Ẩn họa 'xe đi chung' ra vào vùng dịch Covid-19 bùng phát cận Tết

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 04/02/2021 14:03

Để có thể di chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và ngược lại trong thời điểm tạm dừng hoạt động vận tải hành khách, nhiều người đã “lách luật” bằng cách thuê dịch vụ 'xe đi chung' 'xe 100k' để giảm chi phí và trốn các biện pháp phòng dịch.

Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương và đang xuất hiện ở các địa phương lân cận. Số ca dương tính tăng từng ngày. Công tác phòng dịch tại các địa phương này được thiết lập ở mức cao độ, tập trung nhất.

Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã có công văn khẩn yêu cầu tạm dừng, điều chỉnh hoạt động vận chuyển hành khách đến, đi hoặc có hành trình qua tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh để ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Tuy nhiên, không ít người dân thiếu ý thức vẫn tìm mọi cách để đi về vùng dịch. Nhiều đối tượng vì lợi nhuận, bất chấp nguy cơ làm lây lan dịch Covid-19, ngang nhiên nhận khách làm "người nhà", đưa về các địa phương này.

Theo điều tra của phóng viên, nhiều người chạy xe từ 4 đến 7 chỗ ở cách tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đã mượn danh nghĩa xe “chở người nhà” để bắt khách từ Hà Nội về các tỉnh với giá cao ngất ngưởng kiếm lời.

Phương thức hoạt động chủ yếu của các xe này là tham  gia dịch vụ tìm khách, khách vào tìm xe và chốt giá trên các nhóm “xe một chiều”, “xe đi chung”, “xe tiện chuyến”… trên mạng xã hội Facebook, Zalo.

IMG_20210204_082537
Nhiều người có nhu cầu đi lại, đăng thông tin trên mạng để tìm xe đi chung

Tinh vi "lách luật"

Lên trang facebook “Xe một chiều kết hợp Quảng Ninh” đăng tải thông tin muốn đặt xe đi từ Hà Nội - về Hạ Long (Quảng Ninh) vào 21h tối 1/2, anh N. được một chủ xe 5 chỗ báo giá 400 nghìn đồng/người. Ngoài ra, chiếc xe 7 chỗ cũng báo giá 350 nghìn đồng/người. Tuy nhiên, để về được tới Hạ Long thì hành khách phải có hộ khẩu hoặc thẻ căn cước chứng minh nhân thân là người Quảng Ninh.

Sau khi chốt được “hợp đồng”, đúng hẹn, anh N. được chiếc xe đến đón, lúc này trong xe đã có 4 vị khách khác đi cùng chuyến.

Anh N. cho biết, khi chiếc xe đến chốt kiểm soát dịch bệnh tại đầu địa phận tải Quảng Ninh, tất cả mọi người đều phải vào khu vực kiểm tra sức khỏe và khai báo y tế theo quy định.

Anh cùng những người khác đều xuất trình được căn cước công dân hoặc giấy tờ xác minh lý do về Quảng Ninh nên đều được cho đi vào địa phận.

“May mắn lực lượng chức năng không phát hiện chiếc xe dịch vụ chở khách vì chúng tôi đã thống nhất nhận là họ hàng của nhau và đi xe của gia đình”, anh N. tiết lộ.

Theo addmin của nhóm đi xe chung Quảng Ninh - Hà Nội, dịch vụ đi xe chung, xe ghép lập ra để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, sao cho tiện lợi và thoải mái nhất. Ngoài ra, những người có xe riêng cũng sẽ “tiện chuyến” vớt vát một số khách để tiết kiệm được xăng dầu. Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, thì nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đi chung của người dân tăng cao.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận: “Nguy cơ nhiễm Covid-19 khi sử dụng dịch vụ xe đi chung khá cao vì bản thân tài xế không biết sức khỏe của hành khách như thế nào và lộ trình di chuyển trước đó của họ ra sao”.

Trước đó, khoảng 8h ngày 30/3/2020, tại chốt kiểm tra cầu Bạch Đằng, tổ liên ngành tiến hành dừng xe ô tô 7 chỗ BKS 30E-232..., do anh Hoàng Thanh Tùng (SN 1987, trú tại Tân Triều, Hà Nội) điều khiển hướng Hà Nội - Quảng Ninh. Khi yêu cầu đo thân nhiệt và khai báo y tế, anh Tùng chống đối và không chấp hành.

lai-xe-cau-bach-dang-1586708513-width1000height750

Tài xế Hoàng Thanh Tùng điều khiển xe BKS 30E-232.17 thừa nhận lấy xe 7 chỗ của công ty để vận chuyển khách có nhu cầu về Quảng Ninh.

 Qua kiểm tra, phát hiện xe 7 chỗ trên thuộc Công ty TNHH và Dịch vụ vận tải HP được anh Tùng sử dụng để vận chuyển khách có nhu cầu về Quảng Ninh. Anh Tùng thừa nhận, do từ ngày 28/3 có lệnh cấm xe khách từ Hà Nội về Quảng Ninh, nên anh tự ý lấy xe công ty để chở học sinh, sinh viên về quê để kiếm tiền. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng chỉ xử lý anh Tùng về hành vi chống đối việc không chấp hành kiểm tra thân nhiệt, không xử lý vi phạm vận tải hành khách.

Xe "100k" núp bóng “xe gia đình”: Rất khó kiểm soát

Còn tại Hải Dương, tình trạng xe gia đình, cá nhân gom chở khách trên các trang mạng xã hội để “tăng gia sản xuất” đang bùng nổ khiến lực lượng chức năng “đau đầu” vì khó xử lý.

Loại hình kinh doanh này đang rất phát triển với tên gọi “xe 100k”, hay còn gọi là “xe trăm nghìn đồng”.

Chỉ cần vào mạng, gõ từ khóa “xe ghép Hà Nội - Hải Dương 100k”, một loạt trang chủ facebook của nhà xe hiện ra để liên hệ đặt chỗ. Dù mỗi hành khách có các điểm đón khác nhau, nhưng chỉ cần thông báo địa điểm cần đón, cần trả khách cùng số điện thoại của từng người, nhà xe đã chủ động liên hệ và đến đón tận nơi, không phải lo di chuyển đến bến xe như đi xe của các hãng vận tải truyền thống.

Nếu như trước kia đi từ Hà Nội về Hải Dương bằng xe khách tuyến cố định sẽ mất chi phí từ 50.000 - 70.000 đồng/người hoặc mỗi chuyến taxi khách hàng cũng phải trả từ 700.000 - 800.000 đồng, thì nay với loại xe ghép, khách hàng chỉ phải mất 100.000 đồng cho mỗi người, đắt hơn xe khách cố định một chút, nhưng lại rẻ hơn đi taxi rất nhiều.

Một tài xế tên T. đang lái “xe 100k” loại 7 chỗ, thực hiện 2 chuyến/ngày từ Hà Nội đi Hải Dương (tương đương với 4 lượt đi về) cho biết, nếu đủ ghế, nhà xe sẽ thu được 2,8 triệu đồng/ngày, trừ chi phí xăng xe, cầu phà vẫn có lãi vì xe thường đủ chỗ.

PicsArt_02-04-08.35.44

Xe trá hình vô tư rao đón khách, hàng từ Hà Nội – Hải Dương, trên mạng xã hội facebook, bất chấp quy định kiểm soát y tế của địa phương.

Vấn nạn xe ghép, đi xe chung núp bóng danh nghĩa xe gia đình tại các tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương không chỉ làm mất trật tự vận tải hành khách, hoạt động phi pháp, dùng đủ chiêu trò đối phó mà còn đang gây ra hàng loạt hệ lụy nhãn tiền khác: Mất an ninh trật tự, và giờ gây cả mối họa cho công tác phòng dịch Covid-19 khi cả hệ thống chính trị, đại đa số người dân đang đồng lòng chung sức…

Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, tình trạng xe đi chung, đi ghép đã diễn ra từ lâu nhưng để kiểm soát và xử lý dứt điểm không dễ vì hoạt động của loại xe này khá tinh vi.

Theo ông Minh, đây là loại hình kinh doanh vận tải trái phép nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, cả lái xe và hành khách đều “đồng lòng” nói là anh em, họ hàng và đi xe của gia đình nên rất khó xử lý.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, Đội trưởng Đội CSGT số 14, CA TP Hà Nội - Trung tá Hà Văn Tuân  hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễu bệnh do những ca F0 bị mất dấu vết theo công bố của Bộ Y tế thì việc đi xe chung, xe ghép chuyến có nguy cơ bùng phát dịch. Do đó, chúng tôi khuyến cáo mọi người không nên đi xe chung, xe ghép để về quê.

"Đến nay, chúng tôi đã kịp thời xử lý hàng chục phương tiện vi phạm gồm cả ô tô và xe mô tô, tạm giữ 3 mô tô, tước giấy phép lái xe 10 trường hợp. Lực lượng chức năng vẫn đang tăng cường, kiểm soát những phương tiện như này", Trung tá Hà Văn Tuân cho hay.

Ý kiến của bạn

Bình luận