Cà Mau: Sân bay vắng vẻ, bến xe sôi động

Xã hội 19/07/2016 05:49

Sau 8h mỗi ngày nhà ga Cảng HK Cà Mau lại đóng cửa vì không còn chuyến bay nào qua lại, Bến xe Cà mau bên cạnh lại hết sức sôi động.

h1
Loại hình vận tải máy bay tại tỉnh Cà Mau còn nhiều bất cập nên hành khách ít lựa chọn đi.

Mỗi ngày làm việc 2 tiếng đồng hồ

Ngày 30/4/1996, nhà ga Cảng Hàng không Cà Mau được khánh thành. Tháng 7/1996, Cảng Hàng không Cà Mau được lắp đặt đài dẫn đường NDB 500II và máy phát điện dự phòng. Năm 1999, đường hạ, cất cánh, đường lăn, sân đậu tiếp tục được nâng cấp và kéo dài với quy mô đường hạ cất cánh đạt chiều dài 1500m, rộng 30m, bề mặt phủ bê tông nhựa đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR72 và các máy bay tương đương.

Ngày 13/12/2003, khởi công dự án xây dựng nhà ga cảng Hàng không Cà Mau, với diện tích xây dựng 2.233m2, trong đó diện tích sàn tầng trệt là 1.485m2, diện tích sàn tầng lửng 748m2. Từ tháng 5/2004 Công ty Bay dịch vụ hàng không – VASCO đã khai thác tuyến bay.

Hiện nay, Vasco là hãng hàng không duy nhất khai thác đường bay TP.HCM đi Cà Mau với máy bay ATR72 chở được từ 72 - 74 hành khách, tần suất 1 chuyến/ngày. Chuyến bay từ TP.HCM đi Cà Mau khởi hành lúc 5h55 hàng ngày, thời gian bay khoảng 45 phút. Từ Cà Mau về TP.HCM khởi hành lúc 7h25 đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 8h30.

Như vậy mỗi ngày sân bay Cà Mau chỉ làm việc có 2 tiếng đồng hồ, sau khi kết thúc chuyến bay lúc 7h25 phút thì cũng là thời gian sân bay Cà Mau đóng cửa và toàn bộ khu vực trước và trong sân bay vắng vẻ, không người qua lại trong khi Bến xe Cà Mau cách đó chỉ vài trăm mét lại hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm rất sôi động thu hút gần như toàn bộ nhu cầu người dân sử dụng loại hình dịch vụ vận tải xe khách giường nằm. Một sự lãng phí kinh khủng giữa mức đầu tư nhà ga, sân đậu, đường lăn chỉ để sử dụng 2h/ngày thay vì thiết kế 12h/ ngày.

Trao đổi với Tạp chí GTVT ông Lê Thành Huấn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết: Loại hình vận tải đường bộ tỉnh Cà Mau hiện nay lượng khách sử dụng rất cao, các nhà xe khách luôn đổi mới chất lượng, phục vụ nhiệt tình, thuận tiện cho người dân trong khi sân bay mỗi ngày chỉ làm việc khoảng 2 tiếng đồng hồ với tần suất 1 chuyến bay/ngày, giá vé cao nên sân bay Cà Mau cạnh tranh không lại loại hình xe khách”.

h2
Người dân tỉnh Cà Mau chủ yếu lựa chọn đi loại hình xe khách chất lượng cao..

Máy bay giá vé cao ngất ngưởng, ế khách

Hiện nay giá vé máy bay từ TP.HCM đi Cà Mau một chiều là 1.550.000 đồng, vé khứ hồi là 3.100.000 đồng (giá vé chưa bao gồm thuế và các loại phụ phí), bay lên TP.HCM mất 45 phút, công tác làm thủ tục mất hơn 1 tiếng đồng hồ, chưa kể sân bay Tân Sơn Nhất kẹt xe nên hành khách phải ra trước làm thủ tục cả 2 tiếng đồng hồ. Như vậy tính ra đi máy bay mất hơn 3-4 tiếng, trong khi đi xe khách giường nằm giá chỉ 185.000 đồng, mất khoảng 6-7 tiếng đồng hồ, có xe trung chuyển đến tận nhà, hoạt động liên tục các giờ trong ngày. Chỉ làm phép so sánh đơn giản cũng thấy rõ giá vé giữa 2 loại hình chênh nhau hơn 8 lần trong khi thời gian đi cách nhau không nhiều.

Nói về sự chưa thuận tiện của việc di chuyển bằng máy bay tại Cà Mau ông Huấn lý giải, hành khách muốn đi Côn Đảo trong dịp hè cũng phải lên TP.HCM mới bay được, bởi lên Cần Thơ giờ cũng không có chuyến do lượng khách đi rất nhiều, đi Phú Quốc cũng phải đi lên Rạch Giá rồi đi tàu hoặc đi máy bay. Sân bay Cà Mau hiện nay chỉ duy nhất có một chuyến bay tới TP.HCM khởi hành lúc 7h25 mỗi ngày, nên giá vé cao không thu hút được hành khách sử dụng loại hình vận tải này. Đối tượng sử dụng loại hình máy bay tại Cà Mau chủ yếu là chuyên viên khí điện đạm và các doanh nghiệp, cán bộ công chức đi công tác.

Hiện nay đường bộ càng được đầu tư và phát triển, các hãng xe khách liên tục đầu tư xe mới, chất lượng phục vụ cao nên hành khách đi loại hình này rất lớn. Trong thời gian tới đường cao tốc về tới Cần Thơ và tương lai đến Cà Mau nếu sân bay Cà Mau không có giải pháp đột phá thì việc hành khách sử dụng loại hình máy bay sẽ rất ít lựa chọn, ông Huấn nhấn mạnh.

Chỉ cần so sánh cùng một quãng đường 350km TPHCM -Cà Mau và từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột đã thấy có sự chênh lệnh không hề nhỏ về giá vé. Từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột riêng Vietnam Airlines có tới 3 chuyến bay khứ hồi/ngày, VietJet Air ít nhất là 1 chuyến khứ hồi/ ngày, Jetstar cũng vài chuyến 1 tuần. Sân bay Buôn Ma Thuột còn có đường bay đi Vinh, Đà Nẵng, Hà Nội... đưa tổng công suất hoạt động của Cảng HK này lên vài chục chuyến bay/ngày, và cả bay đêm. 

Hiện nay giá vé từ TP.HCM đi Cà Mau một chiều bằng máy bay ATR 72 là 1.550.000 đồng, vé khứ hồi là 3.100.000 đồng (giá vé chưa bao gồm thuế và các loại phụ phí). Trong khi nếu bay từ TPHCM-Buôn Ma Thuột, Vietnam Airlines bán giá vé một chiều trung bình là 500.000 đồng, vé khứ hồi 1.000.000 đồng (giá vé chưa bao gồm thuế và các loại phụ phí).

Chưa kể hãng hàng không VietJet Air khai thác chuyến bay từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột với giá khuyến mại có thời điểm chỉ 199.000 đồng (giá vé chưa bao gồm thuế và các loại phụ phí).

Như vậy có thể thấy để thu hút và thuận tiện cho người dân sử dụng loại hình vận tải máy bay thì sân bay Cà Mau cần phải tính được bài toán cạnh tranh, nếu chỉ sử dụng máy bay cánh quạt ATR72 với giá vé đắt đắng chát thì cảnh vắng khách như chùa Bà Đanh là khó tránh khỏi.  

Ý kiến của bạn

Bình luận