Chậm cấp phép mỏ vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 07/07/2023 09:33

Hiện nay, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu qua tỉnh Phú Yên vẫn còn chậm và kéo dài, nhiều nhà thầu đã nộp hồ sơ lần đầu từ ngày 13/3/2023 nhưng đến nay vẫn chưa thể khai thác cát đắp cho dự án.

Ngày 6/7, Tổ công tác số 2 của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm tổ trưởng đã đi kiểm tra hiện trường cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác cấp mỏ vật liệu phục vụ dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh.

 Thủ tục rườm rà, kéo dài 

Tại tỉnh Phú Yên, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua 24 xã, phường, thị trấn thuộc 6 địa phương: thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, thành phố Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa và thị xã Đông Hòa. Tổng chiều dài dự án là 90,122km được triển khai với 2 dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong.

Cấp phép mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc Nam qua Phú Yên vẫn chậm  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT cùng tổ công tác kiểm tra khu vực thi công cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong

Theo Ban QLDA 7 (chủ đầu tư dự án Chí Thạnh - Vân Phong), đơn vị đã cung cấp các thông tin mỏ cần sử dụng (bao gồm trữ lượng, nhu cầu sử dụng,...) cho Sở TN&MT Phú Yên từ ngày 05/01/2023. Đồng thời cung cấp thông tin các nhà thầu thực hiện công tác khai thác mỏ từ ngày 06/01/2023. Đến tháng 3/2023, các nhà thầu lần lượt nộp hồ sơ đến Sở TN&MT, nhưng đến nay sau nhiều tháng, nhà thầu vẫn chưa chính thức được khai thác vật liệu phục vụ thi công dự án. 

Nguyên nhân do trình tự thủ tục khai thác mỏ cung cấp vật liệu cho dự án trải qua nhiều bước, trong đó chỉ tính riêng bước 2 lập hồ sơ đăng ký công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, đánh giá tác động môi trường, hoàn thành các thủ tục tài chính (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, lệ phí theo quy định,... kéo dài khoảng 45 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, dự thảo chi tiết về thời gian giải quyết hồ sơ mỏ vật liệu cao tốc đối với khu vực mỏ bổ sung mới sau khi đã được duyệt quy hoạch khoáng sản không đấu giá thì thời gian dự kiến là 5 tháng (không kể thời gian lập quy hoạch khoáng sản). Thủ tục này cũng kéo dài đến 9 bước, trong đó bước 9 gồm hồ sơ thuê đất có thủ tục kéo dài đến 2 tháng. 

Tại khu vực mỏ cát Phước Mỹ Đông, đây là khu vực bãi bồi nằm bên cạnh sông Đà Rằng. Hiện nay, các nhà thầu đang thi công mố trụ cầu Đà Rằng, tuy nhiên phần xử lý nền đất yếu lại không có cát đắp gia tải. Trong khi đó, mỏ cát tại đây vẫn còn vướng thủ tục và không thể khai thác kéo theo việc thi công các gói thầu bị ảnh hưởng. 

Cấp phép mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc Nam qua Phú Yên vẫn chậm  - Ảnh 2.

Khu vực mỏ cát Phước Mỹ Đông

Đại diện liên danh gói thầu xây lắp XL02 chia sẻ, việc chậm cấp phép mỏ cát Phước Mỹ Đông do Sở TN&MT lúng túng trong việc hướng dẫn các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ để làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay, Sở TN&MT tỉnh Phú Yên đang có một số luồng ý kiến về thủ tục đất đai đối với mỏ vật liệu giao cho nhà thầu khai thác. 

Trong đó, có ý kiến đề nghị đối với trường hợp đất do Nhà nước quản lý (mỏ cát bãi bồi, lòng sông) thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu phải thực hiện thủ tục này thì thời gian được phép khai thác mỏ cát dự kiến kéo dài thêm khoảng 3 tháng. 

Không nộp hồ sơ nâng công suất 

Trước những kiến nghị của nhà thầu và Ban QLDA, đại diện Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cho biết, ngày 01/7/2022 UBND tỉnh có Công văn số 3266/UBND-ĐTXD về việc nội dung liên quan đến mỏ VLXD, vị trí đổ thải và đường vận chuyển phục vụ dự án cao tốc và Công văn số 1334/UBND-ĐTXD ngày 28/3/2023 về việc giới thiệu bổ sung điểm mỏ.

Cấp phép mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc Nam qua Phú Yên vẫn chậm  - Ảnh 3.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Phú Yên báo cáo tại buổi làm việc

Theo đó, UBND tỉnh đã giới thiệu 29 điểm mỏ khoáng sản (cát, đất, đá) làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh để Ban QLDA7 và Ban QLDA85 khảo sát, lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Trong đó, đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh 13 mỏ và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong 20 mỏ.

Trên cơ sở đó, Sở TN&MT cũng đã có 3 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Ban quản lý và các nhà thầu thi công để lập hồ sơ, thủ tục khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù. Đối với các mỏ VLXD đang khai thác, Sở đã có 2 văn bản đề nghị, đôn đốc nhà thầu thi công liên hệ, làm việc với các chủ mỏ để trao đổi và ký văn bản cam kết về việc cung cấp vật liệu cho dự án, làm cơ sở để xem xét, nâng công suất khai thác. 

Đến nay, chưa có đơn vị nào có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị nâng công suất. Tỉnh cũng thành lập Đoàn thanh tra trách nhiệm công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường; việc lập, đăng ký giá, thẩm định và công bố giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Đoàn thanh tra đã tiến hành làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến công tác cấp phép, công bố giá VLXD, đồng thời kiểm tra, làm việc với các đơn vị được cấp phép khai thác về việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. 

Cấp phép mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc Nam qua Phú Yên vẫn chậm  - Ảnh 4.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng khẳng định, việc chưa khai thác được mỏ vật liệu do vướng thủ tục về đất đai. Ngay trong cuộc họp lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở ban ngành cần giải trình và thống nhất bỏ thủ tục đấu giá đất.

"Trách nhiệm của tỉnh Phú Yên là phải luôn phối hợp với các đơn vị hoàn thành công tác GPMB, sớm đẩy nhanh khu tái định cư. Về quy trình thủ tục cấp mỏ vật liệu UBND tỉnh Phú Yên sẽ đôn đốc các sở ngành sớm hoàn thành việc cấp mỏ", ông Hổ nói.

Đề nghị địa phương sớm phê duyệt các thủ tục 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị UBND tỉnh và Sở TN&MT sớm phê duyệt các thủ tục để nhà thầu khai thác được cát, đồng thời kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu. 

“Hôm nay, tổ công tác làm việc tại địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh các quy trình thủ tục. UBND tỉnh Phú Yên cần chỉ đạo Sở TN&MT xem xét cách làm, các thủ tục nào có thể bỏ qua trong cơ chế đặc thù thì nên rút ngắn. Đồng thời làm rõ trình tự thủ tục, các bước cũng như thời gian thuê đất ra sao?”, Thứ trưởng nói. 

Cấp phép mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc Nam qua Phú Yên vẫn chậm  - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên

Đồng thời, lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA có trách nhiệm theo sát dự án và các nhà thầu, lựa chọn phương án phù hợp để đẩy nhanh công tác cấp mỏ tại địa phương. 

Hiện nay, mỗi địa phương đang có các cách làm khác nhau, do đó trong thời gian tới cần phải cập nhật lại và có sự thống nhất về các quy trình thủ tục và các quy định về việc cấp mỏ.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thể hiện sự lo lắng khi thời gian tới khu vực thi công sẽ rơi vào mùa mưa lũ. Đặc biệt, sông Đà Rằng sẽ bị ngập hoàn toàn ở khu vực bãi bồi. Khi đó nếu thủ tục được cấp phép thì nhà thầu cũng không thể khai thác, vận chuyển, cũng như thi công tại công trường. 

Bên cạnh đó, địa bàn huyện Tuy An không còn đất phù hợp để làm bãi thải (Ban QLDA7 và địa phương sở, ngành đã kiểm tra khảo sát nhiều lần) nên việc điều chỉnh thay thế vị trí khó thực hiện. Ban QLDA7 đã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng để đưa 3 khu đất tỉnh đã bổ sung vào quy hoạch phục vụ khai thác.

Do đó tổ công tác cũng sẽ xem xét hướng dẫn trình tự thủ tục về rừng, đất rừng, thủ tục về đất đai (thỏa thuận với người dân), phương án xử lý bàn giao, hoàn trả bãi thải sau khi hoàn thành dự án để thuận lợi cho các bên, đảm bảo không trái quy định của pháp luật.       



Ý kiến của bạn

Bình luận