Chống buôn bán trái phép các tài sản văn hoá

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Xã hội 21/12/2015 14:11

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế và xã hội trong khu vực, sự mở rộng nhanh chóng của thị trường nghệ thuật, đặc biệt là trên Internet đã làm gia tăng nhu cầu mua các hiện vật văn hoá.

kienthuc-ebay-02_hrqh
Một con dao bằng đồng có từ thời kỳ Hùng Vương được rao bán với giá 149 USD. Ảnh: Internet.

Vấn nạn " chảy máu" cổ vật

Việc ngăn chặn tình trạng thất thoát, chống buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá luôn diễn ra gay go, phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thể thao- Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết, tình trạng thất thoát cổ vật ở Việt Nam từ thế kỷ 19 đến nay có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, các nguyên nhân do chiến tranh, đào bới trái phép các di sản khảo cổ học, lấy cắp cổ vật trong các di tích như đình, chùa, miếu mạo …là chủ yếu. Hầu hết các hiện vật này bị mua bán ở trong nước cũng như xuất khẩu trải phép ra nước ngoài.

Trong đó, các tư liệu lịch sử đã được ghi chép lại một vài trường hợp thất thoát cổ vật ở Cố đô Huế. Cụ thể, ngày 5/7/1885, khi tấn công vào kinh đô Huế, đội quân Pháp đã lấy đi rất nhiều những gì quý báu nhất. Linh mục Pere Siefert, người chứng kiến sự kiện này đã ghi lại “ Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng bạc”, “ 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ…Tại các tôn miếu thờ các nhà vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ… đều bị lấy đi. 

Đặc biệt, gần đây nhất là vụ mất cắp cổ vật quý, có niên đại lâu đời tại chùa Nền, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.  Những người dân tại đây vô cùng bức xúc khi các cổ vật từ sắc phong, các pho tượng Phật cổ bằng đồng cho đến cả bát hương cổ đều không cánh mà bay. Theo những người dân ở đây, trước đây 4 bức tượng cổ bằng đồng đen cùng với 5 bức tượng gỗ được gắn trong một vòng tròn lớn đặt tại vị trí cố định nhưng không hiểu sao tất cả lại biến mất.

Những năm qua, việc thất thoát, buôn bán xuất nhập khẩu trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá đã trở thành vấn đề quốc tế, được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Trong đó, Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá và các Công ước liên quan khác về lĩnh vực này như Công ước UNIDROIT 1995 là những công cụ pháp lý quốc tế quan trọng để các quốc gia thành viên trên thế giới cùng hợp tác với nhau giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên cho đến bây giờ tình trạng buôn bán trái phép hiện vật văn hoá vẫn diễn ra rất phức tạp, bà Liên nhấn mạnh.

Thế giới chung tay bảo vệ

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế và xã hội trong khu vực, sự mở rộng nhanh chóng của thị trường nghệ thuật, đặc biệt là trên Internet đã làm gia tăng nhu cầu mua các hiện vật văn hoá và vì thế đã làm gia tăng nguy cơ buôn bán trái phép các hiện vật văn hoá có nguồn gốc từ các quốc gia chưa có đầy đủ các biện pháp phòng chống.

Trong bối cảnh đó, UNESCO đã tổ chức một loạt các hội nghị chuyên đề dành cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương để nâng cao nhận thức của những tổ chức và các bên xã hội dân sự có liên quan. Trong đó, tháng 11/2014, tại Bangkok, Thái Lan, UNESCO đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Tiểu vùng về chống lại nạn buôn bán trái phép Di sản văn hoá.

Ngày 15/12 vừa qua hội thảo, tập huấn “Nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa: ngăn chặn, hợp tác và thu hồi/hoàn trả” vừa được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam có sự tham gia của cán bộ văn hóa, hải quan, công an và bảo tàng từ Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam đã cung cấp những hướng dẫn cho việc phê chuẩn và thực hiện Công ước 1970, 1995 và nhấn mạnh những hoạt động chống lại việc buôn bán trái phép các tài sản văn hóa ở Đông Nam Á. Hội nghị lần này được xây dựng dựa trên hội nghị chuyên đề được tổ chức năm ngoái tại Bangkok và nhằm tiếp tục ủng hộ việc phê chuẩn Công ước năm 1970 của UNESCO về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển nhượng trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá và Công ước UNIDROIT 1995 về tài sản văn hoá bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép cũng như cung cấp những hướng dẫn chi tiết để thực hiện hiệu quả những văn kiện này.

Tại buổi tập huấn, đại diện Cục di sản văn hoá cũng như các cơ quan khác nhau có vai trò, trách nhiệm trong vấn đề này đã trình bày một cách chi tiết những gì Việt Nam đã triển khai trong các năm qua, cũng như những cố gắng, những thành tựu, tồn tại và nảy sinh trong thực tiễn sinh đông của quá trình thực thi nhiệm vụ khó khăn này.

Đồng thời, các giảng viên đến từ UNESCO và các tổ chức quốc tế có nhiều trong lĩnh vực này đã trình bày, hướng dẫn những công cụ cần thiết, kinh nghiệm hợp tác quốc tế quý báu và thực tiễn, những ví dụ điển hình trên thế giới đã thành công trong hoạt động ngăn chặn tình trạng thất thoát, buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép tài sản văn hoá. Những nội dung thiết thực này sẽ giúp cho các đại biểu, học viên cùng nhau nghiên cứu, thảo luận và tìm ra cơ chế hợp tác hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn tình trạng này trên bình diện quốc tế nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Ý kiến của bạn

Bình luận