Quản lý, vận hành trạm dừng nghỉ trên cao tốc - (Bài 1): Cấp thiết nhu cầu, thực tiễn đòi hỏi

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 14/07/2023 09:10

Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng được đầu tư xây dựng hiện đại thì nhu cầu về các dịch vụ tiện ích như trạm dừng nghỉ cũng ngày càng trở nên cấp thiết. Sự xuất hiện các trạm dừng nghỉ trên cao tốc góp phần nâng chất lượng vận tải đường bộ, đồng thời tăng hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự, ATGT.


Cấp thiết nhu cầu trạm dừng nghỉ trên cao tốc - Ảnh 1.

Trạm dừng nghỉ V52 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Xóa hình ảnh "cơm tù - cơm nhốt"

Ở nước ta, khái niệm trạm dừng nghỉ đường bộ được biết đến vào năm 2009 khi loại hình này được đưa vào sử dụng. Các trạm này được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, mỗi trạm giá trị khoảng 10 tỷ đồng, trong đó JICA tài trợ không hoàn lại 250 ngàn USD, đó là: Trạm dừng nghỉ Song Khê tại km120 QL.1, Trạm dừng nghỉ Ninh Bình tại km276 QL.1 và Trạm dừng nghỉ Hòa Bình tại km102+400 QL.6. Các trạm dừng nghỉ này xây dựng theo mô hình của JICA, cung cấp cho lái xe, hành khách dịch vụ vệ sinh, thông tin về hướng tuyến, ngồi nghỉ miễn phí.

Có thể nói, sự xuất hiện các trạm dừng nghỉ đã làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về trạm dừng nghỉ đường bộ từ góc độ quản lý, doanh nghiệp, lái xe và hành khách. Còn trước đó, các trạm dừng nghỉ trên các tuyến QL.1, QL.5, QL.20, QL.51... là do tư nhân tự mở để kinh doanh quán cơm, rồi biến tướng trở thành "cơm nhốt", "cơm tù" một thời là nỗi ám ảnh của bao hành khách.

Ông Hứa Trung Thành - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Trung Thành - Lào Cai cho biết: "Do nhu cầu công việc phải di chuyển liên tục từ Lào Cai về Thanh Hóa với quãng đường hơn 700 km nên tôi phải ghé tối thiểu 3 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình trong một chuyến đi. Với quãng đường này, tôi phải di chuyển hơn 14 tiếng, trong đó mỗi trạm dừng nghỉ tối thiểu phải dừng vệ sinh, ăn uống mất 1 giờ đồng hồ. Chưa kể những lúc di chuyển vào ban đêm, chúng tôi phải đưa xe vào trạm dừng nghỉ để ăn bát mỳ, tô bún rồi tranh thủ vào xe nằm nghỉ để tiếp tục hành trình. Trước đây, khi chưa có đường cao tốc, với quãng đường này tôi phải di chuyển mất 2 ngày, chưa kể đến những bất tiện về ăn nghỉ dọc đường.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, anh Lê Đức Thọ - lái xe container đông lạnh thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải Thành Minh (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: "Với đặc thù vận chuyển hàng lạnh yêu cầu về thời gian giao hàng nên hành trình của chúng tôi ưu tiên lựa chọn lưu thông trên cao tốc. Mặc dù các dịch vụ không phong phú, đa dạng như QL.1 nhưng bù lại các trạm dừng nghỉ có thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Khi vào trạm, hàng hóa của chúng tôi được bảo đảm an toàn. Bên cạnh những nhu cầu thiết yếu, các trạm dừng nghỉ rất sạch sẽ, thoáng đãng, văn minh, điểm dừng nghỉ phù hợp với lộ trình di chuyển.

An toàn và hiệu quả

Mặc dù được thiết kế 3 trạm dừng nghỉ trên tuyến, nhưng sau gần 5 năm đưa vào khai thác, đến nay, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa có trạm dừng nghỉ nào được đầu tư xây dựng để phục vụ người dân, phương tiện khi lưu thông trên cao tốc. Đơn cử như trường hợp của lái xe Trần Đình Tú (ngụ tại TP. Đà Nẵng). Mới đây khi anh Tú điều khiển ô tô tải BKS 92C-009.xx qua trạm thu phí Túy Loan (thuộc tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) được 10 km chuẩn bị qua trạm thu phí Phong Thử thì bất ngờ gãy trục. Anh Tú cố đánh lái vào làn khẩn cấp, di chuyển đến gần nút Phong Thử để sửa chữa. Do khu vực không có điểm dừng nghỉ, kiểm tra kỹ thuật xe nên tài xế cho dừng đỗ ngay trên vị trí vạch liền phần chuyển nhập làn. "Từ 21h30 đến hơn 23h30, tôi không thể liên hệ được thợ đến hiện trường để cứu hộ, khắc phục sự cố. Sau đó, lực lượng CSGT tuần tra trên tuyến còn chạy tới làm khó cho rằng dừng đỗ không đúng nơi quy định trên cao tốc", tài xế Trần Đình Tú chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (Nhà xe Sao Việt) cho rằng, quy định của các trạm dừng nghỉ phải đảm bảo các tiêu chí, phục vụ khách như: hệ thống cấp nhiên liệu, sân bãi đỗ, mua sắm, khu vực ăn uống, thậm chí có cả khu vực lưu trú. Xe Sao Việt chúng tôi chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai luôn có 2 tài xế, mỗi khi vào trạm dừng nghỉ, lái xe được nghỉ 15 - 20 phút, trong thời gian này sẽ tiếp nhiên liệu, kiểm tra xe, ăn uống nhẹ rồi đổi lái tiếp tục lộ trình. "Pháp luật quy định nghiêm cấm xe ô tô đỗ, dừng trên cao tốc, việc trên tuyến có các trạm dừng nghỉ thật hữu ích cho cánh tài xế chúng em. Trong cả hành trình dài, không chỉ lái xe mà cả hành khách được nghỉ ngơi, ăn uống, vệ sinh cá nhân, góp phần đảm bảo ATGT", một tài xế của hãng xe Sao Việt bộc bạch.

Anh Nguyễn Tất Thắng - lái xe đầu kéo trên tuyến Bắc - Nam, thuộc Hợp tác xã Vận tải Nam Việt cho biết, lái xe trên cao tốc nhàn hơn rất nhiều so với hành trình trên QL.1 bởi lưu lượng xe ít hơn, thao tác xử lý ít hơn và quan trọng là đi đúng tốc độ, làn đường. "Trước đây, sau mỗi chặng, chúng tôi phải tìm những trạm xăng dầu, trạm thu phí để ngủ lấy lại sức thì hiện nay anh em lựa chọn vào các trạm dừng nghỉ để nghỉ ngơi, kiểm tra phương tiện, thật sự rất tiện lợi", anh Thắng nói.

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Interbusline thông tin: "Từ Hà Nội lên Lào Cai hơn 300 km, lái xe bắt buộc phải đổi tài, đổ thêm nhiên liệu, kiểm tra lốp và hệ thống an toàn... Đây là những điều kiện cần và đủ để lái xe của chúng tôi thực hiện những chuyến xe "đi đến nơi - về đến chốn". Để thực hiện những việc này, Công ty chúng tôi yêu cầu lái xe phải vào các trạm dừng nghỉ, đồng thời cũng để cho hành khách sử dụng dịch vụ của các trạm dừng nghỉ giúp hành khách có tâm lý thoải mái, tăng sự tương tác giữa hành khách với nhà xe và dịch vụ trên đường".

Ở góc độ nhà đầu tư, anh Phan Lạc Hiếu - lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh - đơn vị đang quản lý và khai thác trạm dừng nghỉ km227 cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết, các trạm dừng nghỉ cung cấp cho lái xe và hành khách những nhu cầu thiết yếu miễn phí như vệ sinh cá nhân, chỗ đậu xe, chỗ ngồi nghỉ. Ngoài ra, lái xe cần nhu cầu về sửa chữa, nạp nhiên liệu trạm đều có thể cung ứng, còn hành khách có thể lựa chọn những đặc sản của vùng miền, địa phương để ăn tại chỗ hoặc mua về làm quà.

"Hiện nay, doanh thu từ trạm dừng nghỉ Cầu Giẽ khá ổn định. Chúng tôi cũng đang tham gia dự thầu một số trạm dừng nghỉ trên cao tốc khu vực phía Nam, bởi đây là một lĩnh vực kinh doanh mới, khá hấp dẫn. Nếu có cơ hội, chúng tôi sẵn sàng đầu tư để mở rộng theo chuỗi các dịch vụ từ cung ứng xăng dầu, thương mại, dịch vụ... Điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư như chúng tôi chính là lưu lượng phương tiện trên tuyến, đặc biệt là gắn với các tỉnh có biển, danh thắng để chúng tôi tính đến bài toán kinh doanh lâu dài", anh Hiếu nêu tiêu chí.

Được biết, hiện nay có nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài quan tâm đến đầu tư vào các trạm dừng nghỉ trên cao tốc, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông đang được gấp rút hoàn thành.