Cần làm gì khi trái đất đang nóng lên?

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
28/11/2015 07:37

Trái đất nóng lên đang là mối đe dọa cho toàn nhân loại và Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu này.

IMG_3125
Các chuyên gia nghiên cứu của Pháp đang lo ngại về sự ảnh hưởng của về biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Nằm trong khuôn khổ những chương trình cùng chung tay hành động bảo vệ Trái Đất, năm 2015 Pháp chính là quốc gia chủ nhà của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21. Trong chương trình lần này, Pháp chọn Việt Nam là một trong những nước để cùng chung tay xây dựng những biện pháp ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay. Đại sứ quán của Pháp tại Việt Nam đã phối hợp với Viện Pháp và cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam cùng xây dựng những chương trình ý nghĩa ở Hà Nội và Tp.HCM.

Trong thời gian này, nhiều chương trình hoạt động sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh như: các cuộc thi dành cho sinh viên về chủ đề khí hậu, các trường đại học cùng sinh viên tham gia Ngày tình nguyện Pháp tập trung về việc tuyên truyền các tác động do biến đổi khí hậu. Đặc biệt là hội thảo khoa học: Từ các dòng sông tới đại dương – tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo diễn ra vào ngày 26/11 với sự có mặt của các nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học của Pháp và Việt. Hội thảo đã phân tích đánh giá thực trạng nhiệt độ trái đất nóng lên đang là mối đe dọa lớn. Đối với nước ta hiện có 3.200km bờ biển kéo dài, nếu mực nước biển tăng cao thêm 1 mét sẽ có gần 5% diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. GDP của Việt Nam có thể giảm đi 10% và 90% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thể chìm ngập trong nước. Chính khả năng này sẽ đe dọa đến nền kinh tế và hạ tầng giao thông của Việt Nam.

Đại diện đến từ Đại học Toulouse Pháp, phân tích những biểu hiện cho thấy rằng trái đất đang nóng dần lên và kéo theo nhiều sự thay đổi khác. Tiến trình của nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất đến nay đã Tăng 0.85°C, Nhiệt độ trên đại dương tăng : 0.1°C /thập kỷ từ năm 1970. Mực nước biển trung bình toàn cầu đo được bằng vệ tinh đo độ cao từ năm 1993 đến 2015 tăng 6,5cm. Khối băng tan ở Nam Cực giai đoạn  2002-2011 tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 1992-2001.

Hinh 1
Mực nước biển trung bình toàn cầu đo được bằng vệ tinh đo độ cao từ năm 1993 đến 2015 tăng 6,5cm

 Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do khí thải gây nên hiệu ứng nhà kính. Điều này dẫn đến số giờ nắng nhiều hơn, các loại hình thời tiết khắc nghiệt xuất hiện dày đặc. Các cơn bão thường có cường độ mạnh, sức tàn phá cao. Các hiện tượng ngập úng, lũ quét sạc lỡ khiến chúng ta không thể lường trước được.

Tiến sĩ Hồ Long Phi đến từ Trung tâm Quản lý Nước và BĐKH Đại học Quốc gia TPHCM với góc độ thủy văn xã hội học cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần phải thích ứng với sự biến đổi khí hậu này. Tuy nhiên khu vực này đang tụt hậu so với các khu vực khác trên cả nước. Ông Phi phân tích dưới các góc độ về hạ tầng giao thông, kinh tế, dân số, giáo dục. Xuất phát điểm của ĐBSCL về mặt cơ sở hạ tầng, kinh tế và nhân lực là không thuận lợi. Trong thời kỳ 2004-2009, đã có khoảng 370.000 di dân từ ĐBSCL, trong đó hơn 50% đến TPHCM. Đặc biệt trong giáo dục, theo số liệu của Tổng cục Thống kê hiện toàn bộ tỉ lệ sinh viên ở các trường đại học chỉ chiếm 1,5% so với toàn bộ dân số của khu vực này. Ông Phi cũng cho rằng hạ tầng giao thông kém phát triển là một trong những nguyên nhân tụt hậu của ĐBSCL.

IMG_3154
Tiến sĩ Hồ Long Phi,Trung tâm Quản lý Nước và BĐKH Đại học Quốc gia TPHCM phân tích những biến đổi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Cũng có nhiều nghiên cứu về dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với lưu vực sông Hồng, bà Phạm Thị Hương Lan đến từ trường Đại học Thủy lợi phân tích. Khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng chịu ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu. Trong đó bà Lan dẫn chứng những biểu hiện của thời tiết. Khu vực này xuất hiện khô hạn cực khắc nghiệt, hạn hán thường  xuyên hơn trong mùa khô  (2005, 2010-2011,  2013), mực nước ở các sông xuống  thấp kỷ lục. Nắng nóng diễn ra bất thường, tăng số ngày nắng, nhiệt độ lớn nhất và nhiệt độ trung bình tăng cao. Cụ thể vào ngày 24/2/2015 khu vực Hà Nội lại có nhiệt độ bất thường là 30oC. Tình trạng rét  đậm,  rét  hại  giảm nhưng lại xuất hiện những  đợt  rét  dị thường. Rét đậm xảy ra sớm hơn, rét đậm, rét hại kéo dài ngày hơn. Cụ thể là nhiệt độ giảm sâu tại Sapa trong tháng 3/2011 gây tuyết rơi bất thường. Tình trạng ngập mặn xâm nhập sâu hơn vào trong đất liền ảnh hưởng đến việc lấy nước cấp nước cho nông nghiệp. Mà nguyên nhân có thể là do sự thay đổi khí hậu, sử dụng nước và xói lở lòng dẫn

Và giải pháp cụ thể để giúp cải thiện tình trạng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho khu vực Đồng bằng sông Hồng như nâng cao chất lượng dự báo và cảnh báo hạn. Quy hoạch phát triển và sử dụng tài nguyên nước bền vững. Quy hoạch lại khu vực dân cư để  thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có cả hạ tầng cơ sở. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển KT-XH. Xây dựng và bổ sung các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu. Để bảo vệ các lòng sông, cần ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác cát trái phép và tình trạng phá rừng hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận