Các dự án giao thông trọng điểm: Chậm vì thiếu vốn

Thị trường 27/04/2016 14:11

Theo Bộ GTVT, hiện khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án giao thông là việc bố trí đầy đủ nguồn vốn.

Bởi, nếu nguồn vốn không được bố trí đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GPMB nói riêng, tiến độ chung của cả dự án.

Thiếu 12.000 tỷ đồng vốn đối ứng

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có 37 công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT với tổng mức đầu tư khoảng 1.090.000 tỷ đồng. Trong đó, đường bộ có 23 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 498.080 tỷ đồng. 12 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam Vành đai 3 Hà Nội, đường Láng - Hòa Lạc, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng trên đường bộ với tổng mức đầu tư khoảng 255.778 tỷ đồng.

Các dự án giao thông trọng điểm- Chậm vi
Một đoạn dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Chiến Công

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, mặc dù các dự án trọng điểm cần được ưu tiên thực hiện gấp để đảm bảo trật tự ATGT, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng hầu hết các dự án đều gặp khó về việc bố trí nguồn vốn. Cụ thể, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện toàn ngành GTVT đang thiếu khoảng 12.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của các dự án. “Chung quy lại, những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm là do thiếu vốn, vì phần lớn các dự án này có sử dụng vốn vay, do đó việc bố trí không đủ vốn đối ứng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GPMB nói riêng, tiến độ chung của cả dự án” – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Ưu tiên nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông

Đề cập đến những khó khăn vướng mắc hiện tại của các công trình giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngoài khó khăn về nguồn vốn, các dự án trọng điểm của ngành giao thông cũng đang gặp nhiều khó khăn xuất phát từ chính các đơn vị có liên quan. Cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng, một số dự án chưa thực hiện tốt việc chuẩn bị đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh, phát sinh trong quá trình triển khai. Chất lượng, năng lực của nhà thầu còn hạn chế, đặc biệt là các nhà thầu trong nước… cũng ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án trọng điểm.

Để khắc phục những khó khăn trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT sớm nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù để triển khai các dự án trọng điểm giao thông, đối với những dự án đang triển khai, các dự án sắp triển khai. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục đầu tư, sớm tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Bộ KH&ĐT tổng hợp nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án công trình giao thông, đặc biệt là các dự án ODA, từ đó có kế hoạch huy động thêm nguồn lực ngoài xã hội. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính giải quyết những vướng mắc trong công tác giải ngân, công tác tạm ứng hợp đồng, đặc biệt đối với các dự án ODA, tăng cường công tác kiểm soát vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ của dự án, đặc biệt là công tác GPMB, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị UBND các tỉnh, TP cần thực sự quan tâm đến công tác GPMB, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương mình trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận