Ðẩy mạnh đảm bảo trật tự ATGT trong lĩnh vực đường bộ

Tác giả: Thế An

saosaosaosaosao
28/09/2016 09:35

Trong 8 tháng đầu năm 2016, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành với nhiều giải pháp, hành động thiết thực và có hiệu quả, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí.

IMG_0421

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, thời gian vừa qua, công tác đảm bảo ATGT nói chung và ATGT đường bộ nói riêng đã được Đảng và Chính phủ quan tâm triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, hành động thiết thực và có hiệu quả, do đó TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Các dịp lễ lớn như 30/4, 01/5, 02/9 không có tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Các vấn đề bất cập trong tổ chức giao thông, các hư hỏng về hệ thống ATGT đã được xử lý kịp thời. Tình trạng xe quá tải, xe cơi nới thành, thùng đã được hạn chế, không hoạt động ngang nhiên, thách thức như trước đây, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm ách tắc, giảm TNGT.

“Công tác KSTTX hiện nay đã giảm trên 92%, số còn lại chủ yếu là các xe ở mỏ vật liệu, nhà máy xi măng và trong nội bộ tỉnh hoặc địa phương lân cận; tình trạng hàn nối tôn cao thành thùng xe đã cơ bản được xử lý; kết cấu hạ tầng đường bộ được bảo vệ, kéo dài tuổi thọ khai thác, giảm ách tắc và TNGT. Cùng với đó, Tổng cục đã thực hiện tốt công tác tham mưu, có nhiều giải pháp và triển khai quyết liệt, đồng bộ trên các lĩnh vực tuyên truyền, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng; tổ chức giao thông, xử lý điểm đen, tăng cường quản lý vận tải, đào tạo, nâng cao chất lượng sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần quan trọng vào đảm bảo TTATGT trong lĩnh vực đường bộ”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết thêm.

Tuy nhiên, kết quả của việc hạn chế TNGT chưa bền vững, số người chết, bị thương do TNGT vẫn còn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ vẫn còn xảy ra. Đặc biệt như trong tháng 5, tháng 6 có sự đột biến khi xảy ra một số vụ tai nạn đối với xe khách, cháy xe khách giường nằm 2 tầng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản và UTGT ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. “Các vụ TNGT nghiêm trọng, thảm khốc luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Huyện lo ngại.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm lập lại kỷ cương và ATGT đường bộ nhưng hiện nay tình hình vi phạm TTATGT, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn diễn biến phức tạp như lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đấu nối trái phép đường nhánh vào quốc lộ, lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh dịch vụ, dựng lều quán, biển quảng cáo che khuất tầm nhìn…; công tác xử lý vi phạm chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra do lực lượng mỏng, ở nhiều nơi chính quyền các địa phương chưa thực sự vào cuộc, hoạt động giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ có nơi còn buông lỏng, chưa kiên quyết xử lý ngay từ đầu, dẫn đến phải tổ chức cưỡng chế mất nhiều thời gian, tốn kém kinh phí.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, vẫn còn tình trạng một số dự án xây dựng cơ bản chưa quan tâm đến hệ thống ATGT, vấn đề bàn giao còn tồn tại nhiều bất cập. Trong quá trình đầu tư xây dựng, khi có kinh phí nhưng không thực hiện hoặc không triệt để mà lại bàn giao khai thác, gây khó khăn cho việc bố trí kinh phí khắc phục. Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh cả về số lượng và chủng loại, nhất là phương tiện có trọng tải lớn. Công tác quản lý hoạt động vận tải còn chưa phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, ngắt thiết bị giám sát hành trình xe dẫn tới một số vụ TNGT nghiêm trọng không có được số liệu hành trình xe trước khi xảy ra tai nạn để điều tra, phân tích.

Cùng với đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ trong việc chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT. Công tác quản lý vận tải của đơn vị quản lý đường bộ còn lỏng lẻo, kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng, xử lý điểm đen, tổ chức giao thông còn rất hạn chế…

Do đó, để đảm bảo công tác TTATGT đường bộ những tháng cuối năm đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1095/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm TTATGT trong Quý III/2016 và Công điện số 18/CĐ-UBATGTQG về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và KSTT phương tiện trên đường bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ, làm tốt công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; điều chỉnh tổ chức giao thông, đồng thời rà soát, điều chỉnh vạch báo, biển báo, vạch sơn, hộ lan tôn sóng.

Lực lượng chức năng cần tăng cường công tác KSTTX, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm ngay tại đầu mối nguồn hàng như nhà máy, bãi đá, công trường xây dựng, nhà ga, bến cảng, yêu cầu xe vi phạm phải quay lại để dỡ hàng tạo tính giáo dục lan tỏa đối với các chủ hàng và lái xe; thực hiện xử phạt hành chính hoặc rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở bốc xếp, mỏ, bến bãi vi phạm; thanh tra, kiểm tra và giám sát các lực lượng thực thi công vụ trong công tác KSTTX, đảm bảo thực hiện nghiêm minh, công bằng và đúng pháp luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận