3 phương án nâng cấp tuyến đường thủy Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau

Thị trường 09/08/2016 06:01

Ban Quản lý các dự án Đường thủy vừa có Tờ trình lên Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho phép lập dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường thủy Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau bằng cách đưa ra các phương án tuyến luồng, tổng mức đầu tư và hoàn vốn tài chính thông qua thu phí.

Trình 3 phương án nâng cấp tuyến đường
Trình 3 phương án nâng cấp tuyến đường thủy Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau

Theo báo cáo của đơn vị này, tuyến vận tải thủy nội địa Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau hiện đang xuống cấp trầm trọng do nhiều đoạn bị bồi lắng hoặc bị hẹp lại bởi các hoạt động dân sinh. Do đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng đường thủy của tuyến này mang lại lợi ích rất lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội đồng thời giảm áp lực và chi phí đầu tư, duy tu sửa chữa cho đường bộ. 

“Hiện nay, các phương tiện thủy có trọng tải lên đến 300T lưu thông theo tuyến kênh thuộc thành phố Rạch Giá là rất khó khăn. Nếu được đề xuất đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau đạt tiêu chuẩn cấp 3 đường thủy nội địa đảm bảo cho tàu tự hành 500 tấn lưu thông thông suốt 24/24 giờ,” ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc Ban quản lý các dự án Đường thủy nhấn mạnh.

Về phương án tuyến luồng, phía Ban quản lý các dự án Đường thủy đề xuất đưa ra 3 phương án đồng thời có những phân tích về điểm thuận lợi và khó khăn của từng phương án. 

Cụ thể, phương án tuyến 1 sẽ có tổng chiều dài là 196km, là ngắn nhất trong 3 phương án nhưng lại có tổng mức đầu tư rất lớn lên tới 3.235 tỷ đồng do phải thực hiện cải tạo nâng cấp luồng qua các khu dân cư tập trung nên việc mở rộng nâng cấp để đáp ứng cho tàu 500T cần phải giải phóng mặt bằng.

Phương án tuyến 2 có tổng chiều dài tuyến là 209km, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến ít nhất 1.485 tỷ đồng. Việc đầu tư nâng cấp tuyến sẽ góp phần chỉnh trang đô thị của thành phố Rạch Giá. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc cải tạo đoạn kênh Rạch Sỏi, Ông Hiển Tà Niên có mật độ dân cư sống dọc 2 bên bờ dày đặc trong khi bề rộng luồng chỉ các phương tiện đến 300T có thể lưu thông, các tàu 500T qua tuyến là rất ít và thường gây cản trở luồng chạy. 

Phương án 3 tổng chiều dài tuyến là 212km (dài hơn 3km so với phương án 2 và 16km so với phương án 1) với tổng kinh phí đầu tư là 1.535 tỷ đồng (thấp hơn phương án 1 là 1.700 tỷ đồng và cao hơn phương án 2 là 50 tỷ đồng). Việc đầu tư nâng cấp tuyến chủ yếu tập trung vào cải tạo mở rộng tuyến kênh nội đồng hiện hữu nhằm tránh đi qua khu vực thành phố Rạch Giá, vì vậy chi phí và phạm vi giải phóng mặt bằng thấp nhất.

Tuy nhiên, với phương án 3, phía đơn vị tư vấn lập đề xuất cũng cho rằng cần phải thực hiện nâng cấp 12 cầu trong đó 2 cầu trên Quốc lộ 80, 61 và 10 cầu dân sinh làm ảnh trong thời gian nhất định điều kiện giao thông trong vùng dự án. Ngoài ra, diện tích canh tác hoa màu cần giải phóng mặt bằng lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nhân dân sinh sống dọc tuyến kênh nội đồng cải tạo mở rộng.

Từ kết quả phân tích các phương án tuyến nêu trên, Ban quản lý các dự án Đường thủy kiến nghị chủ trương chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường thủy Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau theo phương án 3 với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.535 tỷ đồng, trong đó xây lắp 935 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 600 tỷ đồng. 

Đề cập về hướng tiếp cận phương án vốn đầu tư, phía Ban Quản lý các dự án Đường thủy cũng đưa ra các kênh huy động vốn như vốn vay hỗn hợp từ Ngân hàng thế giới (vốn vay ưu đãi IDA và và IBRD) hoặc vay toàn bộ IBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế); hình thức đối tác công-tư (PPP) hình thức hỗn hợp BT (xây dựng-chuyển giao), BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). 

Tuy nhiên, Ban Quản lý các dự án Đường thủy cũng đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đối tác công-tư trong đó, phần vốn Nhà nước sử dụng từ nguồn trái phiếu Chính phủ hoặc vốn trung hạn giai đoạn 2015-2020, phần vốn nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thực hiện thu phí tuyến kênh tránh thành phố Rạch Giá và cầu Minh Lương trên Quốc lộ 61. Tỷ lệ vốn Nhà nước và nhà đầu tư BOT sẽ xác định trên cơ sở phương án tài chính dự án theo thời hạn và mức thu phí đường bộ và đường thủy được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Liên quan đến phương án hoàn vốn, dự án này sẽ có các phương án thu phí đường thủy như thu phí qua cảng vụ đường thủy, thu phí tự động trên tuyến kết hợp công tác kiểm soát đăng ký đăng kiểm, thu phí trực tiếp từ phương tiện. 

Nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, giai đoạn lập dự án đầu tư hoàn thành trong quý 2/2017 và sẽ thực hiện từ quý 3/2017 đến năm 2020./.

Ý kiến của bạn

Bình luận