Cơ hội và thách thức cho Uber, Grab trên toàn thế giới

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 27/12/2017 06:48

Tuy mới lạ và có nhiều mặt tích cực nhưng mô hình ứng dụng chia sẻ xe như Uber, GrabCar cũng đặt ra vô vàn thách thức cho các nhà quản lý khi phải tìm cách đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích người tiêu dùng, giải quyết những xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, đồng thời tạo ra những chính sách pháp lý để quản lý mô hình chia sẻ xe, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Vậy các quốc gia làm thế nào để quản lý Uber và Grab?

 

Anh minh họa
Anh minh họa

Mô hình kinh doanh “chia sẻ xe” của Uber và Grab được coi như cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông trên toàn thế giới. Thông qua việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, Uber và Grab đã mang đến cho người tiêu dùng những lựa chọn đa dạng hơn. Tuy nhiên, không phải ở nơi nào loại hình kinh doanh vận tải này cũng được hoan nghênh.

Cả châu Âu chống lại Uber

Châu Âu được coi là thị trường “khó nhằn” nhất của các ứng dụng gọi xe trên smartphone khi nhiều quốc gia đã ban hành những quy định nghiêm ngặt để quản lý mô hình kinh doanh này. Ở Pháp, sự xuất hiện của UberPOP đầu năm 2014 đã dấy lên tranh cãi khi Tổng cục Cạnh tranh, Tiêu dùng và Trấn áp gian lận (DGCCRF) của nước này cho rằng, dịch vụ chia sẻ xe của UberPOP về bản chất là dịch vụ taxi bình thường nhưng UberPOP lại không thực hiện nghĩa vụ thuế như một công ty cung cấp dịch vụ taxi. Trong khi đó, Uber lập luận rằng họ là một công ty cung cấp dịch vụ thông tin chứ không phải cung cấp dịch vụ vận tải. Sau hàng loạt vụ đình công của các taxi truyền thống ở Pháp, chính quyền nước này đã cấm cửa Uber từ năm 2015.

Sau Pháp, đến lượt Hungary đình chỉ hoạt động của Uber do đạo luật mới ngăn chặn các hoạt động trên nền tảng Internet để điều phối nhân sự bất hợp pháp. Lần lượt, các tòa án ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan cũng cấm dịch vụ UberPOP với lý do sử dụng tài xế không có giấy phép hành nghề chuyên nghiệp.

Hiện tại, tranh cãi pháp lý này đang chờ phán quyết cuối cùng từ Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). ECJ hồi giữa tháng 5 đã được cố vấn nên coi Uber là một hãng taxi, thay vì một ứng dụng di động và nhiều khả năng tòa sẽ thiên về ý kiến này. Nếu phán quyết cuối cùng nghiêng về phương án này thì kết cục của Uber là sẽ bị quản lý và phải đóng thuế như một hãng taxi truyền thống tại châu Âu.

Chính sách đàn áp tại Thái Lan, Hồng Kông

Tại Thái Lan, cuộc chiến giữa Uber và taxi truyền thống cũng diễn ra căng thẳng. Từ tháng 3/2017, Chính phủ Thái Lan đã ban hành lệnh cấm xe cá nhân chạy Uber, GrabCar. Các quan chức Bộ Giao thông Thái Lan khẳng định, việc sử dụng ô tô cá nhân để cung cấp dịch vụ vận chuyển trực tuyến là bất hợp pháp, vì các xe này không được đăng ký lưu thông theo dạng phương tiện vận tải công cộng. Không ít tài xế sử dụng “chui” ứng dụng Uber, Grabcar đã bị bắt và phạt tiền. Lực lượng TTGT Thái Lan thường cải trang làm hành khách để gọi xe và xử phạt các tài xế hành nghề trái phép. CSGT tại hai thành phố lớn là Bangkok và Chiangmai còn bố trí nhân lực để chụp ảnh tài xế dùng ứng dụng gọi xe để bắt khách và phạt nguội. Chiến dịch truy quét tài xế Uber, GrabCar còn có sự tham gia tích cực của nhiều tài xế taxi truyền thống. Tại Pattaya, nhiều tài xế taxi truyền thống sẽ báo cảnh sát mỗi khi thấy có xe khả nghi là tài xế của Uber, GrabCar.

Mặt khác, nhằm phá vỡ các dịch vụ gọi xe tư nhân của Uber hay Grab, Chính phủ Thái Lan dự định sẽ tung ra ứng dụng gọi xe mang tên Taxi OK. Ứng dụng này sẽ cho phép hành khách gọi các taxi do Chính phủ quản lý thông qua với hệ thống định vị GPS và camera giám sát.

Chính sách đàn áp của Chính phủ Thái Lan đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ giới công nghệ nước này, cho rằng đây là hành động chống lại viễn cảnh xây dựng xã hội sáng tạo dựa trên công nghệ và kỹ thuật số. Giới công nghệ Thái Lan kêu gọi Chính phủ nên đứng trên quan điểm của người tiêu dùng để tìm ra được giải pháp hài hòa lợi ích đôi bên.

Giống như Chính phủ Thái Lan, chính quyền Hồng Kông cũng ban hành những chính sách được cho là “đàn áp” Uber, GrabCar. Tháng 8/2015, Hồng Kông đã từng phạt khoảng 1.300 USD và tước giấy phép lái xe 12 tháng đối với 5 tài xế Uber với tội danh “sử dụng trái phép phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ vận tải”.

 Những tín hiệu khả quan

Trái với viễn cảnh ở châu Âu, New York (Mỹ) lại được coi là “Vương quốc Uber” khi thể hiện chiến thắng áp đảo với taxi truyền thống. Hiện tại, số lượng xe Uber ở New York đã vượt qua số lượng xa taxi truyền thống, trung bình mỗi tháng có hơn 100.000 tài xế gia nhập đội ngũ Uber. Các tài xế được tự do tham gia các dịch vụ chia sẻ với điều kiện phải đăng ký với Ủy ban Taxi & Limousine New York. Chính quyền New York đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng đỡ dịch vụ taxi truyền thống trong bối cảnh thống trị của Uber, Lyft và các loại hình gọi xe khác, một trong số đó là cấp phép cho dịch vụ UberT trong ứng dụng Uber, cho phép hành khách tùy chọn xe taxi truyền thống từ ứng dụng Uber bên cạnh các dịch vụ gọi xe Uber khác.

Ở Malaysia, Singapore, Uber, Grab cũng khá được ưu ái. Chính phủ các quốc gia này thể hiện sự ủng hộ với những giải pháp giao thông mang tính cải cách nhưng vẫn đặt ra các khung pháp lý về điều kiện tài xế. Tài xế Uber, Grab phải vượt qua nhiều vòng giám định như: Kiểm tra y tế và kinh nghiệm, kiến thức của tài xế, kiểm định độ an toàn của xe…

Một tín hiệu đáng mừng khác cho các dịch vụ chia sẻ xe là việc Uber thông báo đã tìm được cách quay lại thị trường Đài Loan. Năm 2017, Uber vận hành tại Đài Loan mà không chịu sự điều chỉnh của một khung pháp lý cụ thể nào, không có bảo hiểm và không đóng thuế. Chính quyền Đài Loan đã yêu cầu Uber phải thực hiện nghĩa vụ như một đơn vị kinh doanh taxi nhưng bị hãng từ chối. Ngay sau đó, một đạo luật tại Đài Loan có hiệu lực vào 6/01/2017 được ban hành, theo đó áp đặt mức phạt từ 150.000 đến 25 triệu Đài tệ (tương đương 4.700 - 780.000 USD) - mức phạt cao kỷ lục mà Uber phải đối mặt. Song, đến giữa tháng 4/2017, Uber chính thức thông báo trên website rằng họ sẽ quay trở lại Đài Loan và hoạt động dưới sự quản lý của một công ty cho thuê xe, các tài xế Uber sẽ phải có giấy phép lái xe taxi.

Tại Rio de Janeiro (Brazil), tháng 9/2015, chính quyền thành phố này đã ban hành đạo luật cấm ứng dụng đặt xe taxi bằng điện thoại thông minh như Uber. Tài xế tham gia Uber có thể bị phạt tới 500 USD. Tuy nhiên, đến tháng 12/2015, lệnh cấm đã được bãi bỏ và Uber tiếp tục hoạt động bình thường.

Câu chuyện quản lý hoạt động của Uber - Grab hiện là vấn đề hóc búa đối với nhiều quốc nào trên thế giới. Sự phát triển nở rộ của mô hình chia sẻ xe tuy mang đến nhiều hệ lụy nhưng không thể phủ nhận lợi ích kinh tế to lớn mà nó mang lại cho người tiêu dùng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng thay vì tìm cách loại bỏ, diệt trừ Uber, GrabCar, các nhà quản lý nên tìm những phương án để hài hòa lợi ích các bên. Anh Mukjriz - lái xe taxi 10 năm kinh nghiệm ở Malaysia nói: “Bên cạnh các chính sách pháp lý từ chính phủ, cải thiện chất lượng là cách duy nhất để taxi truyền thống đưa sân chơi trở lại thế cân bằng, thay vì cố gắng tẩy chay Uber hay Grab. Taxi truyền thống cần phải cải thiện độ an toàn, cung cấp những chính sách giá linh hoạt hơn chứ không nên áp một mức giá chung cho mọi thời điểm, tung ra những gói khuyến mãi, đa dạng hóa phương thức thanh toán điện tử và tăng cường ứng dụng công nghệ cao”

Ý kiến của bạn

Bình luận