Bổ sung tàu tìm kiếm cứu nạn vùng biển xa ngoài 250 hải lý

Tác giả: PHƯƠNG ANH

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 25/08/2015 07:59

Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Dự án đầu tư đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn (TKCN), có khả năng thường trực hoạt động dài ngày tại các vùng biển xa ngoài 250 hải lý.

tau-tuan-tra-fc-624-1
Ảnh minh hoạ

THÊM TÀU TKCN LÀ CẦN THIẾT

Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Dự án đầu tư đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn (TKCN), có khả năng thường trực hoạt động dài ngày tại các vùng biển xa ngoài 250 hải lý.

Ông Đỗ Hồng Thái - Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Việt Nam đã tham gia Công ước TKCN trên biển SAR 1979. Với bờ biển dài trên 3.260km, diện tích vùng TKCN rất lớn, mà thực tế đội tàu của Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam chỉ có 7 chiếc là quá mỏng. “Các tàu TKCN với hạn chế cả về số lượng và chủng loại để kiểm soát toàn bộ vùng trách nhiệm về TKCN trên biển, đặc biệt phạm vi từ 250 hải lý trở ra. Như vậy, việc đầu tư tàu TKCN có khả năng hoạt động từ phạm vi 250 hải lý trở ra là hết sức cần thiết”.

Việc bổ sung một tàu TKCN hàng hải sẽ giúp lực lượng chủ động thực hiện công tác TKCN trên biển, chỉ huy hiện trường, phối hợp với các lực lượng TKCN quốc gia trong những vụ việc phức tạp. Tàu TKCN đồng thời có khả năng đảm đương các nhiệm vụ: Huấn luyện, chữa cháy, lai dắt, hỗ trợ hoạt động dưới biển, hỗ trợ ứng cứu các sự cố tràn dầu, hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát và ANQP trên biển, tham gia bảo vệ môi trường biển.

Được biết, hiện Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam có 7 tàu TKCN chuyên dụng và 5 ca-nô cao tốc, phân bổ tại 4 trung tâm, đã hoạt động hiệu quả để TKCN tàu thuyền trong và ngoài nước gặp nguy hiểm trong vùng trách nhiệm của Việt Nam.

Tuy nhiên, các tàu SAR hiện có không thể hoạt động dài ngày trên biển, mà chỉ hoạt động an toàn trong phạm vị 150 - 250 hải lý từ bờ. Kích thước các tàu cũng nhỏ nên chịu sóng gió hạn chế, chỉ đến sóng cấp 7 - 8. Tuổi tàu cũng khá cao, các trang thiết bị phục vụ TKCN không đầy đủ. Trong khi đó, các vụ tai nạn trên biển có xu hướng ngày càng tăng theo từng năm và diễn ra xa bờ.

KẾT HỢP TKCN VÀ ANQP

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và các cơ quan của Bộ GTVT đã nghe, đóng góp ý kiến với Tư vấn lập Dự án đầu tư về các thông số kỹ thuật của con tàu.

Theo Thứ trưởng, phải xuất phát từ mục đích, hiệu quả sử dụng để từ đó đưa ra các thông số kỹ thuật phù hợp, trong đó, phải đặc biệt lưu ý đây là tàu đặc chủng có yêu cầu kỹ thuật cao để thực hiện nhiệm vụ TKCN thường trực dài ngày trên biển, có khả năng hoạt động ngoài vùng biển xa thuộc vùng biển Việt Nam và khu vực lân cận, có thể hoạt động trong sóng gió tới cấp 9, có khả năng phối hợp chỉ huy với các lực lượng TKCN khác trên biển, tốc độ lớn để đáp ứng nhu cầu gấp rút về thời gian cứu hộ cứu nạn.

Để đáp ứng các yêu cầu trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu báo cáo lập dự án của Công ty Bình Minh cần được thẩm định bởi 1 đơn vị tư vấn nước ngoài. Thiết kế thực hiện đấu thầu rộng rãi, được duyệt bởi cả cơ quan Đăng kiểm Việt Nam và nước ngoài, việc đóng mới tàu sẽ thực hiện đấu thầu hạn chế trong phạm vi các đơn vị của SBIC.

Dự án trước đó đã báo cáo sơ bộ phương án đầu tư tàu TKCN với những thông số kỹ thuật chính: Tàu có thân bằng thép độ bền cao AH36, thượng tầng bằng hợp kim nhôm. Chiều dài lớn nhất của tàu 62,8m, chiều dài 2 trụ 57m, chiều rộng lớn nhất 10,2m, chiều rộng thiết kế 9,8m, chiều cao mạn 4,75m, mớn nước thiết kế 3,3m, số lượng và công suất máy chính 2x2239kW, tốc độ thiết kế lớn nhất 18,5 hải lý/h, tầm hoạt động 3.000 hải lý.

Cấp tàu biển không hạn chế theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển QCVN21:2001/ BGTVT và các sửa đổi bổ sung. Tàu có thể hoạt động trên vùng biển Việt Nam và các vùng lân cận, chịu được điều kiện sóng cấp 8, gió cấp 9. Số lượng thủy thủ 18 người, đội cứu hộ 24 người, số lượng nạn nhân cấp cứu 45 người.

Với phương án này, tàu có mớn nước sâu (3,3m), chiều rộng phù hợp (9,8m). Tính lắc và chịu sóng gió tốt, sức cản nhỏ nên tiết kiệm công suất máy chính (2x2239kW). Chiều cao boong vùng công tác đến mớn nước là 1,45m, thuận lợi hơn cho quá trình TKCN và tham gia vào các hoạt động ứng phó tràn dầu khi có yêu cầu. Tầm nhìn từ lầu lái rộng, có thể quan sát từ lầu lái đến mọi vị trí trên biển. Bố trí buồng ở của nạn nhân tập trung và gần khu hồi sức, theo dõi sức khỏe của nạn nhân dễ dàng hơn. Kết cấu đáy đôi trong vùng buồng máy, giúp tàu an toàn hơn trong tình huống tai nạn. Tổng mức đầu tư tàu dự kiến 460 tỉ đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận