Xử lý nghiêm hành vi phá hoại “mắt phản quang” trên Cầu 14

Đường dây nóng 09/07/2017 05:58

Thời gian gần đây, hệ thống “mắt phản quang” báo hiệu cho phương tiện giao thông lưu thông qua cầu an toàn được gắn trên Cầu 14 bắc qua sông Sê-rê-pốc nằm trên đường Hồ Chí Minh nối hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông bị các đối tượng phá hoại và lấy cắp, gây mất an toàn giao thông. Các ngành chức năng của tỉnh cần sớm vào cuộc để khắc phục vấn đề này nhằm tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

 

Screen Shot 2017-07-08 at 17.25.20
“Mắt phản quang” trên Cầu 14 bị phá hư hỏng, không còn tác dụng báo hiệu giao thông.

Chính sự phá hoại và hành vi lấy cắp hệ thống “mắt phản quang” của các đối tượng đã dẫn tới việc liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cây cầu này thời gian qua. Cầu 14 nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ nên hằng ngày lưu lượng xe cơ giới, xe khách qua lại cây cầu này rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là vào ban đêm. Vì vậy, các ngành chức năng của hai tỉnh Đác Lắc, Đác Nông cần sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại hệ thống “mắt phản quang” trên Cầu 14 nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại mỗi ngày. 

Xác định vị trí quan trọng và lưu lượng phương tiện qua lại hàng ngày trên Cầu 14 rất lớn, nhằm cảnh báo và bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông qua cầu, tháng 5-2017, Cục Quản lý đường bộ III và Công ty Cổ phần đường bộ Đác Lắc đã lắp đặt 68 “mắt phản quang” gắn trên đỉnh gờ chắn bánh xe và sáu cọc tiêu nhựa cao su phản quang ở đầu đường dẫn vào Cầu 14. Hệ thống “mắt phản quang” và cọc tiêu cao su phản quang có tác dụng báo hiệu, nâng cao mức độ an toàn cho các phương tiện lưu thông qua Cầu 14 vào ban đêm. Tuy nhiên, chỉ sau một tháng lắp đặt, trong hai ngày 1 và 2-6 vừa qua, Chi cục Quản lý đường bộ III.5 tiến hành kiểm tra và phát hiện 31 “mắt phản quang” cùng sáu cọc tiêu nhựa bị các đối tượng đập phá làm méo mó, không còn phát huy tác dụng báo hiệu cho phương tiện giao thông qua cầu vào ban đêm, một số khác đã bị lấy cắp. Việc phá hoại này không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị quản lý cây cầu này mà nguy hiểm hơn là gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện qua cầu vào ban đêm.

Thực tế trong thời gian qua, khu vực Cầu 14 này đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Gần đây nhất là vào lúc 1 giờ ngày 4-7-2017, chiếc xe container do tài xế Phan Văn Cương Duy, 25 tuổi, quê Hà Tĩnh, điều khiển lưu thông trên đường Hồ Chí Minh theo hướng từ thành phố Hồ Chí Minh về Đác Lắc. Khi xe chạy đến khu vực Cầu 14 bắc qua sông Sê-rê-pốc nối hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông, do hệ thống “mắt phản quang” trên cầu bị phá hoại, trời tối nên tài xế không quan sát kỹ khiến xe bất ngờ tông vào gờ chắn bánh xe rồi lao qua phần đường ngược lại. Chiếc container chỉ dừng lại khi đầu xe đâm sập lan can và nằm chênh vênh trên thành cầu. Vụ tai nạn xảy ra vào giữa khuya, ít phương tiện lưu thông nên không gây thiệt hại về người. Riêng xe container bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn lan can cầu bị tông sập. 

Screen Shot 2017-07-08 at 17.25.28
Vụ TNGT khiến chiếc xe container tông sập lan can Cầu 14 và phần đâu xe nằm lơ lửng khỏi thành cầu.

Theo tài xế Duy, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là hệ thống “mắt phản quang” trên Cầu 14 bị hư hỏng, không phát huy tác dụng nên khi điều khiển xe đến khu vực cầu, do trời tối không quan sát hết, bánh xe tông vào gờ chắn bánh xe bằng xi măng bên lề cầu khiến tay lái xe bị kẹt, tài xế không điều khiển được xe. May mắn chiếc xe dừng lại kịp thời, còn rơi xuống sông thì hậu quả sẽ khôn lường. Nếu hệ thống “mắt phản quang” đầy đủ thì chưa chắc đã xảy ra tai nạn. 

Trước đó, vào khoảng 22 giờ ngày 19-5-2017, chiếc xe container do tài xế Phùng Thiện Mẫn (SN 1974), trú tại tỉnh Bình Phước, điều khiển lưu thông theo hướng từ tỉnh Đác Lắc đi Đác Nông. Khi đi đến khu vực Cầu 14 thì xe tông vào gờ chắn bánh xe làm xe mất lái, lật nghiêng và trượt dài trên cầu, sau đó đâm vào phần lan can bên trái, khiến phần thùng xe bay sang phần đường bên kia cầu. Phần đầu xe container nằm chênh vênh giữa hai bên thành cầu. Vụ tai nạn làm tài xế xe tải bị kẹt trong cabin và được người dân ứng cứu đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc cấp cứu. Theo tài xế Phùng Thiện Mẫn, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do hệ thống “mắt phản quang” và cọc tiêu phản quang bị hư hỏng, thời điểm xảy ra tai nạn trời lại mưa to khiến tài xế không quan sát rõ làn đường, gờ chắn bánh xe, lan can cầu... 

Cầu 14 bắc qua sông Sê-rê-pốc nối hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông trong nhiều năm qua là một “điểm đen” trên đường Hồ Chí Minh, thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Trong nhiều vụ TNGT xảy ra tại cây cầu này thì vụ xe khách giường nằm mang biển kiểm soát 47V-2371 của Hợp tác xã vận tải Quyết Thắng, huyện Krông Pác, tỉnh Đác Lắc rơi từ trên cầu xuống sông Sê-rê-pốc vào lúc 22 giờ ngày 17-5-2012, khiến 36 người tử vong và hơn 20 người bị thương là lời cảnh báo không bao giờ muộn trước tình trạng mất an toàn giao thông trên cây cầu này.

Để bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông qua cầu, ngay sau khi phát hiện 31 “mắt phản quang” cùng sáu cọc tiêu nhựa bị các đối tượng đập phá gây méo mó, không còn phát huy tác dụng báo hiệu giao thông, Chi cục Quản lý đường bộ III.5 đã cho lắp đặt lại số “mắt phản quang” và cọc tiêu cao su phản quang bị mất cắp và phá hoại. Ngày 6-7 vừa qua, qua kiểm tra đơn vị lại tiếp tục phát hiện hai “mắt phản quang” bị các đối tượng phá hoại, làm mất an toàn giao thông cho các phương tiện khi qua cầu.

Tài xế xe khách Nguyễn Tuấn Hùng, chạy tuyến tỉnh Gia Lai đi thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Tôi thường xuyên điều khiển xe khách giường nằm qua Cầu 14 vào khoảng 9-10 giờ đêm, trên cầu có hệ thống “mắt phản quang” và cọc tiêu phản quang báo hiệu giao thông sẽ giúp tài xế định hình được làn đường, lưu thông qua cầu an toàn hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây hệ thống “mắt phản quang” này liên tục bị phá hoại, gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông qua lại cầu vào ban đêm. Mong các ngành chức năng của tỉnh Đác Lắc và Đác Nông sớm điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại cây cầu huyết mạch này.

Anh Nguyễn Đức Tài, tài xế xe khách giường nằm tuyến Đác Lắc - thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đa số xe khách giường nằm chất lượng cao các tỉnh Tây Nguyên đi thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu chạy vào ban đêm theo đường Hồ Chí Minh và phải qua Cầu 14 bắc qua sông Sê-rê-pốc. Hơn hai năm nay, sau khi được nâng cấp, đường Hồ Chí Minh khá tốt nên xe thường chạy với tốc độ cao. Trong khi đó, Cầu 14 dài, mặt cầu hẹp, nếu hệ thống “mắt phản quang” và cọc tiêu phản quang, biển báo giao thông không tốt, nhất là vào ban đêm thì nguy cơ xảy ra TNGT là rất lớn.

“Trong những năm qua, tại “điểm đen” Cầu 14 liên tục xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng và chủ yếu xảy ra vào ban đêm, một trong những nguyên nhân xảy ra tai nạn là do hệ thống biển báo giao thông ở khu vực cầu chưa tốt. Tôi cũng như các tài xế khác thường xuyên qua cầu này mong muốn các ngành chức năng của hai tỉnh Đác Lắc, Đác Nông và đơn vị quản lý cầu xử lý dứt điểm tình trạng phá hoại hệ thống “mắt phản quang” và cọc tiêu phản quang báo hiệu giao thông trên cầu cũng như hai đầu cầu, nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện cơ giới hàng đêm qua lại trên cầu”, anh Đức Tài chia sẻ mong muốn của mình. 

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.5 Nguyễn Văn Lãnh cho biết: Nhằm ngăn chặn tình trạng phá hoại hệ thống “mắt phảng quang” và cọc tiêu phản quang báo hiệu giao thông khu vực Cầu 14, đơn vị đang phối hợp với UBND xã Hòa Phú, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc tổ chức tuyên truyền người dân không phá hoại, lấy cắp “mắt phản quang”, đồng thời tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá hoại “mắt phản quang” trên Cầu 14 trong thời gian qua. 

Ý kiến của bạn

Bình luận