Bộ Giao thông vận tải đi đầu trong cổ phần hóa doanh nghiệp

Doanh nhân 22/12/2015 13:15

Sau 5 năm thực hiện, công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tốt. Những kết quả đạt được đã minh chứng, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đúng mục tiêu của CPH đã được đưa ra và Bộ GTVT là đơn vị đi đầu.

vu van ninh
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ GTVT tiếp tục thực hiện quyết liệt sắp xếp, CPH doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị đang gặp kho khăn

Chủ trương đúng đắn

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trong 5 năm (2011 - 2015), Bộ GTVT đã hoàn tất thủ tục bàn giao phần vốn nhà nước tại 6 công ty cổ phần với tổng số vốn là 581 tỷ đồng cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đối với các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn nhà nước về SCIC, sau khi thực hiện thoái vốn, nếu doanh nghiệp nào chưa hoàn thành thoái hết, Bộ sẽ bàn giao phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp về SCIC theo quy định.

Bộ đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại 50 doanh nghiệp, bao gồm: Chuyển 10 doanh nghiệp thuộc Cục Hàng hải Việt Nam về 2 Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Bắc và miền Nam; chuyển 24 doanh nghiệp từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về các tổng công ty XDCT Giao thông 1, 4, 5, 6 và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long… Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trong giai đoạn này, tổng doanh thu của 18 tổng công ty thuộc Bộ đã tăng trưởng 15,28%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 194,84%, bình quân tăng 48,7%/năm; nộp ngân sách nhà nước tăng 51,52%, bình quân tăng 12,85%/năm; thu nhập bình quân người lao động tăng 32,28%, bình quân tăng 8,07%/năm.

“Mức tăng trưởng của các chỉ tiêu trên cho thấy rõ hiệu quả của quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới gắn liền với CPH doanh nghiệp nhà nước của Bộ trong thời gian qua. Đặc biệt, thông qua tổ chức lại sản xuất, bố trí lao động hợp lý, tăng năng suất lao động nên thu nhập bình quân của người lao động đã có sự cải thiện tích cực, tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, đảm bảo an sinh xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

IMG_1743
Những kết quả đạt được lá minh chứng cho chủ trương đúng đắn và sự quyết liệt của Bộ GTVT trong công tác CPH doanh nghiệp

Về số lượng lao động dôi dư trong quá trình thực hiện là trên 20.000 người, tổng số tiền đã chi trả cho đối tượng này khoảng 750 tỷ đồng từ nguồn thu tái cơ cấu doanh nghiệp và nguồn ngân sách cấp, tạm ứng. Về việc trợ cấp, hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động dôi dư, Bộ GTVT luôn bám sát, chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển sau CPH để xây dựng phương án sử dụng lao động phù hợp, trong đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đúng yêu cầu bố trí công việc cho người lao động của doanh nghiệp.

Nhiều cách làm hay

Trao đổi kinh nghiệp công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp, ông Trần Trung, Giám đốc Bệnh viện GTVT Trung ương cho rằng, việc chuyển sang công ty CP giúp Bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bời vì Bệnh viện có sự tham gia quản trị bệnh viện là các nhà đầu tư có kinh nghiệm, cùng với đội ngũ y, bác sỹ lành nghề, trang thiết bị hiện đại...

Theo ông Trung, việc CPH bệnh viện đã thành công ngoài sự chờ đợi của lãnh đạo Bộ GTVT và dư luận xã hội vì có tới 33 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Giá cổ phiếu khá cao (23.579 đồng/cổ phiếu) minh chứng cho việc CPH đơn vị sự nghiệp công là hoàn toàn có thể thực hiện thành công.

Khác với Bệnh viện GTVT Trung ương, ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy chia sẻ, trước đó chúng tôi rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đứng trên bờ vực phá sản. Trang thiết bị của Tổng công ty đều hết hạn lưu hành, có nhiều cái hư hỏng nặng, chờ bán sắt vụn. Đối với các công trình thì hầu như không quyết toán được, lương công nhân 6 - 7 tháng không trả được… Tuy nhiên, sau khi thực hiện CPH, các khủng hoảng, khó khăn tồn đọng của Tổng công ty đã được giải quyết triệt để. Theo ông Ngô Văn Tuấn, tiền lương nợ đã được hoàn trả cho người lao động và công ty trả lương đều vào hàng tháng; thiết bị máy móc được đầu tư, đại tu, sửa chữa và đi vào thi công, ngoài ra còn mua được nhiều thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất. “Trước khi thực hiện CPH, tôi đi đến đâu cũng bị đuổi vì làm ăn trì trệ. Nhưng sau một thời gian với sự giúp đỡ của chủ đầu tư và sự nỗ lực của doanh nghiệp, các dự án do Bộ GTVT giao đã hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, đời sống CBCNV được cải thiện rõ rệt”, ông Tuấn bộc bạch.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hiệu quả, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, các đơn vị cần phải tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược thực sự có tiềm lực, có khả năng hỗ trợ cho Tổng công ty trong việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó, Vietnam Airlines ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là một công ty hàng không quốc tế có kinh nghiệm, có khả năng kết nối mạng đường bay và có khả năng hỗ trợ để phát triển.

Theo ông Minh, quá trình đàm phán sẽ phát sinh nhiều sự khác biệt giữa các chính sách đầu tư, tài chính, kế toán với các chính sách theo luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế. Do đó, hai bên phải thường xuyên trao đổi và tìm kiếm các giải pháp phù hợp. Việc cung cấp thông tin, giải thích về các chính sách của Việt Nam rất cần thiết cho quá trình đàm phán, điều đó đòi hỏi sự kiên trì để bảo vệ tối đa lợi ích của phía Việt Nam.

Ngành GTVT tiếp tục đẩy mạnh CPH doanh nghiệp

Với những thành tựu đáng kể đạt được trong công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã biểu dương những kết quả mà Bộ GTVT đạt được, đồng thời nhấn mạnh việc quyết liệt thực hiện và dẫn đầu các bộ, ngành trong CPH. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ rõ, đối với các đơn vị hoạt động mang tính chất doanh nghiệp công ích, Bộ tiếp tục sắp xếp, đổi mới hoạt động và đổi mới quản lý, đồng thời tiếp tục rà soát và triển khai thực hiện sắp xếp đổi mới. Trong đó, các doanh nghiệp đã thực hiện CPH nhưng tỉ lệ CPH chưa đạt theo mức đề ra, cần phải tiếp tục thực hiện. Đối với các doanh nghiệp đã CPH nhưng chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược thì phải nhanh chóng tìm nhà đầu tư để triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động và áp dụng phương thức quản trị tiên tiến để nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, chuẩn bị cho hội nhập lớn của đất nước, đồng thời tập trung chỉ đạo tái cơ cấu một số đơn vị hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. “Tôi đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành phối, kết hợp xây dựng cơ chế đặc thù vì nếu không có cơ chế đặc thù thì không thể làm được. Đồng thời, đối với các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị đã thí điểm phải tổ chức đánh giá lại để có thể thực hiện triển khai hàng loạt các đơn vị sự nghiệp chuyển sang CPH", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.\

Ý kiến của bạn

Bình luận