Cựu chiến binh với công tác bảo đảm TTATGT

Tác giả: Dương Thùy

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 22/12/2015 10:55

Trong 2 năm qua, cuộc vận động “Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam tham gia giữ gìn TTATGT” và xây dựng văn hóa giao thông đã được các cấp Hội Cựu chiến binh Việt Nam (CCBVN) từ Trung ương tới cơ sở triển khai toàn diện, chặt chẽ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo.

Hoi cuu chien binh tham giao dam bao ATGT
Cựu chiến binh tham gia giữ gìn TTATGT

 

Tạo sức lan tỏa trong cộng đồng

Ông Phạm Xuân Thâu - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội CCBVN cho biết, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên CCB và người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT, nhờ đó hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông có nhiều chuyển biến.

Thời gian qua, các cấp Hội đã chủ động xây dựng các mô hình phù hợp, góp phần tích cực vào việc làm giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Nhiều tỉnh, thành Hội đã thực hiện được mục tiêu không có hội viên CCB tử vong hoặc bị thương vì TNGT do lỗi chủ quan của bản thân gây nên. Điển hình là các tỉnh Hội Tiền Giang, Bình Dương, Gia Lai, Ninh Thuận, An Giang, Yên Bái...

Theo Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, thực hiện cuộc vận động “Hội CCBVN tham gia giữ gìn TTATGT”, các cấp Hội đã xây dựng được nhiều mô hình tốt, hoạt động có hiệu quả. Nhiều mô hình đã được triển khai trên diện rộng, trở thành phổ biến ở các tỉnh, thành. Nổi bật là các mô hình: “Tôi tự quản”, “Đội cứu nạn ATGT”, “Đoạn đường tự quản”, “Bến đò, cầu phao CCB an toàn, kiểu mẫu”, “Đội tình nguyện hướng dẫn ATGT”...

Theo đó, tại Bình Dương, mô hình “Đội cứu nạn ATGT” đã được triển khai tại hầu hết các chi hội trên địa bàn tỉnh, trong đó tiêu biểu là huyện Dầu Tiếng có 29 đội, thị xã Dĩ An có 7 đội (đội xe ôm tình nguyện) vừa trực tiếp cứu nạn, vừa bảo vệ tài sản cho nạn nhân, giữ hiện trường, báo tin cho cơ quan chức năng giải quyết (2 năm đã giải quyết 749 vụ, việc). Các đội ở TP. Thủ Dầu Một kết hợp với Hội Chữ thập đỏ địa phương để cùng cứu nạn khi TNGT xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh những mô hình đã và đang phát huy tác động tích cực trong đời sống xã hội, ở các tỉnh, thành Hội đã xuất hiện những mô hình mới như: “Thắp sáng đường quê” (tỉnh Hội Long An, Quảng Ninh); mô hình “Khu dân cư giữ gìn TTATGT”; “Hiến đất làm đường giao thông nông thôn” (tỉnh Hội Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Bình); các mô hình “Cổng trường an toàn” (tỉnh Hội Hà Giang); “Cổng trường bình yên” (tỉnh Hội Đà Nẵng)... Trong đó, mô hình “Cổng trường bình yên” tại Đà Nẵng là một trong những mô hình khá điển hình và đang được nhân rộng. Theo Hội CCB Đà Nẵng, hàng ngày, trước giờ tựu trường và tan trường 25 phút có một tổ gồm 4 CCB, 4 đoàn viên và công an phối hợp với bảo vệ nhà trường để hướng dẫn, điều khiển học sinh, phương tiện giao thông ra, vào cổng trường với yêu cầu đảm bảo trật tự, đi đúng phần đường theo biển báo giao thông. Các mô hình này không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia mà còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông của từng hộ gia đình, từng cá nhân.

Sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, gia đình CCB Nguyễn Văn Thiệu ở xóm Tân Mỹ 2 là hộ hiến nhiều đất nhất trong Hội CCB xã Tân Quang. Khi nắm được chủ trương của xã trong việc huy động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, CCB Nguyễn Văn Thiệu đã hiến trên 400m2 đất và vận động con, cháu hiến thêm 300m2 đất nữa để mở rộng đường của xóm. Đối với ông Thiệu, việc hiến đất là cần thiết vì giúp gia đình, bà con hàng xóm có đường đi lại thuận tiện, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cũng giống như ông Thiệu, tại thôn Pul, xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, gia đình CCB Phạm Trung Kiên hiến 500m2 đất đang trồng cà phê để làm đường. Việc hiến đất của ông Kiên cũng như những gia đình khác trong thôn Pul đã góp phần xây dựng mở rộng tuyến đường giao thông vào khu sản xuất thôn, giúp người dân đi lại và vận chuyển nông sản hàng hóa thuận lợi tại khu sản xuất với trên 20ha đất nông nghiệp.

Trên đây chỉ là 2 trong số hơn 2,7 triệu hội viên Hội CCB gương mẫu đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng triệu mét vuông đất để xây dựng cầu cống, mở rộng đường giao thông nông thôn, xóa bỏ cầu khỉ, bê tông hóa đường thôn ấp, bản làng, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Không có nhiều đất để hiến xây dựng và mở rộng đường sá như những CCB ở các tỉnh, 245.300 CCB đang sinh sống tại hơn 30 quận, huyện tại TP. Hà Nội đã cam kết giữ gìn TTATGT trên địa bàn Thủ đô. Trong 2 năm qua, trên các tuyến phố chính, các trọng điểm giao thông, hình ảnh các CCB đeo băng đỏ cùng CSGT và các tình nguyện viên hướng dẫn phân luồng giao thông đã là hình ảnh thân thuộc, in đậm trong tiềm thức nhân dân Thủ đô.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Mai, CCB phường Bách Khoa - TP. Hà Nội. Ông chia sẻ, hội CCB của mình không chỉ tham gia bảo đảm TTATGT mà còn tổ chức đi tuyên truyền về ATGT, văn hóa giao thông tới các cụm dân cư, tổ dân phố và học sinh, sinh viên.

“Hàng tháng, các bác cũng nhận được phụ cấp nhưng khoản phụ cấp đó không nhiều, tiền thì ai cũng quý nhưng nếu bảo vì đồng tiền phụ cấp đó mà làm thì các bác không bao giờ tham gia. Các bác tự nguyện làm vì muốn tốt cho cộng đồng, vì thực hiện trách nhiệm của một người công dân, vì là một người lính phải hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ người dân”, CCB Nguyễn Hữu Mai khẳng định.

Có thể thấy rằng, trong những năm đấu tranh kháng chiến gian nan và khốc liệt, những người lính ấy không quản khó khăn, nguy hiểm xung phong ra trận, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng bản thân giành độc lập dân tộc. Còn ở thời bình, họ cũng không hề nghỉ ngơi, một mực hết lòng vì nước, vì dân, vẫn chiến đấu, hy sinh không chỉ trên “mặt trận” giao thông mà còn ở nhiều lĩnh vực khác cho dù tuổi cao, sức yếu và mang trong mình những thương tật từ chiến tranh.

Ý kiến của bạn

Bình luận