Chót "phải lòng" thì phải yêu đến cùng

Tác giả: Hữu Minh

saosaosaosaosao
Xã hội 21/06/2016 15:12

Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi và lũ bạn vẫn thường bàn luận về câu nói “Mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc” mà những người thầy tâm huyết lấy đó làm bài học “vỡ lòng” cho những sinh viên năm đầu. Cũng nghe, cũng thấu đôi phần và thấy chuyện làm theo câu nói đó chẳng khó khăn gì... Nhưng khi bước vào nghề, chúng tôi mới thấy nghề báo làm tốt được câu nói đó đã là một kỳ tích.

MJM_7028_11
PV Hữu Minh nhận giải Nhất viết về ATGT năm 2015

Cần phải khẳng định rằng dù làm bất cứ ngành nghề nào đi chăng nữa thì tuổi trẻ luôn là một lợi thế, đặc biệt với nghề báo thì lại càng cần nhiệt huyết đó. Cái lợi của tuổi trẻ chính là sức trẻ, đam mê và thích khám phá. Trong khi đó, nghề báo rất cần sự dấn thân “nghe tận tai, nhìn tận mắt” thì mới có được thông tin chính xác, khách quan, trung thực. Vì thế, người làm báo trẻ cần phải “xách ba lô lên và đi” để khám phá, tìm tòi những đề tài có tính dân sinh.

Tuổi trẻ, kinh nghiệm tác nghiệp chưa nhiều nên khi dấn thân để tìm hiểu một đề tài nào đó, đặc biệt là đề tài nhạy cảm thì cần phải có một cái đầu “lạnh”. Khi dấn thân vào một môi trường xa lạ về mọi mặt thì điều đặt ra với những người làm báo trẻ là phải hiểu mình đang làm điều gì? Lợi ích cho ai? Cân nhắc lợi và hại cái nào hơn? Bởi quan điểm mà người làm báo trẻ cần phải ghi nhớ chính là sự khách quan, trung thực, lợi ích trước sau khi bài báo của mình được đăng lên.

Tôi đến với nghề báo bởi một chữ “duyên”. Ban đầu khi bước vào giảng đường đại học, tôi có những suy nghĩ “màu hồng” về nghề báo là được đi nhiều nơi, đưa thông tin đến nhiều người và được nhiều người biết đến.

Có lẽ vì thế, những ngày đầu bước vào nghề, hành trang của tôi là một lượng lý thuyết trau dồi và kèm theo vài bài báo nhàn nhạt được tích góp trong suốt 4 năm “mài đũng quần” trên giảng đường. Chỉ có vậy thôi, tôi đi tìm kiếm một công việc đúng ngành nghề mà tôi đã và đang theo đuổi... Nhưng, có lẽ hành trang của tôi còn đơn sơ quá! Ngày ấy, tôi không thể tìm được một việc làm đúng với điều mong mỏi bấy lâu. Tôi nhận ra, muốn làm báo cần phải trải nghiệm và học hỏi thực tiễn nhiều hơn nữa.

Dấn thân vào nghề thực sự tôi mới hiểu nghề báo gian nan hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu. Làm báo đồng nghĩa phải có bản lĩnh, tư tưởng, lập trường vững vàng và đôi mắt tinh tế.

DSC_2416-01_11
PV Lê Minh trong một lần tác nghiệp tại QL21B

Tôi vẫn nhớ rõ những ngày tháng tập làm nghề, tôi chọn ngay một đề tài điều tra. Đó là khi tôi trở thành một kẻ “vật vờ”, tìm cách thâm nhập vào đường dây mua bán giấy chứng nhận nhân đạo. Một mình đơn độc tìm cách đối phó với cả hệ thống với nhiều mắt xích chằng chịt, rồi những lần dò xét lai lịch khiến tôi đổ mồ hôi hột... Càng khó khăn tôi càng thấy yêu nghề hơn và quyết tâm theo đuổi sự việc đến cùng. Khi những bài viết vạch trần thủ đoạn của những kẻ bất lương lên mặt báo, tôi vỡ òa hạnh phúc được đóng góp công sức vào việc giải cứu những số phận khốn khổ bị khống chế, chèn ép... Nghề báo là nghề gian khó nhưng cũng như tình yêu, đã chót “phải lòng” thì phải yêu đến cùng.

Cũng phải nói rằng, những người anh, người chị, những đồng nghiệp tốt đã hun đúc thêm ngọn lửa yêu nghề trong tôi. Đó là những tấm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất để giữ vững lập trường, không “bẻ cong” ngòi bút.

Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm khi “lang thang” trong đêm để làm sáng tỏ việc hàng nghìn lượt xe đi ngược quốc lộ trong đêm để tránh trạm thu phí, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và thất thoát ngân sách nhà nước. Để tiếp cận và ghi lại được tư liệu gửi đến bạn đọc, tôi và một đồng nghiệp đã vượt qua những lớp “bảo kê” vốn là dân xã hội cộm cán. Sau nhiều ngày tác nghiệp, tôi đã nắm được rõ thời điểm, hành trình và hoạt động, đủ tư liệu để đưa sự việc ra ánh sáng. Tuy nhiên, khi vừa rút khỏi hiện trường, pô xe của tôi bị hỏng không thể chạy nhanh được, tiếng nổ ầm ầm khiến một tên “bảo kê” phát hiện và truy đuổi theo chúng tôi... Khi bị chặn đầu xe, tôi hơi bất ngờ nhưng cũng kịp trấn an bản thân, tìm cách thoát hiểm. Cũng may, chiếc pô xe hỏng lại chính là lý do giúp tôi phân trần cho sự xuất hiện của mình để rồi thoát khỏi sự nghi ngờ và trở về nhà an toàn.

Một lần khác, khi tôi viết tuyến bài về xe cóc, bến dù đã đụng chạm đến quyền lợi của một số doanh nghiệp vận tải. Tôi liên tục bị “khủng bố” tinh thần từ những lời đe dọa của nhiều số điện thoại lạ... Nhưng với niềm tin vào pháp luật, tôi không hề sợ hãi trước những lời nạt nộ đó, trái lại nó lại còn khiến tôi có thêm dũng cảm quyết đưa sự việc ra ánh sáng công luận.

Cũng từ những va chạm thực tế với nghề, dù thời gian làm báo chưa nhiều nhưng tôi đã được trau dồi những kinh nghiệm để sống với niềm đam mê của mình. Đó là khi phát hiện ra một đề tài cần tìm hiểu kỹ các thông tin, các vấn đề xung quanh có liên quan đến đề tài mình đang triển khai, trang bị vốn kiến thức, sự am hiểu nhất định về vấn đề mình sắp triển khai là một điều vô cùng quan trọng với người mới vào nghề báo.

Khi tiến hành tác nghiệp, tùy từng đề tài ta có thể sử dụng các phương thức khác nhau. Ví như những đề tài cần có tính điều tra, để lấy được thông tin bắt buộc phải dấn thân, nhập vai. Nhưng điều quan trọng cần phải ghi nhớ là đạo đức nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi vẫn cố gắng giữ sự khách quan nhất có thể, không có hành động làm theo sự việc xảy ra theo chủ quan của mình.

Về việc chinh phục và theo đuổi đề tài, có thể nói trong cuộc đời người làm báo có những đề tài chỉ cần tìm hiểu một thời gian ngắn là có thể xây dựng được bài viết. Nhưng có những đề tài cần rất nhiều thời gian và công sức. Vì thế, những người làm báo trẻ cần phải có tính kiên trì, không vội vã, quy kết khi đề tài mình triển khai chưa sâu xa. Đặc biệt, không nên nghĩ nhiều về sự thiệt hơn khi triển khai một đề tài hay, một đề tài tâm đắc

Ý kiến của bạn

Bình luận