Đề xuất hàng trăm tỉ đồng để chống dịch MERS-CoV

Xã hội 09/06/2015 13:39

VN chưa có bệnh nhân MERS nhưng tại hội nghị trực tuyến tập huấn phòng chống MERS-CoV (8/6), nhiều bệnh viện đã đề xuất hàng chục tỉ đồng/bệnh viện để chống dịch.

2b104870
Ông Masaya Kato - điều phối viên nhóm các bệnh truyền nhiễm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - phát biểu với báo chí tại buổi hội nghị trực tuyến chiều 8-6 

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đề xuất khoản kinh phí trên 29 tỉ đồng trong năm 2015 để chống dịch MERS-CoV. Trong đó gồm chi phí mua mới một máy ECMO (máy tim phổi nhân tạo), buồng áp lực âm di động, máy lọc máu ngắt quãng, khẩu trang N95, trang phục phòng hộ chống dịch, máy hấp tiệt khuẩn...

Những con số dự trù

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, hiện bệnh viện đã có 2 máy ECMO, trong đó 1 máy được đầu tư cách đây 2 năm và 1 máy được đầu tư 1 năm trước. Thời gian qua, mới có 3 bệnh nhân nặng được sử dụng ECMO.

Cùng ở Hà Nội và cùng có trách nhiệm điều trị nếu có bệnh nhân MERS-CoV, Bệnh viện Bắc Thăng Long đề xuất khoản kinh phí trên 23 tỉ đồng. Số tiền này nhằm mua thêm 10 máy thở, các máy truyền dịch tự động, bơm kim tiêm điện, dự trù kinh phí điều trị và cách ly cho 30 bệnh nhân trong 30 ngày, trong đó gồm cả chi phí ăn uống cho bệnh nhân và cán bộ y tế...

Ông Trần Xuân Thăng, phó giám đốc bệnh viện, cho biết bệnh viện đã có 15 máy thở, bình thường mới sử dụng 3 - 5 máy, nhưng dịp này đề xuất mua thêm máy để phòng lượng bệnh nhân đông hơn khi có dịch MERS-CoV.

Tuy nhiên ngay ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, hiện số máy thở của cả bệnh viện mới khoảng 30 máy, nếu lượng bệnh nhân lên đến 100 - 200 người thì cũng chỉ 30% trong đó cần sử dụng máy thở và lượng máy hiện có hoàn toàn đủ dùng. Với đề xuất thêm 10 máy thở (bên cạnh 15 máy đã có sẵn) như ở Bệnh viện Bắc Thăng Long thì sẽ có máy bị để lãng phí nếu đầu tư.

Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị tập huấn ngày 8-6, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đề xuất nếu có ca bệnh MERS- CoV xâm nhập VN thì riêng hệ dự phòng, ngành y tế thành phố đã đề xuất với thành phố khoản kinh phí 30 tỉ đồng, hệ điều trị Hà Nội cũng cần chừng ấy tiền, đó là chưa kể khoản kinh phí cần cho truyền thông chống dịch MERS-CoV.

Theo vị này, Hà Nội có nhiều kinh nghiệm chống dịch, năm 2003 dịch SARS, năm 2004 dịch H5N1, năm 2007 dịch tả, năm 2014 dịch Ebola (không có ca bệnh nào) và năm 2015 này là MERS-CoV.

Năm 2014, dù không có ca bệnh Ebola nào nhưng hệ dự phòng đã đầu tư dự trữ khoảng 10 tấn Chloramine B phun khử khuẩn, khoảng 5.500 bộ quần áo chuyên dụng cho cộng đồng và cán bộ y tế, số lượng hóa chất khử khuẩn và quần áo chống dịch đủ dùng cho các trường hợp Ebola xuất hiện tại VN và lan ra cộng đồng (giai đoạn 2 và 3 theo phương án chống dịch). Rất may là không có ca bệnh Ebola nào xâm nhập VN, việc chống dịch dừng ở giai đoạn 1.

Để đầu tư chống dịch hiệu quả

Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng có dịch (dù dịch chưa chính thức xuất hiện ở VN) các đơn vị y tế mới đề xuất kinh phí sắm trang thiết bị. Trước đó, dịch cúm H5N1 năm 2004 - 2005 và dịch tả năm 2007 chứng kiến những khoản đầu tư lỗ lã nặng khi đánh giá tình hình dịch không sát với thực tế. Riêng vụ dịch H5N1 năm 2004 - 2005 thì tiền thuốc Tamiflu dự trữ chống dịch khiến ngân sách “ném xuống sông” khoảng 500 tỉ đồng.

Một bác sĩ tham gia phòng chống dịch suốt từ năm 2003 đến nay cho biết trong vụ dịch SARS trước đây đã có một số máy thở thông số không chuẩn trúng thầu, khiến các bác sĩ rất lo ngại khi sử dụng. Vụ dịch sởi năm 2014, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Nhi T.Ư được cấp máy thở từ kho dự trữ quốc gia, và ngay sau khi được trang cấp đã phải thay linh kiện do đã hết hạn sử dụng.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến hôm 8-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị 63 tỉnh thành trả lời câu hỏi về nguy cơ dịch và làm gì để dịch không xâm nhập VN? Theo ông Masaya Kato (đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN), VN đã có một hệ thống chống dịch đảm bảo yêu cầu, chỉ cần kích hoạt hệ thống trở lại.

Tình hình Hàn Quốc khá căng thẳng khi số người mắc vẫn đang tiến dần về mốc 100 bệnh nhân MERS-CoV và gần 2.000 người phải theo dõi, nhưng số tử vong đã giảm xuống 5,7%, thấp hơn nhiều so với số tử vong được báo cáo tại khu vực Trung Đông là 35 - 40%.

Ngăn ngừa không có ca bệnh MERS-CoV nào xâm nhập VN, giảm thiệt hại đối với kinh tế - xã hội, đặc biệt trong đó có ngành du lịch, là rất quan trọng. Nói như ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, “trước mắt sử dụng kinh phí, nhân lực, vật lực tại chỗ, khi có bệnh nhân MERS-CoV mới chuyển sang giai đoạn cần thêm trang thiết bị, thuốc men và hóa chất chống dịch”.

VN đã chống dịch H7N9, Ebola hiệu quả, giờ là chống dịch MERS-CoV, vẫn cần tránh những bài học đổ tiền xuống sông, cả việc tránh mua bán cấp tập chống dịch - chưa kể thiết bị chỉ về khi dịch đã qua rồi!

Ý kiến của bạn

Bình luận