Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - “Cú hích” để phát triển

Ý kiến phản biện 19/10/2015 05:59

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPHDNNN) luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nước ta thời gian qua. Trải qua hơn 23 năm triển khai thực hiện, CPH đã tạo ra những “cú hích” mạnh mẽ cho phát triển không chỉ bản thân doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Bài viết này mong muốn góp phần làm rõ hơn những tác động của CPHDNNN tới phát triển kinh tế; những vấn đề còn tiếp tục đặt ra để có những giải pháp hợp lý thúc đẩy CPHDNNN trong thời gian tới.

Nhìn lại chặng đường CPHDNNN

CPHDNNN được thí điểm từ năm 1992 với Quyết định số 202-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và đã trở thành biện pháp cơ bản và quan trọng trong quá trình cải cách DNNN. Trải qua các giai đoạn, từ thí điểm, mở rộng thí điểm đến đẩy mạnh CPH và CPH nhằm tái cơ cấu DNNN, đến nay đã có hơn 4.300 doanh nghiệp được CPH. Trong năm 2015, dự kiến sẽ tiếp tục CPH 289 doanh nghiệp.

b

Những năm gần đây, CPH diễn ra khá chậm, đặc biệt từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, ngành GTVT lại được nhắc đến như một “điểm sáng” trong tái cơ cấu DNNN nói chung, CPHDNNN nói riêng. Trong giai đoạn 2011 - 2014, Bộ GTVT đã CPH được 107 doanh nghiệp (chiếm trên 43% số lượng doanh nghiệp CPH của cả nước), đặc biệt năm 2013 đã CPH được 44 doanh nghiệp và năm 2014 là 53 doanh nghiệp. Sau CPH, các doanh nghiệp ngành GTVT cũng khá thành công trong thực hiện thoái vốn Nhà nước.

so do
Số lượng doanh nghiệp GTVT CPH giai đoạn 2011 - 2014

Kết quả trên của ngành GTVT xuất phất từ sự quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo Bộ, của các tổ chức, cá nhân có liên quan và các doanh nghiệp trực thuộc.

Thứ nhất, Bộ GTVT luôn coi tái cơ cấu DNNN nói chung, CPHDNNN nói riêng là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã dành nhiều thời gian để đưa ra giải pháp và thống nhất ban hành các nghị quyết về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, từ đó, lãnh đạo Bộ có chỉ đạo, biện pháp quyết liệt, kịp thời để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thứ hai, phân công nhiệm vụ và trách nhiệm được xác định cụ thể, rõ ràng. Mục tiêu, lộ trình CPH, phân công từng thứ trưởng phụ trách một số doanh nghiệp và xác định trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc, HĐTV của các doanh nghiệp này được đưa vào nghị quyết để triển khai thực hiện.

Thứ ba, có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh.

Thứ tư, bản thân doanh nghiệp ngành GTVT cũng xác định tái cơ cấu, CPH là nhu cầu nội tại, khách quan nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây chính là động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, CPH, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược.

Những “cú hích” từ CPHDNNN

IMG_9035

CPHDNNN thời gian qua đã tạo ra những “cú hích” phát triển trên nhiều bình diện:

Trên bình diện doanh nghiệp, CPH tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới phương thức quản lý, quản trị; đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; huy động vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiến tới phát triển bền vững.

Việc chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thực sự là bước chuyển về chất trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Thông qua CPH, các doanh nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có tiềm lực về tài chính, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm tổ chức quản lý… Đây là những “cú hích” mạnh mẽ cho doanh nghiệp phát triển.

Thực tế hoạt động của một số tổng công ty ngành GTVT sau CPH gần đây cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ về chất với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trong và nước ngoài. Ví dụ: CPH Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) đã giúp Tổng công ty tìm được các nhà đầu tư chiến lược mạnh như Công ty Oriental Consultans (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Kỹ thuật Nền móng và Công trình ngầm (FECON). Theo đó, sau CPH, TEDI đã có nhiều cơ hội mở rộng và phát triển thị trường trong và ngoài nước, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tư vấn xây dựng và hoàn thiện quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Tương tự, Cienco 1 và Cienco 4 sau CPH thành công đã đổi mới toàn diện công tác quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả bộ máy.

Cùng với đổi mới phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp, việc các công ty sau khi CPH thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp, do đó, tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư mới. Thực tế, có nhiều trường hợp, trong thời gian CPH, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài tham gia ít, nhưng sau CPH, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên đáng kể như trường hợp của Habeco, Bảo Việt, Vietcombank hay Vietinbank...

Hầu hết DNNN sau CPH đều có tốc độ tăng trưởng khá, kinh doanh hiệu quả hơn, cho thấy CPH đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2013, so với năm trước khi CPH, 85% doanh nghiệp sau CPH có doanh thu cao hơn; gần 90% doanh nghiệp sau CPH có lợi nhuận cao hơn và 86% doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách Nhà nước cao hơn; số lao động bình quân của doanh nghiệp tăng 12% và thu nhập của người lao động tăng 28%. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH của ngành GTVT cũng khá ấn tượng. 6 tháng sau CPH, 10 tổng công ty thuộc ngành GTVT đã có tổng tài sản tăng 18,59%, vốn chủ sở hữu tăng 17,21%, doanh thu tăng 15,32%, lợi nhuận tăng 82,96% và thu nhập người lao động tăng 22,6% so với năm 2013.

CPH cũng đã góp phần tái cơ cấu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và xã hội, đảm bảo nguồn nhân lực được sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn.

Nhìn trên bình diện nền kinh tế, CPH góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cả về ngành, lĩnh vực hoạt động lẫn đối tượng tham gia; giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, nâng cao vai trò trong nền kinh tế.

CPH là giải pháp chủ yếu để tái cấu trúc hệ thống DNNN, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế. Từ chỗ có hơn 5.600 DNNN (năm 2001) và hoạt động ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thì đến tháng 8/2015, cả nước còn khoảng 870 DNNN (gồm khoảng 180 nông, lâm trường quốc doanh) và hoạt động tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, lĩnh vực công ích, an ninh, quốc phòng. Sự rút lui của khu vực DNNN đã tạo nhiều cơ hội cho sự tham gia của khu vực tư nhân.

CPH đã giúp làm giảm mạnh những DNNN quy mô nhỏ, thua lỗ thuộc các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ, góp phần giảm gánh nặng tài khóa liên quan đến các DNNN thua lỗ, giúp cải thiện ngân sách, tài chính và tạo nguồn thu thuế mới, huy động được các nguồn đầu tư tài chính từ khu vực tư nhân; tạo nguồn lực để phân bổ cho các mục tiêu ưu tiên khác.

Thông qua CPH đã thực hiện mục tiêu bán bớt phần vốn tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn để tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, dự án quan trọng của Nhà nước, tạo cơ sở để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, đồng thời tăng cường huy động vốn từ xã hội. Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/8/2011, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã thu được hơn 55 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ việc bán phần vốn Nhà nước đạt gần 36 nghìn tỷ đồng và hơn 12 nghìn tỷ đồng thu từ cổ tức phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã CPH. Nguồn thu này đã được Nhà nước sử dụng để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng như đầu tư nhiều dự án trọng điểm quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra, trên bình diện người tiêu dùng, CPH cũng góp phần giúp người tiêu dùng được hưởng sản phẩm, dịch vụ giá thấp hơn nhưng chất lượng tốt hơn.

Những tồn tại và bất cập

Mặc dù CPHDNNN đã có những tác động tích cực nhưng thực tế vẫn còn không ít vấn đề đặt ra, cụ thể:

Thứ nhất, CPHDNNN chưa đạt yêu cầu về tiến độ. Nguyên nhân cơ bản là do đối tượng thuộc diện CPH hiện nay là những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, phạm vi hoạt động rộng, tài chính phức tạp hơn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong khi cơ chế, chính sách mặc dù đã được hoàn thiện nhưng vẫn chưa đủ để xử lý được những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán chưa phục hồi, sức mua giảm hay tâm lý “sợ mất quyền”, “sợ trách nhiệm”… cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến trình CPH.

Thứ hai, Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối ở khá nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước cần chi phối. Điều này dẫn đến sự tham gia của các thành phần kinh tế khác còn hạn chế, chưa phát huy được hết nguồn lực hiện có, chưa thu hút được sự tham gia của các cổ đông chiến lược.

Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp không thuộc diện cần duy trì sở hữu nhà nước nhưng ngay phương án CPH những doanh nghiệp này vẫn xác định duy trì cổ phần nhà nước, thậm chí cổ phần Nhà nước chi phối. Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều nhà đầu tư không mặn mà với CPHDNNN.

Thứ ba, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp sau CPH chưa thực sự đổi mới trong quản trị công ty, phương pháp quản lý, lề lối làm việc, tính công khai, minh bạch chuyển biến chậm nên hiệu quả hoạt động chưa có nhiều cải thiện.

Một số khuyến nghị

Để CPH tiếp tục là giải pháp mang tính chiến lược, tạo đột phá, thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước tham gia vào quá trình quản trị và phát triển doanh nghiệp, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới cần tiến hành những nội dung sau:

Một là, đổi mới tư duy về CPH. CPH không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các quy trình, thủ tục CPH và đăng ký doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần mà phải đảm bảo cải thiện quản trị doanh nghiệp, hiện đại hóa doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững. Do đó, cần tăng chất lượng CPH, thực hiện CPH chiều sâu, tiến hành tái cơ cấu trước khi CPH, không nên chạy theo tiến độ CPH bằng mọi giá.

Cách thức tiến hành CPH cũng cần phải thay đổi, tránh tình trạng CPH “hình thức” nhằm đạt được chỉ tiêu về số lượng. Bởi vì, nếu chỉ thực hiện CPH ở mức 5, 10, 20 hay 30% thì rất khó thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm… CPH cần đi vào thực chất với sự tham gia của nhiều cổ đông bên ngoài, đặc biệt là cổ đông chiến lược, đảm bảo vai trò và tiếng nói của cổ đông thì mới thay đổi quản trị doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách CPH, đặc biệt là cơ chế, chính sách tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư chiến lược, cụ thể: Nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP theo hướng tạo điều kiện đẩy nhanh CPHDNNN; hướng dẫn cụ thể chính sách bán cổ phần theo lô. Tuy nhiên, cần lưu ý mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng, phải có cơ chế chính sách đặc thù để xử lý…

Ba là, thực hiện cơ chế công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận được đầy đủ thông tin về doanh nghiệp CPH, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sau CPH…

Bốn là, tiếp tục xác định rõ chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các chủ thể có liên quan trong trường hợp trì hoãn CPH, thoái vốn Nhà nước… 

Ý kiến của bạn

Bình luận