Bộ GTVT lên tiếng vụ gian lận doanh thu cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ

Giao thông 24h 27/07/2016 10:59

Bộ GTVT vẫn đang chờ hồ sơ báo cáo cụ thể từ phía công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ về mức tiền thu phí.

Bộ GTVT lên tiếng vụ gian lận doanh thu ca
Gian lận thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa công bố biên bản kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại các trạm thu phí đường bộ trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ do Công ty CP Pháp Vân – Cầu Giẽ khai thác và quản lý.

Kết quả số thu thực tế vé lượt trong 10 ngày lên tới 17,5 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày 1,7 tỷ đồng), trong đó ngày cao nhất là 15/7 với số thu đạt hơn 1,9 tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân, mỗi ngày, các trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ thu về xấp xỉ 2 tỷ đồng.

Trong khi phía công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thông báo là 1,2 tỷ đồng/ngày và giảm vào dịp Tết.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 25/7, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đang yêu cầu công ty báo cáo, kiểm tra, còn có biên bản rồi thì họ phải có trách nhiệm báo cáo, khi báo cáo cụ thể với Bộ GTVT thì mới có thông tin chính thức.

Đây là kết quả giám sát của kỳ 2, còn số liệu công ty báo cáo trước đây thì lại là kỳ 1, đảm bảo rằng họ vẫn tuân thủ theo giám sát của nhà nước, doanh nghiệp, nên chưa thể kết luận".

Để tăng cường việc giám sát doanh thu, theo ông Huyện, bây giờ, công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải báo cáo hàng ngày, theo tháng, để Tổng cục kiểm tra, đồng thời, lắp hệ thống điện tử để giám sát thường xuyên.

Hệ thống này cũng sẽ giám sát hành trình, xe chạy đâu biết đấy, Tổng cục đã trình Bộ GTVT, được phê duyệt chủ trương, đang bắt đầu làm, lên phương án đấu thầu. Mục đích là để giám sát doanh thu các trạm thu phí.

"Chúng tôi đang đi kiểm tra hơn 40 trạm BOT trên cả nước, tiếp tục giám sát, để minh bạch dần vấn đề thu phí", ông Huyện cho biết thêm.

Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang hoàn tất hồ sơ báo cáo lên Bộ, tôi chưa nhận được hồ sơ báo cáo của họ, nên chưa thể khẳng định, phải từ hồ sơ của công ty cung cấp, Bộ mới xem xét, xử lý được".

Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2016, Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) - cổ đông sở hữu 18% vốn điều lệ Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ đã phát đi thông cáo phản ánh công tác thu phí tại dự án này có nhiều điểm chưa hợp lý, gian lận.

Và kết quả giám sát cho thấy doanh thu thực tế ở trạm thu phí này quả thật cao hơn rất nhiều so với báo cáo.

Đặc biệt hơn, có một thông tin ít người biết đến, là Biên bản thương thảo, đàm phán hợp đồng Dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ được lập giữa Nhóm công tác liên ngành của dự án và Liên danh nhà đầu tư đã quy định rõ mức phạt doanh nghiệp dự án, trong trường hợp khai báo doanh thu không chính xác.

Cụ thể, biên bản viết: “Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện doanh thu lớn hơn số liệu của doanh nghiệp dự án báo cáo từ 1% - 2% sẽ phạt gấp 60 lần, 2% - 3% sẽ phạt 120 lần, từ 3% trở lên sẽ phạt 180 lần chênh lệch này”.

Đồng thời, “khi doanh thu thực tế trung bình của 2 năm liên tục tăng, giảm từ 5%/năm trở lên so với số liệu tính toán trong phương án tài chính của Hợp đồng thì các bên tiến hành điều chỉnh hợp đồng (thương thảo ký phụ lục hợp đồng), cập nhật doanh thu các năm trước theo thực tế”.

Biên bản trên được lập vào ngày 17/7/2014 tại Văn phòng Bộ GTVT. Đứng đầu nhóm công tác liên ngành của dự án là ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Vụ trưởng – Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, Bộ GTVT – Tổ trưởng.

Cùng với đó là 14 thành viên khác, đến từ các vụ, cơ quan hữu quan thuộc Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính.

Riêng với Pháp Vân - Cầu Giẽ, so sánh với số liệu doanh thu thu phí trước đây mà MPC tự công bố (1,2 tỷ đồng/ngày), thì số liệu doanh thu thu phí của công ty trong các ngày có Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ giám sát (1,979 tỷ đồng/ngày) đã tăng đột biến, tới 66,67%.

Ý kiến của bạn

Bình luận