70 năm giao thông vận tải đồng hành cùng dân tộc

Tác giả: VIỆT CƯỜNG

saosaosaosaosao
25/08/2015 07:54

Lật lại những trang sử hào hùng của ngành GTVT thấy vẫn còn vẹn nguyên ý chí chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự chủ nước nhà với tinh thần “Địch phá ta sửa, ta đi”, “Địch phá ta cứ đi”. Tiếp bước truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, lớp lớp cán bộ, công nhân viên ngành GTVT luôn ra sức phấn đấu, thi đua lập nhiều thành tích, đem mồ hôi xương máu cống hiến cho lý tưởng “Đi trước mở đường” thiêng liêng, cao đẹp. 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển (28/8/1945 - 28/8/2015), ngành GTVT có cơ sở và niềm tin để nhìn về tương lai phía trước với những thành công mới, thắng lợi mới.

Cau-Nhat-Tan-1_lg
Cầu Nhật Tân

Lịch sử dân tộc Việt Nam được viết lên từ truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần quật khởi, từ những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, từ chuỗi ngày lầm than “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”…

Gắn liền với những mốc son chói lọi đó là chiến công thầm lặng của những con người lấp hố bom, bạt dốc núi để mở đường, thông tuyến hình thành mạch máu giao thông của đất nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mỗi mét đường được mở đều thấm đẫm lòng tự tôn dân tộc, thể hiện khát vọng hòa bình của người con đất Việt. Bài ca Giao thông vận tải cứ được nối dài mãi theo chiều dài của đất nước, dồn dập, hùng tráng và rất đỗi tự hào.

Kể từ khi được thành lập (28/8/1945) với tiền thân là Bộ Giao thông - Công chính, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua, cán bộ, công nhân viên trong toàn Ngành đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, giành trọn tâm huyết và trí tuệ cho sự nghiệp phát triển GTVT. Bằng đôi tay khéo léo và khối óc cần cù, sáng tạo, những người thợ làm đường, làm cầu năm xưa đã nối liền sự chia cắt để đảm bảo giao thông thông suốt, kịp thời chi viện cho chiến trường. Những công trình, những sản phẩm như: Tuyến đường goòng bắc qua sông ở Bồng Sơn (Bình Định), đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan và cầu Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), đầu máy Tự Lực mang tên “Nguyễn Văn Trỗi”, cầu Hàm Rồng… đã đi vào lịch sử với ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc.

Từ những sản phẩm thô sơ ban đầu, đến nay, nhiều công trình giao thông hiện đại, mỹ quan được xây dựng từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng lên miền núi, như: Cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Bãi Cháy, cầu Rồng, Thanh Trì, Rạch Miễu, Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vĩnh Thịnh, Nhật Tân...; hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia , hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, mở rộng QL1A, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh; sân bay quốc tế Nội Bài (nhà ga T1, T2), Tân Sơn Nhất, sân bay Cần Thơ, Phú Quốc; cảng cửa ngõ Lạch Huyện, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải...

Thực hiện trọng trách mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao phó, ngành GTVT đã bám sát vào nhiệm vụ trong từng giai đoạn, xây dựng thành công Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, các Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi) đã được Quốc hội ban hành. Ngoài ra, các đơn vị trong Ngành đã công bố nhiều Quy chuẩn, Tiêu chuẩn của từng lĩnh vực nhằm hoàn thiện khung pháp lý để áp dụng vào thực tiễn một cách chính xác và hiệu quả nhất.

Đất nước đang chuyển mình từng ngày, kinh tế - chính trị - xã hội đã có những bước tiến quan trọng được thể hiện trên mọi mặt của đời sống. Để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng GTVT được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược.

Thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp lý liên quan đến chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cũng như các quy định trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức khác nhau nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đã được ban hành. Bộ GTVT cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực GTVT. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, ngành GTVT đã có một “cuộc cách mạng” khi trong giai đoạn 2011 - 2015, Ngành đã huy động được 370.283 tỷ đồng, trong đó huy động theo hình thức BOT, PPP… là 121.833 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2013 đã có 77 dự án, công trình được khởi công bằng các nguồn vốn xã hội hóa này. Nhiều dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp có tầm cỡ khu vực và quốc tế được hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả tốt như: Cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh Thịnh, nhà ga T2 Nội Bài… Đó không chỉ là niềm tự hào của ngành GTVT nước nhà mà còn là bộ mặt của nền kinh tế đất nước, sự đồng thuận và vì lợi ích của người dân.

bay
Ảnh minh hoạ

Là một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, GTVT có sứ mệnh tiên phong “Đi trước mở đường”, tạo sự gắn kết, giao thương giữa các vùng miền bằng hệ thống cơ sở hạ tầng tiện ích, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp với xu thế phát triển. Để có được những thành quả như ngày hôm nay, các cấp lãnh đạo, công nhân viên và người lao động toàn Ngành đã đồng tâm hiệp lực, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động vận tải được chấn chỉnh và siết chặt như hiện nay, điều đó được thể hiện trong quy trình đăng kiểm phương tiện; công tác kiểm soát tải trọng xe; đào tạo sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe… Những kết quả đạt được như một hiệu ứng tích cực lan tỏa tới toàn xã hội, được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, trong thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã có chuyển biến tích cực và đều giảm trên cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, qua các biện pháp tuyên truyền và giáo dục, người dân khi tham gia giao thông đã có ý thức và trách nhiệm hơn.

GTVT nước nhà đang đứng trước nhiều thách thức song cũng là cơ hội để Ngành tiếp tục bứt phá với truyền thống 70 năm đồng hành và phát triển. Trải qua bao gian lao, đến nay, ngành GTVT đã xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp giỏi về nghề, tinh về chất và mạnh về nguồn lực. Họ đã có mặt trên khắp các công trường, từng bước nắm bắt và làm chủ khoa học công nghệ để kiến thiết những công trình giao thông hiện đại, tầm cỡ. Những tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc Bộ GTVT đã và đang được sắp xếp, tái cơ cấu với trọng tâm cổ phần hóa doanh nghiệp theo lộ trình và kế hoạch đã được đề ra. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để Ngành tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2015) cũng là thời điểm đất nước tự hào nhìn lại 70 năm về trước khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Niềm vui hòa lẫn niềm vui, lòng tự hào dân tộc được đắp bồi qua những chiến công từ thế hệ này sang thế hệ khác với việc làm và hành động theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

“Dũng cảm - Thông minh - Sáng tạo” luôn là ý chí, là mục tiêu để toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành GTVT thi đua, phấn đấu, tô thắm thêm những trang sử hào hùng và đắp dày thêm những chiến công hiển hách trên con đường dựng xây và phát triển.

Ý kiến của bạn

Bình luận