Công tác trao đổi toa xe hàng giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt

31/08/2015 16:38

Bài báo tiến hành nghiên cứu thực trạng công tác trao đổi toa xe hàng trên ĐSVN hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề trao đổi toa xe hàng giữa các DNVT đường sắt trong tương lai.

ThS. NCS. Nguyễn Tiến Quý

Trường Đại học Giao thông vận tải

ThS. Nguyễn Hữu Bình

Trường Đại học Lao động - Xã hội

Người phản biện:

PGS. TS. Vũ Trọng Tích

TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Tóm tắt: Bài báo tiến hành nghiên cứu thực trạng công tác trao đổi toa xe hàng trên đường sắt Việt Nam (ĐSVN) hiện nay, từ đó đưa ra các vấn đề cần phải xây dựng cũng như các giải pháp để giải quyết vấn đề trao đổi toa xe hàng giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong tương lai.

Từ khóa: Trao đổi toa xe hàng.

Abstract: The article studies the reality of exchanging the freight wagons between railway transport enterprises at present. Based on this situation, giving some issues that need to be built as well as some solutions to deal with the problems related to exchanging the freight wagons between railway transport firms in the future.

Keywords: Freight wagons exchange.

1. Đặt vấn đề

Thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012 - 2015 và những năm tiếp theo, trong đó có việc chuyển đổi mô hình công ty VTHKĐS sang mô hình công ty TNHH MTV từ 01/01/2015 và chuyển thành công ty cổ phần từ 01/01/2016, tiến tới xã hội hóa phát triển ngành Đường sắt, làm nảy sinh nhiều vấn đề như: Xác định phương pháp tính giá thành vận tải, khoản mục chi, xác định sản phẩm làm hộ lẫn nhau giữa các công ty vận tải với nhau và với Tổng công ty, công tác trao đổi toa xe hàng… cần phải giải quyết. Trong phạm vi bài báo nghiên cứu, các vấn đề về trao đổi toa xe hàng giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt.

2. Nội dung

Công tác trao đổi toa xe hàng giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt đã được nghiên cứu cùng với sự thay đổi cơ cấu tổ chức của vận tải đường sắt. Giai đoạn trước năm 1989 với mô hình là Tổng cục Đường sắt, công tác trao đổi toa xe hàng chỉ diễn ra giữa ĐSVN và Đường sắt Trung Quốc. Giai đoạn năm 1989 - 2003 với mô hình là Liên hiệp ĐSVN, bao gồm 3 xí nghiệp: Xí nghiệp liên hợp 1, Xí nghiệp liên hợp 2, Xí nghiệp liên hợp 3, công tác trao đổi toa xe hàng diễn ra giữa ĐSVN - Đường sắt Trung Quốc và giữa các xí nghiệp liên hợp. Giai đoạn 2003 - 2014, với mô hình Tổng công ty ĐSVN bao gồm các công ty vận tải hạch toán phụ thuộc (Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn) thì công tác trao đổi toa xe hàng chỉ diễn ra giữa ĐSVN và Đường sắt Trung Quốc. Với mỗi giai đoạn ngành Đường sắt nghiên cứu xây dựng các quy định về công tác trao đổi toa xe hàng trên đường sắt. Đối với công tác trao đổi toa xe hàng giữa ĐSVN - Trung Quốc có nhiều thuận lợi: Cùng tham gia tổ chức liên vận đường sắt quốc tế gọi tắt là OSZD, Hiệp định đường sắt Việt - Trung được Chính phủ 2 nước ký kết năm 1993, hàng năm đều có ký kết Nghị định thư­ Đường sắt để làm cơ sở thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, công tác trao đổi toa xe hàng giữa hai nước cũng có một số khó khăn như: Hệ thống văn bản pháp quy, tuy đã được xây dựng, có sửa đổi bổ sung, nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ, không được cập nhật, do đó không thích ứng với cơ chế hội nhập; thiếu cán bộ có nghiệp vụ tinh thông về vấn đề này (đặc biệt là ngoại ngữ), bị động vì công tác quản lý toa xe giữa ĐSVN và Đường sắt Trung Quốc chưa thật đúng theo nội dung trao đổi và chủ yếu do ĐSVN phải “nhập siêu” toa xe của Trung Quốc, chưa đề xuất được biện pháp tránh đọng xe trên lãnh thổ Việt Nam và trả rỗng. Thời gian quay vòng toa xe Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam còn cao, đặc biệt là các toa xe nhập qua Đồng Đăng. Cơ sở vật chất kỹ thuật, mạng lưới cũng như công nghệ thông tin phục vụ công tác trao đổi toa xe còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trao đổi toa xe hàng giữa ĐSVN - Trung Quốc là những kinh nghiệm cần được nghiên cứu để giải quyết vấn đề trao đổi toa xe hàng trong tương lai giữa các doanh nghiệp vận tải ĐSVN

Theo Luật Đường sắt, Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt. Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19/01/2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP. Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 21/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012 - 2015”. Nghị định số 175/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức hoạt động của Tổng công ty ĐSVN. Văn bản số 12603/BGTVT-QLDN ngày 7/10/2014 của Bộ GTVT về việc báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng công ty ĐSVN thực hiện chuyển đổi các công ty Vận tải Hà Nội, Sài Gòn thành 02 công ty TNHH MTV do Tổng công ty ĐSVN làm chủ sở hữu trong năm 2014 và thực hiện cổ phần hóa năm 2015. Như vậy, để xã hội hoá phát triển đường sắt, Nhà nước đã cho phép nhiều thành phần kinh tế có thể tham gia vào đầu tư cho mạng lưới đường sắt quốc gia. Tức là, trong tương lai có thể xuất hiện nhiều doanh nghiệp đường sắt. Mỗi doanh nghiệp này lại có số toa xe nhất định và để thực hiện công tác vận chuyển thì các doanh nghiệp phải kết hợp với nhau trong việc sử dụng quỹ toa xe. Các doanh nghiệp vận tải đường sắt liên kết lại với nhau trong việc sử dụng quỹ toa xe chung, dựa trên cơ sở tất cả đều có lợi. Thông qua các quy định về chuyển giao xe giữa biên giới, về gửi trả lại toa xe, về điều kiện kỹ thuật toa xe được phép đưa vào vận dụng, điều kiện về sử dụng toa xe, bảo dưỡng sửa chữa toa xe, về thanh toán tiền sử dụng toa xe của nhau, được gọi là công tác trao đổi toa xe hàng giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tái cơ cấu của ngành Đường sắt sẽ có thể nhiều hình thức trao đổi toa xe:

- Các doanh nghiệp có lãnh thổ riêng, có quỹ toa xe riêng trao đổi với nhau và hạch toán độc lập như trao đổi toa xe giữa Công ty Vận tải Hà Nội với Công ty vận tải Sài Gòn, giữa ĐSVN với Đường sắt Trung Quốc.

- Các doanh nghiệp không có lãnh thổ, có quỹ toa xe riêng, hạch toán độc lập trao đổi với nhau và trao đổi với các doanh nghiệp có lãnh thổ riêng như trao đổi giữa Công ty Cổ phần Thương mại Đường sắt (Ratraco) với Công ty Vận tải Hà Nội và Công ty Vận tải Sài Gòn.

Cũng có thể, có nhiều hình thức trao đổi toa xe khác nữa; do vậy, khi nghiên cứu trao đổi toa xe hàng giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt cần chú ý đến các vấn đề sau:

- Xây dựng cơ sở lý luận cho công tác trao đổi toa xe hàng giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt. Trên cơ sở thực tiễn sản xuất đều chưa đầy đủ cần được bổ sung nghiên cứu bổ sung các mô hình mới để hoàn thiện một mô hình phát triển phù hợp với thực tế, từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng phương hướng giải quyết vấn đề trao đổi toa xe hàng giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong tương lai.

- Hoàn thiện các quy chế chung về trao đổi toa xe hàng, quy chế này phải đảm bảo các bên tham gia đều có lợi và quy định rõ các điều kiện toa xe được phép đưa vào vận dụng, về chuyển giao xe giữa các ga biên giới, việc gửi trả toa xe, sử dụng toa xe của nhau, bảo dưỡng, sửa chữa toa xe ngoài phạm vi doanh nghiệp sở hữu toa xe, khi toa xe bị hỏng, thống kê thời gian sử dụng toa xe, bồi thường toa xe khi bị mất, thanh toán tiền sử dụng toa xe, phạt đọng toa xe, khi một công ty vi phạm về thời gian giữ xe... Có thể phải thành lập các ban công tác trao đổi toa xe, ban này có nhiệm vụ điều hành toàn bộ công tác trao đổi toa xe của toàn mạng lưới, loại bỏ các hành trình xe bất hợp lý, nâng cao chất lượng công tác toa xe. Theo dõi quá trình thanh toán tiền sửa chữa, sử dụng toa xe của nhau. Đồng thời, là trọng tài kinh tế khi xảy ra tranh chấp giữa các thành viên.

- Hoàn thiện các nguyên tắc trao đổi toa xe hàng, trên cơ sở mục đích là các bên tham gia trao đổi toa xe đều có lợi. Cũng như ràng buộc các bên tham gia phải có trách nhiệm phối hợp, điều hành để có thể nâng cao được trọng tải tĩnh, rút ngắn thời gian quy vòng toa xe, tiết kiệm chi phí đem lại hiệu quả chung.

- Thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp đường sắt tham gia vào khai thác đường sắt trên mạng lưới. Việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, hiểu biết về công tác trao đổi toa xe hàng vô cùng quan trọng, đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt.

- Áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện công tác trao đổi toa xe hàng. Giúp cho doanh nghiệp có thể theo dõi được tình hình toa xe của mình cũng như thanh toán lẫn nhau..., đảm bảo giảm khối lượng công việc cho nhân viên, sử dụng hiệu quả quỹ toa xe chung.

Đồng thời phải giải quyết các mặt sau:

- Giải pháp về công nghệ để đảm bảo có thể khai thác hiệu quả nhất quỹ toa xe chung.

- Về giải pháp tổ chức kỹ thuật, cần phải xây dựng các mô hình tổ chức quản lý toa xe phù hợp để có thể khai thác tốt các toa xe sở hữu riêng của doanh nghiệp đường sắt cũng như quỹ toa xe chung của toàn mạng lưới.

- Hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia cũng như giải quyết các tranh chấp và các vấn đề nảy sinh trong việc trao đổi toa xe hàng. Các văn bản cần hoàn thiện như: Quy định về thuê toa xe, sử dụng toa xe, quy định về việc xử lý các vi phạm về hợp đồng trao đổi toa xe, quy định về thu thập, báo cáo xử lý các thông tin về toa xe.

- Giải pháp về cơ chế kinh tế, nhằm giải quyết thỏa đáng quyền lợi của các doanh nghiệp đường sắt tham gia vào quá trình trao đổi toa xe.

- Đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực về trao đổi toa xe cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong tương lai.

3. Kết luận

Công tác trao đổi toa xe hàng giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt là vấn đề quan trọng và phức tạp. Khi nghiên cứu công tác trao đổi toa xe hàng cần phải chú ý đến việc xây dựng cơ sở lý luận, hoàn thiện về mặt quy chế, nguyên tắc, đồng thời tìm ra các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, cơ chế kinh tế.  Có như vậy, các doanh nghiệp đường sắt mới giải quyết được bài toán sử dụng hiệu quả toa xe hàng, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Đường Sắt trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

[1]. Tổ chức hợp tác đường sắt OSZD: Hiệp định về quy tắc sử dụng toa xe trong liên vận quốc tế (PPV), Hiệp định liên vận hàng hoá đường sắt quốc tế (SMGS).

Ý kiến của bạn

Bình luận