Đào tạo ngành GTVT: Con người là trung tâm, Chất lượng là hàng đầu

Tác giả: BẢO CHÂU

saosaosaosaosao
Sự kiện 30/11/2020 13:48

Bộ GTVT luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển ngành GTVT. Trên cơ sở đó, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường liên quan tập trung nghiên cứu, phân tích làm rõ tình hình phát triển nhân lực, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và hội nhập quốc tế, Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo về công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội, Ban Cán sự Đảng bộ đã ban hành Chương trình hành động với mục tiêu chiến lược. Từ chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng, các cơ sở đào tạo GTVT đã đào tạo được một lực lượng lớn nguồn nhân lực, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng, góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành. Cơ cấu các ngành, nghề đào tạo đã từng bước được cải thiện, đáp ứng sự phát triển của ngành GTVT.

2U4A3520
 

Thời gian qua, ngành GTVT đã tăng cường đầu tư, huy động mọi nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường đại học, cao đẳng và trường nghề, đồng thời tranh thủ tìm các nguồn vốn khác để đầu tư cho các trường. Bộ chỉ đạo các trường dành phần lớn nguồn vốn tự có để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất.

Thực hiện đào tạo theo nhu cầu của xã hội, các trường thuộc ngành GTVT đã từng bước đa dạng hóa các loại hình đào tạo dần trở thành những cơ sở đào tạo đa ngành. Hiện nay, các trường thuộc Bộ đã mở và tổ chức đào tạo trên 100 ngành nghề đào tạo theo các hệ, các cấp (trong đó hệ đào tạo sau đại học: 18 ngành; đại học: 44 ngành; cao đẳng: 46 ngành; trung cấp: 64 ngành; hệ dạy nghề: trên 70 nghề). Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đã tổ chức xây dựng các chương trình đào tạo trên cơ sở đảm bảo những nội dung quy định chung, chủ động lựa chọn giáo trình giảng dạy, tập trung xây dựng và công bố chuẩn đầu ra. Nhiều trường đã tiếp cận với chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới và từng bước thực hiện công nhận tín chỉ, văn bằng, tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi sinh viên, hội nhập khu vực và quốc tế.

Hiện nay, các trường đang tập trung xây dựng các khung chương trình đào tạo và cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo: Chương trình đào tạo được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo phương pháp phát triển chương trình DACUM bằng sự phân tích nghề, phân tích công việc theo vị trí việc làm tương ứng với các nhiệm vụ và công việc của ngành, nghề, với sự tham gia của doanh nghiệp để lựa chọn những kiến thức, kỹ năng, thái độ cơ bản, cần thiết đưa vào chương trình cho phù hợp. Cấu trúc chương trình được xây dựng theo mô-đun tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và thái độ nghề nghiệp..., đảm bảo sự liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo có bước chuyển biến tích cực, từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của thị trường lao động. Số lượng cơ sở dạy nghề được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng tăng lên qua các năm. Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ GTVT đã được kiểm tra và được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng; học sinh, sinh viên các trường thuộc Bộ GTVT đã giành nhiều huy chương, chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN và thế giới, đứng thứ 6 toàn đoàn liên tiếp hai kỳ thi tay nghề quốc gia, có thí sinh đạt huy chương trong kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN năm 2019.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ GTVT thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công ngành GTVT, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất; thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công; thí điểm chuyển một số đơn vị sang mô hình doanh nghiệp hoặc thực hiện cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện theo quy định. Các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ hàng năm phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Tính đến nay có 20 trường thuộc Bộ GTVT, trong đó có 4 trường đại học, học viện, 4 trường cao đẳng, 9 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp và 1 trường trung cấp nghề.

Trên cơ sở mục tiêu phát triển GTVT trong giai đoạn tới, Bộ GTVT đã xác định quan điểm phát triển nhân lực như sau:

● Phát triển đào tạo nhân lực ngành GTVT phải bảo đảm gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đổi mới sự nghiệp giáo dục và đạo tạo, bảo đảm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; coi đầu tư cho đào tạo nhân lực là đầu tư phát triển; huy động toàn xã hội tham gia và tối đa hóa các nguồn lực có thể dành cho phát triển đào tạo nhân lực ngành GTVT;

● Phát triển đào tạo nhân lực ngành GTVT là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, có tính chiến lược lâu dài; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là khâu đột phá có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của kinh tế hóa ngành GTVT; bảo đảm nhu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ của từng vùng, từng địa phương và của các chuyên ngành, các lĩnh vực;

● Phát triển, đào tạo nhân lực ngành GTVT phải bảo đảm gắn liền với việc bố trí, sử dụng, nhằm phát huy đầy đủ năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; là nội dung quan trọng nhất và phải gắn kết với phát triển con người, góp phần thực hiện những mục tiêu phát triển con người;

● Phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành GTVT trên cơ sở tập trung cho các lĩnh vực mũi nhọn của ngành GTVT: hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận