Chỉ trưng dụng phương tiện để phục vụ lợi ích chung

Ý kiến phản biện 20/02/2016 06:00

Chỉ trưng dụng phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ lợi ích chung, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định.

Ngày 15/2/2016, Thông tư số 01/2016/TT-BCA (Thông tư số 01) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát (TTKS) giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT) có hiệu lực. Khoản 6, Điều 5 của Thông tư quy định về quyền hạn của lực lượng CSGT được trưng dụng các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đó theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhân dân và tạo điều kiện cho lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, TTATXH, phối hợp đấu tranh trấn áp tội phạm.

Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến băn khoăn, lo ngại việc lạm quyền của lực lượng CSGT này khi làm nhiệm vụ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đã làm rõ một số nội dung xung quanh quy định này trên Báo CAND.

Chỉ trung dụng phương tiện để phục vụ lo
Ảnh minh họa

Không trái luật

Trước hết về cơ sở để ban hành Thông tư số 01, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh cho biết, Thông tư số 01 được ban hành căn cứ vào Luật Công an nhân dân năm 2014; Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Trong quá trình xây dựng Thông tư: Về thủ tục đã tuân thủ đúng theo Luật ban hành văn bản và quy phạm pháp luật, về nội dung đã kế thừa các văn bản trước đây và lấy ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương.

Sau khi Thông tư được ban hành, còn có ý kiến cá nhân cho rằng Thông tư trên chưa phù hợp với quy định của pháp luật, Cục CSGT đã cùng với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) về tính hợp hiến, hợp pháp bảo đảm tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật và đã thống nhất khẳng định Thông tư số 01 không trái với quy định của pháp luật.

Về quy định trưng mua, trưng dụng tài sản, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh nêu rõ: Việc trưng dụng phải theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Luật này quy định khi trưng mua, trưng dụng tài sản phải có quyết định của Bộ trưởng, cụ thể ở đây là Bộ trưởng Bộ Công an.

Như vậy, Thông tư số 01 chỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân đã được quy định trong Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, còn các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, nguyên tắc, thủ tục trưng dụng đã được quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.

Huy động phương tiện trong tình huống cấp bách

Trả lời câu hỏi, trường hợp khi giải quyết các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, ngăn chặn, truy bắt tội phạm và cứu hộ, cứu nạn trong khi CSGT không đủ phương tiện, thiết bị để giải quyết thì CSGT phải làm gì? Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh nêu rõ: Tại Khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân quy định cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi thi hành nhiệm vụ được phép huy động phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.

Theo quy định tại Điều 13 Luật Công an nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Điều 38, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông cũng đã quy định rõ, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải dừng ngay phương tiện; giữ hiện trường; cấp cứu người bị nạn... Người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn, báo tin cho cơ quan chức năng; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu…

Như vậy trong tình huống cấp bách, cấp thiết để kịp thời cấp cứu người bị nạn, truy bắt tội phạm… thì CSGT đề nghị hoặc yêu cầu sử dụng phương tiện, người sử dụng, người điều khiển phương tiện đó của cơ quan, tổ chức, người tham gia giao thông đi trên đường để cấp cứu người bị nạn, giải tỏa ùn tắc giao thông, truy bắt tội phạm, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy…

Nếu người được huy động là người gây tai nạn giao thông, người có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có người bị thương mà không thực hiện trách nhiệm chở người bị thương đi cấp cứu thì có thể xử lý theo quy định của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về hành vi người điều khiển xe liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn hoặc Điều 102 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung theo Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016) về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Ví dụ, khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, phát hiện vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có người chết và một số người bị thương, một người hoặc một tổ công tác không thể đủ con người, phương tiện để cấp cứu, giúp đỡ nhiều người bị nạn cùng một lúc; như vậy, với trách nhiệm trước nhân dân bắt buộc phải đề nghị những người tham gia giúp đỡ người bị nạn, gọi cứu thương, huy động phương tiện đưa người bị nạn đi cấp cứu, hỗ trợ bảo vệ hiện trường... hoặc khi phát hiện đối tượng phạm tội cướp, cướp giật… đang tẩu thoát, nếu chạy bộ thì cán bộ CSGT không thể đuổi kịp bắt giữ đối tượng, cần phải huy động phương tiện của người đi đường, nhờ người đó chở mình đuổi theo bắt đối tượng phạm tội… Để đạt được kết quả trên rất cần sự giúp đỡ, hợp tác của người tham gia giao thông.

Không thể trưng dụng tùy tiện

Có người lo ngại rằng CSGT sẽ lạm quyền trưng dụng phương tiện khi người dân phát hiện sai phạm của mình. Ví dụ, khi người dân phát hiện, quay lại hình ảnh cán bộ chiến sĩ CSGT nhận hối lộ, họ quay lại hình ảnh trên nhưng cán bộ chiến sĩ đó lại sử dụng quyền trưng dụng phương tiện để xoá hình ảnh đó nhằm tránh trách nhiệm. Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh khẳng định: Theo quy định của pháp luật, việc trưng dụng phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, vì vậy không thể thực hiện việc trưng dụng phương tiện một cách tùy tiện và tràn lan.

Khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân quy định cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi thi hành nhiệm vụ được trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó… Như vậy, khi CSGT trưng dụng thì người dân vẫn sử dụng phương tiện của mình.

Cụ thể, CSGT trưng dụng điện thoại của người dân để gọi cấp cứu, thì chính người có điện thoại gọi; hoặc trưng dụng mô tô, xe máy, ô tô đưa người bị nạn đến bệnh viện, đuổi bắt tội phạm... thì cũng chính người có tài sản dùng phương tiện đó để thi hành nghĩa vụ trưng dụng. Trong trường hợp CSGT phải trưng dụng phương tiện của công dân, trực tiếp mình sử dụng (chẳng hạn tự điều khiển phương tiện để bắt giữ tội phạm) nếu làm hư hỏng, mất mát phải bồi thường theo pháp luật.

Cùng nhau xây dựng môi trường giao thông an toàn

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh cho biết thêm, trong thực tiễn việc huy động phương tiện của người dân để cấp cứu người bị nạn, truy bắt tội phạm đã đem lại hiệu quả thiết thực.  

Cụ thể là, nhờ sự giúp đỡ, cộng tác của nhân dân và người tham gia giao thông, hàng nghìn trường hợp người bị thương do tai nạn giao thông đã được đưa đi cấp cứu kịp thời, hàng nghìn gia đình thoát khỏi cảnh li tán, chia lìa. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân, CSGT đã bắt giữ hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, trong đó có những đối tượng đặc biệt nguy hiểm để truy tố, xét xử trước pháp luật.

Ví dụ điển hình như: Vụ TNGT do xe khách rơi xuống vực sâu tại khu vực K19, xã Tòng Sảnh, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đêm 1/9/2014 khiến nhiều người chết và bị thương. Nhờ sự giúp đỡ của 16 thanh niên đang đi du lịch qua địa điểm xảy ra tai nạn, đã dùng các phương tiện, thiết bị mang theo, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng xuống vực sâu để cứu người bị nạn, hạn chế số người tử vong.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân có thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp cộng tác với Công an khi TNGT xảy ra, bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn, chỉ đứng xem, thậm chí quay, chụp lại hình ảnh để đưa lên mạng xã hội. Ví dụ như: Vụ xe taxi bị rượt đuổi dẫn đến việc gây tai nạn cho nhiều người trên cầu vượt Thái Hà, Hà Nội tối 8/11/2015. Tại thời điểm trên, có rất nhiều người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn nhưng đa số chỉ đứng xem, rồi quay phim lại chứ không cứu giúp người bị nạn.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh đề nghị nhân dân khi tham gia giao thông trước hết phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, các quy tắc, chỉ dẫn giao thông; có trách nhiệm cấp cứu người bị nạn khi có trường hợp TNGT xảy ra, chủ động phối hợp, giúp đỡ cơ quan chức năng truy bắt tội phạm, cứu hộ, cứu nạn… để cùng nhau xây dựng một môi trường giao thông an toàn, góp phần xây dựng xã hội và bản thân, gia đình tốt đẹp hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận