Đạo thầy - trò: Giá trị trường tồn của văn hóa dân tộc

Tác giả: VŨ BÌNH

saosaosaosaosao
Xã hội 24/11/2017 06:50

Ở bất kỳ thời đại nào, người thầy luôn nhận được sự tôn vinh của xã hội. Người tôn trọng thầy không chỉ là học trò mà cả cha mẹ học trò, cả làng xã, cả huyện, cả tổng…; tôn trọng thầy còn là tôn trọng cả gia đình và những người thuộc gia quyến của thầy. Hiện nay, ngày 20/11 hằng năm từng được gọi bằng cái tên thật trang trọng: Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Có thể hiểu theo truyền thống thì ngày này là ngày tôn vinh nghề dạy học trên toàn thế giới. Chẳng biết học trò các nước thể hiện tình cảm với các thầy cô giáo của mình thế nào, nhưng ở nước ta suốt từ ngày thành lập nước đến nay, dẫu cách hiểu có lúc khác nhau nhưng dường như các học trò và thầy cô đều coi ngày 20/11 như một ngày hội.

 

1_81688
 

Thật hạnh phúc khi chúng ta vẫn còn có những ngày của sự biết ơn trong trẻo. Ai đó dù ở lứa tuổi nào, cương vị nào trong hành trình dài của cuộc đời, trong trái tim lại không lung linh hình ảnh một người thầy - dù chưa chắc đó đã phải là người thầy trực tiếp đứng trên bục giảng. Trong sự phân công của xã hội, có những nghề chỉ để làm nghề, lại có những nghề để làm nghề, xứng đáng với nghề, người ta buộc phải tuân theo những giá trị đạo đức của nghề. Bù lại, danh dự, danh xưng, sự tôn trọng của người đời không thể đong đếm được. Như nghề thầy, được đứng ở vị trí tôn quý.

Lịch sử dân tộc đã vinh danh những người thầy xuất sắc như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành... Những người thầy đó đã để lại tấm gương sáng về đạo làm thầy, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo bao thế hệ học trò, con em nhân dân phò đời giúp nước, làm rạng rỡ những trang sử vẻ vang của dân tộc. Không chỉ biết “tôn sư”, người học còn phải biết “trọng đạo”. Một trong những biểu hiện của tinh thần “trọng đạo” là xem trọng, biết ơn người thầy. Ngày xưa, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, ông bà, cha mẹ lại không quên nhắc nhở con cháu “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Trong không khí “vui như Tết”, mọi người vẫn không quên dành cho những người thầy lời chúc tốt đẹp, sự quan tâm đầy tình nghĩa.

Ngày nay, nhà giáo được vinh danh là kỹ sư tâm hồn, nghề giáo được đánh giá là “Nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”. Lớp lớp nhà giáo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “Vì lợi ích trăm năm trồng người” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh), họ đã giảng dạy những học sinh từ mẫu giáo đến việc đào tạo ra không chỉ những công nhân, viên chức bình thường mà cả rất nhiều kỹ sư, bác sỹ, tiến sỹ, giáo sư nổi tiếng. Không giống những nghề cho ra đời những sản phẩm vật chất, nghề giáo đã tạo ra những con người tri thức, có đạo đức.

Viết tiếp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, hôm nay cả xã hội vẫn được tiếp nối, phát huy. Nhà nước, xã hội luôn có sự quan tâm đến giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần của người thầy. Giáo dục được coi là quốc sách: Tăng ngân sách giáo dục, tăng lương giáo viên và tích cực tu bổ, xây dựng hệ thống trường lớp. Các gia đình cũng luôn chú trọng đến việc học hành của con em mình. Không khí dân chủ giúp mối quan hệ thầy - trò gần gũi, chan hòa hơn, tạo điều kiện để thầy giúp trò phát huy vai trò chủ động trong học tập.

Ngày 20/11 đang đến gần, một ngày như bao ngày nhưng lại trọng đại hơn bao ngày bởi đây là ngày hội của các thầy, các cô, ngày mà các thầy cô có dịp nhìn lại thành quả do công sức khó nhọc của mình bỏ ra, ngắm những “cây xanh” do chính tay mình “ươm mầm” và chăm sóc, là ngày mà vẻ đẹp của các “kỹ sư tâm hồn” được tôn vinh, là ngày mà dân tộc Việt Nam thể hiện rõ nhất truyền thống “tôn sư trọng đạo”

Ý kiến của bạn

Bình luận