Quản lý, vận hành trạm dừng nghỉ trên cao tốc- (Bài 4):Làm gì để hình hài mạng lưới trạm dừng nghỉ xứng tầm, hiện đại?

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 19/07/2023 12:11

Quy hoạch mạng trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam hiện đang được thực hiện. Theo đó, số lượng, quy mô và chức năng của mỗi trạm được tính toán một cách cụ thể, có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.


Làm gì để hình hài mạng lưới trạm dừng nghỉ trên cao tốc? - Ảnh 1.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Mỹ Lệ

Sẽ có 36 trạm dừng nghỉ toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1451/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, cao tốc Bắc - Nam phía Đông có điểm đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), điểm cuối tại Cà Mau; tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe, một số đoạn cửa ngõ đô thị lớn có quy mô từ 8 đến 10 làn xe.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn trước đây do nguồn lực có hạn, tuyến được triển khai theo từng đoạn độc lập có nhu cầu vận tải lớn. Do đó, một số đoạn đã được đầu tư đưa vào khai thác trước như TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, La Sơn - Hòa Liên… Đến nay, toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (gồm giai đoạn 1 và giai đoạn 2) đã đưa vào khai thác khoảng 954 km, đang đầu tư khoảng 1.094 km.

Đề cập đến hiện trạng trạm dừng nghỉ trên tuyến, đại diện Ban QLDA 6 - đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ qui hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên cao tốc cho hay, theo các quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của cấp có thẩm quyền dự kiến sẽ đầu tư 41 trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến. Đến nay, có 6 trạm dừng nghỉ đã hoàn thành đưa vào khai thác; 3 trạm dừng nghỉ đang đầu tư, còn lại 32 trạm chưa đầu tư (trong đó một số trạm đã GPMB, một số trạm chưa GPMB).

Đề xuất Bộ GTVT phê duyệt mạng dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới đây, Ban QLDA 6 cho biết, theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc (TCVN 5729:2012), khoảng cách các trạm dừng nghỉ thông thường từ 50 - 60 km và các trạm dừng nghỉ lớn với khoảng cách từ 120 - 200 km.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông là trục huyết mạch của quốc gia, là dự án đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước, đây là trục cao tốc có chiều dài lớn nhất (2.063 km). Do vậy, để bảo đảm tầm nhìn dài hạn, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thống nhất đồng bộ một loại trạm dừng nghỉ, ngoại trừ một số trạm dừng nghỉ gần các đầu mối giao thông, các đô thị lớn sẽ có quy mô nhỏ hơn.

Căn cứ hiện trạng mạng trạm dừng nghỉ, hiện trạng về đầu tư, GPMB, điều kiện địa hình, kết nối hạ tầng..., để bảo đảm khoảng cách phù hợp giữa các trạm dừng nghỉ nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác, Ban QLDA 6 kiến nghị phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 36 trạm dừng nghỉ.

Đối với 10 trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác và đang đầu tư (7 trạm đang khai thác sử dụng và 3 trạm đang đầu tư xây dựng), giữ nguyên vị trí, gộp trạm km80+850 (phía bên phải trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn) và trạm km1+200 (phía bên trái cao tốc La Sơn - Hòa Liên) thành 1 trạm. Như vậy, tổng số trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác và đang đầu tư là 9 trạm.

Đối với 31 trạm còn lại chưa đầu tư, Ban QLDA 6 kiến nghị phê duyệt hệ thống mạng trạm dừng nghỉ 27/34 vị trí, giảm 4 trạm so với hiện trạng. Trong đó, chuyển 3 trạm dừng nghỉ thành điểm dừng xe, gồm 2 vị trí tại km36+000 và km964+100 trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và 1 vị trí tại km12+000 trên cao tốc Long Thành - Bến Lức; không đầu tư 1 trạm dừng nghỉ tại km33+150 trên cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong do khoảng cách quá gần với trạm dừng nghỉ hầm Đèo Cả.

Điều chỉnh quy định về qui mô Trạm dừng nghỉ chưa đầu tư

Về quy mô đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, căn cứ QCVN 43:2012/BGTVT (ban hành kèm theo Thông tư 48/2012 của Bộ GTVT), các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được xác định là trạm loại I (quy mô tối thiểu theo quy định 1 ha/bên).

Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải trên các dự án thành phần, kết quả tính toán cho thấy, để bảo đảm các chức năng cơ bản của trạm dừng nghỉ theo quy định tại diện tích tối thiểu đối với trạm dừng nghỉ loại I là khoảng 2 - 2,25 ha/bên.

Đề xuất của Ban QLDA 6 trên cơ sở kết quả nghiên cứu quy mô trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc đang đầu tư và khai thác tại Việt Nam và một số trạm dừng nghỉ trên cao tốc của Hàn Quốc, để bảo đảm tầm nhìn dài hạn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, hạn chế phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện.

Theo đó, trước mắt giữ nguyên hiện trạng, quy mô đối với 9 trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác và đang đầu tư. Trong quá trình khai thác, căn cứ vào nhu cầu thực tế, trường hợp cần mở rộng diện tích, quy mô trạm dừng nghỉ, chủ đầu tư làm việc với cơ quan có thẩm quyền, các địa phương xem xét điều chỉnh bảo đảm phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật.

Đối với 27 trạm dừng nghỉ chưa đầu tư, quy mô phải bảo đảm diện tích khoảng 5 ha/bên. Riêng đối với một số trạm dừng nghỉ gần các đầu mối giao thông, các đô thị lớn bảo đảm diện tích khoảng 3 ha/bên. Các hạng mục của trạm dừng nghỉ gồm: các công trình, hạng mục cung cấp dịch vụ tại trạm dừng nghỉ, công trình dịch vụ công cung cấp các dịch vụ miễn phí; công trình dịch vụ thương mại; công trình bổ trợ.

Cần xây dựng thương hiệu, xếp sao cho trạm dừng nghỉ

Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện liên danh các nhà đầu tư, gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH Tập đoàn Định An, Tập đoàn BTP Hodinhgs - Tập đoàn Chang-Jo và Tập đoàn Deabo cho biết đang tích cực theo đuổi mô hình đầu tư, khai thác trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông và đề xuất xây dựng mô hình trạm dừng nghỉ của Hàn Quốc với các tính năng của một trạm dừng nghỉ hiện đại, gồm các khu liên hợp cung cấp dịch vụ xăng dầu, sửa chữa, nghỉ ngơi, thương mại, khu vui chơi giải trí dành cho du khách... khi ghé trạm dừng nghỉ.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, trạm dừng nghỉ có vai trò vô cùng quan trọng và cấp thiết trên các tuyến cao tốc. Quy hoạch hệ thống đường cao tốc cần thiết phải song hành quy hoạch các công trình dịch vụ phụ trợ đi theo. "Hiện nay, ngành GTVT đã có quy hoạch mạng trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, tôi cho rằng đây là điều rất đáng mừng", PGS. TS. Trần Chủng nói và lưu ý rằng, quy hoạch đã có thì kế hoạch xây dựng phải được thực hiện khẩn trương. Vậy, phải xây trạm dừng nghỉ thế nào?

Một tiêu chí quan trọng của trạm dừng nghỉ rất cần là sự sáng tạo của các nhà đầu tư. Bởi, nếu trạm nào cũng giống nhau thì sẽ tạo ra sự đơn điệu, thiếu hấp dẫn. "Bản thân chúng ta khi đi trên đường cao tốc cũng thường bàn tính để hành trình nên dừng nghỉ ở trạm nào, trạm nào dịch vụ tốt, trạm nào thiếu tiện nghi, đồ ăn, thức uống không ngon..., cũng như trạm nào có sản vật địa phương để có thể mua làm quà cho người thân, bạn bè sau chuyến đi", PGS. TS Trần Chủng chia sẻ và chỉ ra rằng, phải có sự sáng tạo để mỗi trạm thể hiện được văn hóa, bản sắc để người sử dụng có thể lựa chọn nơi dừng nghỉ phù hợp.

Còn theo TS. Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông, sự sáng tạo trong thiết kế, khoa học trong quản lý khai thác là yếu tố cơ bản để có thể "xếp sao" cho các trạm dừng nghỉ tại các tuyến cao tốc trên phạm vi toàn quốc. Do đó, ngay từ khi lập dự án, các nhà đầu tư cần phải tính toán kỹ các hạng mục theo các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí nêu trên để có thể "xếp sao - xếp hạng".

Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc là cần thiết, lái xe và hành khách cần phải nghỉ ngơi để giải quyết nhu cầu riêng, góp phần giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng lộn xộn và thiếu hợp lý trong việc bố trí các điểm dừng nghỉ. Do đó, cần sớm có quy hoạch tổng thể, đồng bộ về trạm dừng nghỉ các tuyến cao tốc trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu bộ tiêu chí, quy chuẩn cụ thể hướng tới "xếp sao" (như mô hình các khách sạn) cho các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra.