An toàn giao thông là “nền tảng” để du lịch trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Bạn đọc 03/08/2019 07:40

Việc kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo ATGT là mục tiêu chính nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho khách du lịch, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Khu du lịch Cửa Lò nhìn từ trên cao. Ảnh Báo Nghệ
Khu du lịch Sầm Sơn nhìn từ trên cao

Bước vào cao điểm mùa du lịch, công tác đảm bảo an ninh, an toàn phải đối mặt với nhiều thách thức với diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực ATGT. Xác định du lịch có ý nghĩa và vai trò quan trọng là ngành kinh tế mũi nhọn, theo đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và bảo đảm ATGT cho khách du lịch ngay từ đầu năm 2019.

Trong đó, mục tiêu chung là kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo ATGT nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho khách du lịch, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Tính đến năm 2025, một số mục tiêu cụ thể cần phải đạt được như: Đạt 80% công trình đầu mối vận tải hành khách (bến xe khách loại 3 trở lên, trạm dừng nghỉ đường bộ, ga đường sắt, cảng bến thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không) được trang bị cơ sở vật chất, dịch vụ tiện nghi phục vụ hành khách và giao thông kết nối thông suốt, an toàn đến các khu du lịch, điểm du lịch. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng giao thông cần phải đạt 100% các tuyến đường bộ cao tốc được ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý, khai thác.

Về phát triển phương tiện vận tải khách du lịch, yêu cầu được đặt ra là 100% phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ, đường thủy nội địa phải có các trang thiết bị về chất lượng dịch vụ và an toàn kỹ thuật theo quy định; 100% người điều khiển, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch có đủ giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ phù hợp với xu thế phát triển hội nhập quốc tế của ngành Du lịch. Mặt khác, các trung tâm, cơ sở tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu TNGT cần có đủ nhân lực và được trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT phải thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn cho sự phát triển của ngành Du lịch. Trong đó, Bộ GTVT cần rà soát, xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phục vụ vận chuyển khách du lịch; nâng cấp, cải tạo các đầu mối vận tải hành khách, đảm bảo điều kiện trang thiết bị tiện nghi phục vụ mọi đối tượng hành khách.

Bộ GTVT cũng phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra, phụ trách ATGT trong hoạt động vận tải khách du lịch; đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, kiểm soát quy trình cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ cho người điều khiển, thuyền viên, nhân viên phục vụ trong hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch; nâng cao chất lượng công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải khách du lịch; tăng cường quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận tải khách du lịch giữa hai kỳ kiểm định.

Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, lắp đặt đầy đủ hệ thống biển chỉ dẫn giao thông, thông tin du lịch trên các tuyến đường xuyên Á, các tuyến đường bộ chính yếu dẫn đến các cửa khẩu quốc tế, trung tâm lưu trú du lịch, khu du lịch; khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch đổi mới, phát triển đa dạng hóa đoàn phương tiện theo hướng hiện đại, tiện nghi. Bộ GTVT cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng cơ chế phối hợp về chia sẻ thông tin trong công tác quản lý hoạt động vận tải khách du lịch.

Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo ATGT cho khách du lịch, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cần tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ GTVT trong xây dựng ban hành mẫu cơ sở dữ liệu thống kê TNGT đối với các vụ tai nạn liên quan đến phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ, đường thủy nội địa để phục vụ công tác thống kê...; đồng thời hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy định theo thẩm quyền về kiểm soát chất lượng dịch vụ và bảo đảm ATGT trong hoạt động vận tải khách du lịch…

Về phía địa phương, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát, ban hành theo thẩm quyền các quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ và bảo đảm ATGT trong hoạt động vận tải khách du lịch trên địa bàn; rà soát, bố trí đầy đủ các điểm đón, trả khách, bến, bãi đỗ xe phục vụ phương tiện vận tải khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch; đảm bảo quỹ đất dành cho phát triển giao thông theo quy định, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.

Mặt khác, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về chất lượng dịch vụ và bảo đảm ATGT trong hoạt động vận tải khách du lịch trên địa bàn địa phương; đẩy mạnh phối hợp với Bộ GTVT rà soát, nâng cấp, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông (đầu mối vận tải hành khách, tuyến đường...) kết nối đến các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo ATGT cho khách du lịch, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch trên các tuyến du lịch, khu du lịch thuộc địa bàn địa phương

Ý kiến của bạn

Bình luận