cụ cứu thương và đồ tiếp tế cho người bị nạn.

Diễn tập TKCN (từ viết tắt trong tiếng Anh là SAREX).

Từ ngày tiếp nhận lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh (năm 1994), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam, sau là Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam) đã tham gia thực hiện các SAREX có sử dụng lực lượng trên biển vào các năm 1994, 1998 và 2000, các SAREX có sử dụng lực lượng trên địa hình rừng núi năm 1996 và 2003 và có sử dụng các lực lượng trên không và trên biển trong diễn tập phối hợp TKCN Hàng không - Hàng hải năm 2007.

Các hoạt động diễn tập này nhằm mục đích rèn luyện khả năng ứng phó trước các tình huống khẩn nguy tàu bay HKDD của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và khả năng của các cơ sở TKCN trong triển khai các hoạt động TKCN trong vùng trách nhiệm được giao và nâng cao trình độ chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng, lập kế hoạch cũng như thực hành TKCN và điều hành TKCN hàng không của các lực lượng hỗn hợp.

Ý kiến của bạn

Bình luận