Cấp phép cho ô tô nhà ở lưu động: DN còn nhiều băn khoăn

Ý kiến phản biện 10/08/2015 11:16

Để hỗ trợ phát triển du lịch, từ 1/8, khách nước ngoài đến Việt Nam được phép mang ô tô nhà ở lưu động với mục đích du lịch. Tuy nhiên, loại xe này khi vào Việt Nam sẽ được quản lý ra sao, xe sẽ được chạy những cung đường nào và có khu vực riêng không, là những câu hỏi được đặt ra.

Từ 1:8, khách nước ngoài đến Việt Nam được phép ma
Từ 1/8, khách nước ngoài đến Việt Nam được phép mang ô tô nhà ở lưu động với mục đích du lịch

Được cấp phép tối đa 30 ngày và phải có xe dẫn đường

Nghị định số 57/2015/NĐ-CP ngày 16/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch, có hiệu lực từ 1/8/2015, đã cho phép  xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái được tham gia giao thông ở Việt Nam. Theo quy định cũ vào năm 2013 thì người nước ngoài chỉ được mang ô tô chở khách có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ ngồi trở xuống và mô tô.

Để được chấp thuận cho phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam, thì các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam phải gửi đến Bộ GTVT một bộ hồ sơ, gồm công văn đề nghị, trong đó nêu rõ số lượng phương tiện, số lượng người, ngày và cửa khẩu nhập cảnh, ngày và cửa khẩu xuất cảnh, lộ trình các tuyến đường đi trong chương trình du lịch; bản sao các giấy tờ liên quan kèm theo danh sách người điều khiển phương tiện; danh sách phương tiện, biển số xe, màu sơn, số khung, số máy...

Ông Đỗ Công Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, thời gian chấp thuận cho các loại phương tiện của người nước ngoài mang vào Việt Nam được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày. Trong trường hợp không chấp thuận, phải có văn bản trả lời trong thời gian 3 ngày làm việc và nêu rõ lý do.

“Loại xe này được lưu trú tối đa tại lãnh thổ Việt Nam không quá 30 ngày, trừ trường hợp đặc biệt, bất khả kháng”, ông Thủy cho hay.

Văn bản chấp thuận này của Bộ GTVT phải được gửi đến các Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND các tỉnh, thành có liên quan để phối hợp quản lý.

Đặc biệt, loại xe này khi vào Việt Nam du lịch phải có phương tiện đi trước để dẫn đường. Phương tiện dẫn đường là ô tô hoặc mô tô (nếu khách du lịch mang mô tô) do doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bố trí và phải được gắn logo hoặc cắm cờ có biểu tượng của doanh nghiệp đó.

Doanh nghiệp lữ hành còn nhiều băn khoăn

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hanoi Redtour cho hay, hình thức xe ô tô kèm nhà lưu động ở đã khá phổ biến trên thế giới, nay Việt Nam cho phép du nhập vào với mục đích cho khách du lịch nước ngoài là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành Du lịch. Song, ông Hoan cũng băn khoăn vì hình thức xe ô tô nhà ở lưu động này có khó khăn trong việc quản lý.

Đây là loại xe kích cỡ khá lớn, trong Nghị định sửa đổi cũng chưa quy định được xếp vào loại xe nào, được chạy trên cung đường nào.

Ông Hoan băn khoăn, nếu loại xe này chạy từ Hà Nội lên Lào Cai, rồi chạy từ  thành phố Lào Cai lên Sapa có được không, vì Bộ GTVT mới cấm xe giường nằm chạy trên đường đèo núi cấp 5, 6.

Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc Hanoi Redtour cũng thắc mắc với yêu cầu về xe dẫn đường của công ty lữ hành cho xe ô tô nhà ở lưu động.

“Chúng tôi phải dùng xe máy hay ô tô dẫn đường? Xe dẫn đường có phải tuân theo luật, quy định dành cho xe dẫn đường hay không? Nếu xe dẫn đường dẫn xe của khách đi sai thì xe nào sẽ bị xử phạt?”.

“Trên thế giới khi sử dụng mô hình này họ đã có quy hoạch riêng, trên núi hoặc trên bãi biển để thuận tiện trong việc phục vụ cấp nước, vệ sinh, xử lý chất thải... nhưng chúng ta chưa có gì. Theo tôi được biết, vừa rồi có hai vợ chồng người Đức mang loại xe này vào Việt Nam và đi lên Sapa. Tuy nhiên, vì không có chỗ cấp nước và xử lý chất thải cho xe, nên họ vẫn phải thuê khách sạn ở. Như vậy có thể thấy, giá trị sử dụng của loại xe này khi vào Việt Nam là bằng 0”, ông Nguyễn Công Hoan nhìn nhận.

Ý kiến của bạn

Bình luận